Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã đón đoàn Tổng thống Ấn Độ tại bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng |
Đây là chuyến thăm trong khuôn khổ cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ theo lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Tại Bảo tàng điêu khắc Chăm, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã đón đoàn Tổng thống Ấn Độ. Tại đây, đại diện Bảo tàng điêu khắc Chăm giới thiệu với tổng thống Ấn Độ cùng phu nhân các hiện vật về nghệ thuật điêu khắc của Vương quốc Chămpa đang được trưng bày tại bảo tàng.
Sau khi chiêm ngưỡng các hiện vật cổ, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind đã viết vào sổ lưu niệm của bảo tàng, đồng thời chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo TP Đà Nẵng.
Tổng thống Ấn Độ chiêm ngưỡng các hiện vật cổ ở bảo tàng điêu khắc Chăm |
Tiếp đến, trưa cùng ngày, đoàn đã di chuyển vào thăm Khu đền tháp Mỹ Sơn. Tại đây, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Đinh Văn Thu cùng đại diện các sở, ngành liên quan của tỉnh Quảng Nam đã long trọng đón tiếp đoàn.
Phát biểu tại lễ đón tiếp, ông Nguyễn Ngọc Quang cho biết, tỉnh Quảng Nam nằm ngay trung độ của Việt Nam, địa giới hành chính đã được hình thành cách đây hơn 500 năm, là cửa ngõ giao thương buôn bán với nhiều nước trên thế giới thông qua cảng thị Hội An xưa và ngày nay là đô thị cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới.
Ngoài ra, Quảng Nam còn có nhiều di sản khác được UNESCO công nhận như Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ” và đặc biệt là Khu di tích Đền tháp Mỹ Sơn với hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch nung và đá sa thạch, được xây dựng từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XIII, đã tạo nên một trung tâm kiến trúc đền tháp độc đáo, quan trọng nhất của Vương quốc Chăm-pa xưa.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đón tiếp đoàn Tổng thống Ấn Độ |
Thực hiện bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Ấn Độ được ký kết vào năm 2014, Chính phủ Ấn Độ đã và đang tài trợ dự án “Bảo tồn, tôn tạo Di sản văn hóa thế giới Khu Di tích Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam”, giúp hồi sinh lại diện mạo các Khu di tích Đền tháp Mỹ Sơn đang có nguy cơ trở thành phế tích.
Tổng thống Ram Nath Kovind trồng cây bồ đề lưu niệm được mang từ Ấn Độ sang tặng Mỹ Sơn |
Thay mặt lãnh đạo địa phương, ông Nguyễn Ngọc Quang chân thành cảm ơn Chính phủ Ấn Độ và cá nhân Ngài Tổng thống về sự hỗ trợ quý báu cho tỉnh Quảng Nam, cùng các chuyên gia, nhà khoa học Ấn Độ đã giúp đỡ nhiệt tình trong công tác tu bổ, tôn tạo Khu di tích đền tháp Mỹ Sơn.
Chính phủ Ấn Độ đã và đang tài trợ dự án “Bảo tồn, tôn tạo Di sản văn hóa thế giới Khu Di tích Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam” |
Sau khi tham quan các nhóm tháp B, C, D tại khu đền tháp Mỹ Sơn, Tổng thống Ấn Độ cũng được thưởng thức các tiết mục văn nghệ dân gian Chăm; đồng thời trồng cây bồ đề lưu niệm được mang từ Ấn Độ sang tặng Mỹ Sơn.
Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind đã ghi sổ lưu niệm và gửi lời cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của UBND tỉnh và Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn. Đồng thời, khẳng định rất vinh dự khi được tham quan một di sản văn hóa thế giới rất nổi tiếng của UNESCO, một trung tâm của vương quốc Chăm Pa cổ mà sự tồn tại của nó mang đậm dấu ấn tinh thần văn hóa Hindu được du nhập từ Ấn Độ, cùng một vẻ đẹp kiến trúc rất độc đáo và tinh xảo mà những nghệ nhân Chăm Pa xưa đã thể hiện.
Sau khi lưu trú tại Furama resort Đà Nẵng, sáng 19/11, Tổng Thống và gia đình nhận được món quà ý nghĩa được chuẩn bị kỹ lưỡng từ ban lãnh đạo Furama với bức hình ông cùng gia đình được phủ màu trên những chiếc lá từ cây Bồ Đề Ấn Độ được trồng trên đất Đà Nẵng. Bức hình do nghệ nhân Lê Nguyên Vỹ thực hiện trong 24 tiếng từ tấm hình chụp gia đình Tổng Thống do Furama Resort Đà Nẵng cung cấp. Điểm đặc biệt là món quà được tạo nên từ khoảng 30 chiếc lá Bồ đề Ấn Độ do nghệ nhân tự gieo trồng trên khuôn viên gia đình tại Đà Nẵng. Các chiếc lá được ông xử lý phần thịt lá, chỉ còn lại phần xương trắng, sau đó được ghép lại với nhau, phủ màu, tạo nên một bức hình gần như trong suốt, nhìn được 2 mặt và ép giữa lớp kính hoặc mê-ca. Theo Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Tổng Giám Đốc Furama Resort Đà Nẵng: “Chúng tôi chọn món quà là tác phẩm in trên lá của nghệ nhân Lê Nguyên Vỹ không chỉ với sự độc đáo nghệ thuật này mà còn bởi lá Bồ đề có ý nghĩa thiêng liêng và trường tồn, từ cây có nguồn gốc từ Ấn Độ mà lại được trồng tại Đà Nẵng. Điều đó thể hiện sự bền vững, thông tuệ, hoan hỉ và an lạc, giống như những gì mà chúng tôi mong muốn từ mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ". |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận