Cuối cùng, sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) kéo dài 2 ngày, qua bao căng thẳng và nỗ lực để dàn xếp, G20 đã ra tuyên bố chung ngày 16/11, khẳng định lập tường của các lãnh đạo là “phản đối bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất trước những hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine, yêu cầu Nga rút quân hoàn toàn và vô điều kiện khỏi Ukraine".
Cũng theo tuyên bố, đa số các thành viên G20 đều lên án mạnh mẽ cuộc chiến này, tuy nhiên cũng có một số quan điểm, đánh giá khác về tình hình tại Ukraine cũng như các biện pháp trừng phạt.
Các nhà lãnh đạo G20 nhấn mạnh sự cần thiết duy trì luật pháp quốc tế và hệ thống đa phương nhằm bảo vệ hòa bình và duy trì ổn định, nhấn mạnh giải pháp hòa bình cho các xung đột, các nỗ lực giải quyết khủng hoảng, cũng như ngoại giao và đối thoại là rất quan trọng.
Tổng thống Indonesia bàn giao tư cách Chủ tịch G20 cho Ấn Độ. Ảnh - Reuters
Chia sẻ về quá trình đưa ra tuyên bố chung, Tổng thống Indonesia cho biết, phần gây tranh cãi nhất trong tuyên bố chung chính là lập trường của các thành viên G20 về chiến sự tại Ukraine.
“Cho tới nửa đêm ngày 15/11, chúng tôi vẫn thảo luận về vấn đề này. Cuối cùng, tuyên bố chung của các lãnh đạo G20 đã đạt được sự nhất trí đồng thuận. Chúng tôi đồng tình, cuộc chiến này đang có tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu, sẽ không đạt được sự phục hồi kinh tế toàn cầu nếu không có hòa bình” – ông Widodo nói.
Theo đánh giá của hãng tin CNN, tuyên bố chung của G20 lần này là chiến thắng lớn đối với Mỹ và các nước đồng minh vốn đã hối thúc phải lên án mạnh mẽ với Nga tại G20 dù trong tuyên bố vẫn có nội dung thừa nhận còn có những quan điểm khác biệt giữa các quốc gia thành viên.
Ngoài phần nội dung thu hút sự chú ý của dư luận kể trên, trong Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lần thứ 17 còn nhấn mạnh đến các nỗ lực chung và biện pháp phục hồi trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19.
Theo thông tin từ TTXVN, các nhà lãnh đạo G20 nhấn mạnh sự cần thiết thực hiện các hành động cụ thể, chính xác, nhanh chóng và cần thiết, sử dụng tất cả các công cụ chính sách hiện có để giải quyết các thách thức chung. G20 cam kết tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển - nhất là các quốc đảo nhỏ và kém phát triển - ứng phó với các thách thức toàn cầu và đạt các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Cũng theo tuyên bố, G20 sẽ duy trì ổn định tài chính và vĩ mô; thúc đẩy an ninh lương thực và năng lượng; hỗ trợ ổn định thị trường, cung cấp hỗ trợ tạm thời và có mục tiêu nhằm giảm tác động của việc tăng giá; tăng cường thương mại và đầu tư để đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực dài hạn, cũng như các hệ thống năng lượng, phân bón và lương thực có khả năng ứng phó và bền vững.
Các nhà lãnh đạo G20 cùng trồng cây đước tại rừng ngập mặn vào sáng 16/11 - Ảnh: Trung tâm Truyền thông G20
G20 cũng sẽ mở rộng hơn nữa đầu tư cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, cũng như các nước đang phát triển khác thông qua nhiều nguồn và công cụ tài chính sáng tạo hơn nhằm hỗ trợ đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG); đồng thời yêu cầu các ngân hàng phát triển đa phương huy động và cung cấp bổ sung tài chính để hỗ trợ đạt được các SDG và ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Về chuyển đổi năng lượng, G20 nhắc lại cam kết đạt mục tiêu trung hòa carbon trên toàn cầu vào giữa thế kỷ này hoặc sớm hơn, đồng thời kêu gọi các nước phát triển thực hiện các cam kết nhằm huy động khẩn cấp 100 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2020-2025 để hỗ trợ các nước đang phát triển, giúp hoàn thành mục tiêu của Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) và thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận