Cụ thể, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: “Lệnh trừng phạt là chưa đủ đối với những người Anglo-Saxons nên họ chuyển sang phá hoại. Thật khó tin nhưng sự thực là họ tổ chức gây ra vụ nổ đường ống khí đốt quốc tế Nord Stream. Họ bắt đầu phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng tại châu Âu. Đã quá rõ ràng ai sẽ được hưởng lợi từ việc này. Tất nhiên, ai hưởng lợi thì là thủ phạm”.
Tuy nhiên, ông Putin không đưa ra bằng chứng cụ thể. Trước đó, Nga từng ám chỉ Mỹ sẽ hưởng lợi khi cơ sở hạ tầng năng lượng tại châu Âu bị phá hoại.
Về phần mình, Mỹ cho rằng còn quá sớm để khẳng định ai là thủ phạm gây ra sự cố rò rỉ trên 2 đường ống Nord Stream đồng thời phủ nhận thông tin rằng Mỹ đứng sau việc này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh - Sputnik
Liên minh châu Âu cho rằng vụ rò rỉ đường ống Nord Stream là kết quả của hành vi phá hoại nhưng chưa nêu đích danh nghi phạm.
Sự cố ở đường ống Nord Stream khiến các quốc gia châu Âu gấp rút tăng cường an ninh tại các cơ sở hạ tầng quan trọng tại châu lục.
Italy đã tăng cường giám sát biển và kiểm soát khu vực có các đường ống dẫn khí tới quốc gia này từ hướng nam và hướng đông.
Cơ quan vận hành mạng lưới điện Ba Lan thông báo đang kiểm tra tuyến cáp ngầm dưới biển dẫn điện từ Thụy Điển sang Ba Lan có một phần nằm gần 2 đường ống Nord Stream gặp sự cố rò rỉ.
Giới chức các nước cũng nâng cao cảnh giác nhằm đảm bảo an toàn cho đường ống Baltic Pipe dự kiến bắt đầu vận chuyển khí đốt sang Đan Mạch, Ba Lan và một số quốc gia gần đó từ ngày 1/10.
Cơ quan vận hành Baltic Pipeline cho biết nguy cơ đối với dòng chảy khí đốt trong thời gian tới đã tăng mạnh vì có nhiều lo ngại hành vi phá hoại sẽ tiếp diễn tại các đường ống nhập khẩu khí đốt quan trọng.
Na Uy thông báo sẽ triển khai quân đội để bảo vệ cơ sở hạ tầng khí đốt, dầu mỏ sau khi cảnh báo phát hiện máy bay không người lái gần các dàn khoan dầu khí ngoài khơi của nước này.
Nhà vận hành năng lượng của Đức cũng kêu gọi siết chặt các biện pháp bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng trong khu vực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận