Thế giới

Tổng thống Putin và những cú “knock out” Obama

01/01/2016, 15:04

Nhìn lại năm 2015, thế giới chứng kiến sự “đối chọi” gay gắt giữa Nga -Mỹ tại các điểm nóng...

o-OBAMA-PUTIN-facebook
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Nga thể hiện khí phách

Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hạ lệnh tham chiến, chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria cuối tháng 9/2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo Nga đang đổ thêm dầu vào lửa ở Syria và “không chuyên nghiệp” khi chỉ thông báo với Mỹ vài giờ đồng hồ trước khi triển khai chiến dịch không kích.

Thế nhưng, chỉ vài tuần sau, không quân Nga chứng minh hiệu quả bằng những kết quả cụ thể với các mục tiêu của IS bị phá hủy từng ngày. Điều đó không chỉ chứng tỏ khả năng của Nga mà còn chỉ ra sự thất bại của Mỹ.  

Ý đồ của ông Putin rất rõ: Trợ giúp chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nhằm bảo vệ những lợi ích chiến lược của mình. Cho phép Syria trở thành một thiên đường đối với các hoạt động khủng bố sẽ không mang lại lợi ích cho bất cứ nước nào, trong đó có cả Nga. Ông Putin không cho phép điều đó xảy ra và gần như đã làm được.

Không những thế, ông Putin ép được ông Obama trong vấn đề số phận của ông Assad - Tổng thống Syria. Trước đây, ông Obama và các đồng minh châu Âu nhất quyết đòi ông Assad phải từ chức để mở đường cho các biện pháp hòa bình. Sự kiên quyết của Mỹ đã khiến các nhà bình luận hồi đầu năm nay còn cho rằng, sự tồn tại của chính quyền Syria chỉ tính bằng ngày. Thế nhưng mọi sự đã không như dự đoán.

Sau các cuộc không kích của Nga, phương Tây do Mỹ dẫn đầu xuống nước khi nói rằng: Số phận của ông al-Assad do nhân dân Syria quyết định, đó là chuyện nội bộ. Và điều này đã được 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua ngày 18/12 vừa qua. Ngay chính ông Obama cũng phải thừa nhận: “Tôi không thể nói là đã làm được điều gì cho Syria trong một năm qua. Syria đã trở thành một vấn đề khó khăn. Thay đổi bối cảnh ở Syria là điều chúng ta chưa thể làm được. Tôi thừa nhận điều đó”, theo 60 Minutes.

Để ép được các cường quốc ra quyết định kể trên, một phần nhờ vào sự bộc lộ sức mạnh quân sự hiệu quả trong các cuộc không kích IS; nhất là việc phóng tên lửa hành trình tấn công từ biển Địa Trung Hải, cách mục tiêu khoảng 1.500km. Theo cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, “hành động của Nga là dấu hiệu mới nhất về sự phân rã vai trò của chính quyền ông Obama trong ổn định tình hình Trung Đông”.

Mỹ mờ nhạt vai trò

Mới đây nhất là vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga ngày 24/11. Nhiều người cho rằng, Mỹ đã ngầm gật đầu để Thổ Nhĩ Kỳ hành động như vậy; bằng cách cung cấp thông tin về đường đi của chiếc máy bay này. Đây cũng có thể là một kế ly gián, để Nga -Thổ rơi vào một cuộc khủng hoảng  nghiêm trọng, gây thiệt hại cho cả hai bên, và dần dần hướng hai quốc gia đang là đối tác, bằng hữu vào thế đối đầu.

nga khong kich IS
Máy bay của Nga không kích các địa điểm của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Kênh truyền hình Lifenews (Nga) cáo buộc, trước khi đưa ra quyết định bắn hạ Su-24, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhận được cái gật đầu từ người đồng cấp Mỹ Barack Obama trong cuộc họp riêng tại G20 ngày 15-16/11.

Những bằng chứng mà Nga đưa ra sau đó để phản bác, cùng bình luận của giới chức Mỹ cho rằng, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là “hiếu chiến quá mức” và “được lên kế hoạch từ trước đều bất lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan có thể đã mắc bẫy của Mỹ. Nhưng Putin thì không, khi mà những phản ứng của Nga sau vụ Su-24 được giới phân tích đánh giá là đúng mực và khôn khéo, với việc ngừng dự án xây dựng đường ống khí đốt Turkish Stream đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, chấm dứt hoạt động du lịch và hạn chế nông sản có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ. Sự cố trên càng khiến Thổ Nhĩ Kỳ đánh mất ảnh hưởng của mình ở Trung Đông và vùng Balkan vào tay Nga.

Mới đây, khi Nga tuyên bố thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Syria, Iran và Iraq trong cuộc chiến chống IS, tờ The New York Times cho rằng, Mỹ đã “nếm mùi thua cuộc”. Tác giả Michael Gordon viết: “Đó là một dấu hiệu khác cho thấy Nga đang tiến lên với sự khác biệt rõ ràng so với những gì mà chính quyền của ông Obama làm”.

Còn theo Giáo sư Williams thuộc Trung tâm Tình báo và chống khủng bố, thuộc Đại học Macquarie, về lâu dài Nga đang ở vị thế tốt hơn so với Mỹ. Và khi “vượt mặt” Mỹ ở Trung Đông - một điểm nóng của thế giới, tức là Nga - dưới sự dẫn dắt của ông Putin tiến một bước dài trong việc lấy lại thế cân bằng trong cán cân quyền lực thế giới. Giáo sư Williams nhận định thêm rằng, tình hình ở Trung Đông thực sự phức tạp và chính quyền của ông Obama cần có 1 bước lùi để cân nhắc lại về những chiến lược và cách tiếp cận.

Thông điệp của ông Putin ở Crimea

Năm nay, sức nóng cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ đứng sau Trung Đông, cũng là nơi “đối đầu không khoan nhượng” giữa Nga và phương Tây do Mỹ dẫn đầu. Cuộc khủng hoảng này nổ ra từ năm ngoái; Đặc biệt là việc bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga.

Mỹ và phương Tây bị cho là đứng đằng sau cuộc nổi dậy ở quảng trường Maidan, rồi chống lưng cho Chính phủ hiện nay tại Ukraine, chỉ làm tình hình rối loạn thêm. Sự hậu thuẫn của chính quyền Obama đối với chính quyền Kiev đương nhiệm không giúp giữ được Crimea. Thậm chí ngày 24/12 vừa rồi, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nhận được khuyến cáo nên từ bỏ tham vọng giành lại Crimea từ tay người Nga, theo kênh NTV. Lời khuyên này, ai cũng ngầm hiểu nó được giành cho phương Tây và Mỹ - những đối tác hậu thuẫn cho Kiev.

Hiện, miền Đông Ukraine vẫn đang diễn ra cuộc xung đột giữa phe ly khai đòi độc lập với Chính phủ. Trong năm 2015 này, ngoài việc tích cực tham gia các nhóm tiếp xúc hòa giải, dưới chỉ lệnh của ông Putin, hàng đoàn xe tải Nga nối đuôi nhau xuất phát mang theo hàng chục nghìn tấn nhu yếu phẩm cứu trợ cho người dân miền Đông - điều mà phương Tây và Mỹ không làm. Đây lại là một bàn thua của Obama trước Putin.

Tổng Thư ký NATO thừa nhận vai trò của Putin

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg mới đây phải thừa nhận, Nga đóng vai trò không thể thiếu trong việc giải quyết khủng hoảng Syria và Ukraine. Và sự nổi lên của Nga không thể phủ nhận vai trò cá nhân của Tổng thống Vladimir Putin.

Ông Putin bị phương Tây đánh giá là “đại diện của đường lối dân tộc chủ nghĩa Nga”, là một nhà lãnh đạo độc tài, một “Sa hoàng” thời hiện đại, một “ông chủ Điện Kremlin” đúng nghĩa. Nhưng Tạp chí Forbes thì lại bình chọn ông là “Người quyền lực nhất thế giới” 3 năm liên tiếp.

Dù nước Nga đang rơi vào một cuộc khủng hoảng do những bao vây cấm vận của Mỹ và phương Tây; tỷ lệ ủng hộ ông Putin có lúc lên tới hơn 90%. Đó là một kỷ lục mà từ trước tới nay chưa có chính khách nào đạt được.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.