Chưa nhận được tín hiệu tích cực
Hãng tin Reuters dẫn lời ông Zelensky nhấn mạnh: "Nga đang sử dụng 300 máy bay chiến đấu trên lãnh thổ Ukraine. Chúng tôi cần ít nhất 120-130 máy bay chiến đấu để có thể kháng cự".
Hiện Ukraine đang chờ đợi NATO cung cấp các chiến đấu cơ F-16. Tổng thống Ukraine nêu rõ nếu các quốc gia thành viên NATO không thể cung cấp ngay số máy bay này, họ vẫn có thể triển khai từ các quốc gia lân cận và bắn hạ tên lửa của Nga.
Ngoài ra, ông Zelensky cho biết Kiev đang tiến hành đàm phán với các đối tác quốc tế để sử dụng vụ khí của họ tấn công vào các trang thiết bị quân sự của Nga nằm sát biên giới với Ukraine và nằm sâu trong lãnh thổ của Nga.
"Song, đến thời điểm này vẫn chưa dấu hiệu tích cực", ông Zelensky tiết lộ và nhắc lại quan điểm sẽ không phá vỡ thỏa thuận với các đồng minh trong việc sử dụng vũ khí của phương Tây tấn công các mục tiêu nằm trong lãnh thổ của Nga.
"Chúng ta không thể mạo hiểm với số lượng vũ khí lớn như vậy", Tổng thống Ukraine nhấn mạnh.
Nhà lãnh đạo Ukraine thừa nhận chiến trường Ukraine đang bước vào một trong những giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine tháng 2/2022.
"Làn sóng giao tranh dữ dội đang diễn ra tại Donbass khiến không một ai để ý thực ra còn có rất nhiều cuộc giao tranh khác ở miền Đông, đặc biệt là theo hướng Donbass: Kurakhove, Pokrovsk, Chasiv Yar", ông Zelensky nói thêm.
Theo hãng tin RT, những đề xuất nói trên được ông Zelensky đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Ukraine đang có mặt tại Warsaw, Ba Lan để ký thỏa thuận an ninh chung với Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, người hiện đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EU).
Ông Tusk dự kiến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO trong ngày hôm nay (9/7) và được cho là có tiếng nói quan trọng trong khối.
Trước đó, ông Zelensky có lần đề nghị NATO bắn hạ tên lửa Nga và so sánh những gì mà Anh và Mỹ từng làm với Israel hồi giữa tháng 4 khi Nhà nước Do Thái hứng chịu đợt không kích sử dụng hàng loạt máy bay không người lái và tên lửa từ Iran.
Đáp lại, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh: "NATO sẽ không tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine. Chúng tôi không có kế hoạch đưa binh sĩ NATO đến Ukraine hay mở rộng hệ thống lá chắn phòng không sang Ukraine".
Dù vậy, Mỹ và EU vẫn cung cấp cho Ukraine những loại vũ khí mà ông Zelensky yêu cầu, bao gồm hệ thống tên lửa Patriot và các loại vũ khí khác có khả năng tấn công vào sâu trong lãnh thổ của Nga.
Lithuania đề xuất NATO nên "cởi trói" cho Ukraine
Trong khi đó, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis đã lên tiếng kêu gọi các đồng minh của Ukraine cần dỡ bỏ hạn chế sử dụng vũ khí họ cung cấp cho Ukraine để tấn công các mục tiêu nằm trong lãnh thổ của Nga.
"Ngay từ đầu chúng ta đã mắc sai lầm khi giới hạn Ukraine làm điều đó khi cho rằng nó sẽ chỉ làm leo thang căng thẳng", ông Landsbergis lý giải và cho rằng những nước ủng hộ Ukraine đã bị nỗi sợ hãi Nga lấn át.
"Người dân Ukraine phải được cho phép sử dụng vũ khí mà họ được cung cấp để có thể đạt được những mục tiêu chiến lược. Họ cần có thể tấn công vào các mục tiêu nằm trong lãnh thổ Nga bao gồm các tuyến đường tiếp vận, các đơn vị quân đội đang lên kế hoạch tấn công Ukraine. Hiện chỉ có một bên có quyền áp đặt giới hạn đó và chúng ta phải dỡ bỏ những nguyên tắc mà chúng ta đặt ra", Ngoại trưởng Landsbergis tuyên bố.
Cũng theo ông Landsbergis các chuyên gia quân sự phương Tây cần quay lại Ukraine để đẩy nhanh tiến trình huấn luyện cho các lực lượng mới tại đây.
"Lithuania sẵn sàng tham gia liên minh do Pháp đứng đầu để huấn luyện cho binh sĩ Ukraine trên chính đất nước họ", ông Landsbergis cam kết.
Ngoại trưởng Landsbergis gợi ý Pháp có thể thể hiện vai trò lãnh đạo bằng việc triển khai các hệ thống phòng không tại các quốc gia Baltic sau đó thuyết phục các đồng minh khác thực hiện luân phiên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận