TP HCM kiến nghị ứng vốn cho các công trình quan trọng
Chiều 12/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo Thành ủy, UBND TP HCM. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM, báo cáo về tình hình kinh tế xã hội của TP trong quý I/2019 với nhiều điểm tích cực.
Thành phố đang đẩy mạnh triển khai các chương trình theo Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế đặc thù, trong đó chú trọng đến việc phân cấp, phân quyền mạnh cho các sở, ngành, quận, huyện. Trong lĩnh vực hạ tầng, thành phố tập trung kêu gọi nguồn vốn đầu tư vào các dự án trọng điểm như vành đai 2, vành đai 3, đẩy nhanh tiến độ dự án Metro số 1 và kêu gọi đầu tư các tuyến metro khác.
Để thực hiện đầu tư các dự án giao thông, hạ tầng quan trọng trong thời gian tới, TP HCM kiến nghị Chính phủ cho thành phố thực hiện "quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng", nhằm xác định rõ các công đoạn của quy trình, cơ quan chịu trách nhiệm và thời gian hoàn thành các nội dung công việc của từng công đoạn. Từ đó, rút ngắn, xác định được khung thời gian tối đã để hoàn thành các việc chi trả bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án kể từ ngày có thông báo thu hồi đất và khung thời gian tối đa để hoàn thành việc thu hồi đất, bàn giao mặt bằng dự án.
Chủ tịch UBND cũng kiến nghị cho thành phố ứng vốn ngân sách để thực hiện các dự án giao thông quan trọng. Cụ thể, về tuyến Metro số 1, năm 2018 và dự kiến năm 2019 vốn trung hạn không được bố trí. Để đảm bảo tiến độ thanh toán cho các nhà thầu, UBND kiến nghị giao cho thành phố thực hiện các thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án và tạm ứng 2.158 tỷ đồng để thanh toán cho các nhà thầu. Thành phố cũng đề nghị tạm ứng hơn 2.939 tỷ đồng để thực hiện GPMB cho tuyến vành đai 3 để đảm bảo tiến độ dự án.
Không sớm đầu tư các tuyến vành đai, TP HCM không có động lực phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể hoàn toàn ủng hộ các kiến nghị của TP HCM trong việc sớm thực hiện các dự án giao thông nội đô và giao thông kết nối. Bộ trưởng cho biết, hiện nay quanh khu vực TP HCM có 5 quốc lộ, trong đó nhỏ nhất như QL50 quy hoạch 6 làn xe, các quốc lộ khác quy hoạch 8 làn xe. Thế nhưng, thực tế hiện nay các quốc lộ chưa được mở rộng theo quy hoạch, vì tốc độ đô thị hóa quá nhanh.
Quy hoạch TP HCM cũng có 4 tuyến vành đai, nhưng hiện tại vành đai 2 cũng chưa được khép kín. Ông Thể cho rằng các tuyến vành đai 3, 4 có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc kết nối giao thông liên vùng giữa TP HCM với các tỉnh, nếu không sớm hình thành thì giao thông thành phố sẽ rất khó khăn. "Nếu không sớm thực hiện các tuyến vành đai thì TP HCM sẽ không còn động lực để phát triển vì ùn tắc giao thông sẽ xảy ra ngày càng nghiêm trọng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Đối với các tuyến đường cao tốc, ông Thể cho biết hiện cao tốc TP HCM - Trung Lương, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đến nay đều đã quá tải. Riêng cao tốc Bến Lức - Long Thành đang thi công, dự kiến năm 2021 sẽ hoàn thành. Các tuyến đường cao tốc khác như TP HCM - Tây Ninh, TP HCM - Chơn Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu...cũng đã được quy hoạch, tuy nhiên khó khăn hiện nay là nguồn vốn đầu tư.
Về đề xuất của TP HCM trong việc ứng vốn ngân sách của thành phố cho dự án Metro số 1 và GPMB tuyến vành đai 3, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết hoàn toàn ủng hộ. Bởi tình hình ùn tắc giao thông tại TP HCM ngày càng nghiêm trọng, nếu không có giải pháp đẩy nhanh tiến độ tuyến Metro số 1 và 7 tuyến Metro khác đã quy hoạch thì về lâu dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển đô thị. Cùng với đó, với việc đô thị hóa nhanh, giá đất tại các khu vực của thành phố tăng liên tục, với tuyến vành đai 3, trước sau cũng phải thực hiện. Nếu hiện nay thành phố có nguồn vốn ứng cho công tác GPMB với khoảng gần 2.939 tỷ đồng thì sau này vốn đền bù sẽ tăng lên, việc thực hiện dự án này sẽ càng khó khăn hơn. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT các Bộ ngành liên quan xem xét, ủng hộ TP HCM với các đề xuất trên hoặc có hướng mở nào khác để thành phố triển khai các dự án giao thông quan trọng trong thời gian tới.
Ông Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các dự án giao thông kết nối giữa TP HCM và các địa phương trong vùng. "Không có các vành đai 3, 4 thì thành phố sẽ giậm chân tại chỗ, hoặc phát triển cũng không đúng với tiềm năng thực tế".
Thủ tướng: tuần sau giải quyết các vướng mắc về metro số 1
Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những kết quả đạt được về kinh tế, xã hội trong quý I/2019 của TP HCM, đặc biệt là thực hiện các chương trình đột phá đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Thủ tướng đề nghị lãnh đạo TP HCM tiếp tục đoàn kết, phát huy vai trò đầu tàu về kinh tế để thúc đẩy nền kinh tế cả nước đi lên.
Về các kiến nghị của Thành phố liên quan đến tuyến Metro số 1, Thủ tướng nhấn mạnh: cái gì thành phố tạm ứng, cái gì Trung ương chịu trách nhiệm đã phân định rõ. Chính phủ phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. "Thứ 5 tuần sau, các Bộ phải trình cho Thủ tướng các đề xuất để xử lý dứt điểm các vướng mắc tại dự án Metro số 1, để cuối năm 2020 thông tuyến, năm 2021 đưa vào khai thác", Thủ tướng nói.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng, ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP HCM đề nghị toàn thể hội trường vỗ tay hoan nghênh.
Thủ tướng đồng tình về các đề xuất của Thành phố trong việc thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù để phê duyệt khung chính sách bồi thường GPMB, giá đất để trình Quốc hội xem xét. Một số vấn đề còn chưa rõ, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ TN-MT cùng TP HCM rà soát và xây dựng đề án trình Quốc hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận