Bỏ hơn 1.300 tỷ đầu tư, chưa được cấp đất đối ứng
Dự án đầu tư xây dựng tuyến kết nối đoạn từ Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa (QL1) do Liên danh Công ty CP HNS - Công ty CP Đầu tư Văn Phú Invest - Công ty CP Đầu tư xây dựng Bắc Ái thực hiện theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT). Tổng nguồn vốn đầu tư của dự án lên đến hơn 2.765 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư ứng trước cho địa phương 1.821 tỷ đồng để thực hiện GPMB.
Theo hợp đồng BT ký kết giữa nhà đầu tư với UBND TP HCM, nhà đầu tư được hoán đổi 6 khu đất gồm: Khu đất 129 Đinh Tiên Hoàng (Q.Bình Thạnh), 132 Đào Duy Từ (Q.10), 234 Lý Tự Trọng (Q.1), 582 Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân), 12 Kỳ Đồng (Q.3), 42 Trương Định (Q.3).
Ông Tạ Quốc Bình, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Bắc Ái cho biết, tiến độ của dự án đến nay đạt trên 45%. “Nhà đầu tư đã bỏ ra khoảng 1.300 tỷ đồng để thực hiện dự án. Theo hợp đồng BT, nhà đầu tư thực hiện khối lượng bao nhiêu sẽ được thanh toán bằng quỹ đất tương ứng, thế nhưng đến nay vẫn chưa nhận được khu đất nào”, ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, việc chậm trễ giao đất khiến nhà đầu tư gặp khó trong việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm. “Khu đất 129 Đinh Tiên Hoàng hiện chúng tôi đang làm văn phòng cũng phải thuê lại của thành phố. Phải đến khi có quyết định giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chúng tôi mới triển khai kế hoạch khai thác được”, ông Bình nói thêm.
Đại diện nhà đầu tư Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt cho biết đã được thành phố giao thực hiện dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hình thức hợp đồng BT từ 10 năm trước. Tổng mức đầu tư dự án theo khái toán năm 2010 là 988 tỷ đồng. Qua 2 bước chọn phương án thiết kế và báo cáo phê duyệt nghiên cứu khả thi, tổng vốn đầu tư dự án đội lên 1.950 tỷ đồng, do bổ sung các tầng hầm, trang thiết bị hiện đại, trượt giá... Để thực hiện dự án, nhà đầu tư được đổi 2 lô đất gồm lô đất ở 259 Trần Hưng Đạo (Q1), 3Bis Phan Văn Đạt (Q.1). Nhưng sau khi đội vốn lên, nhà đầu tư đang xin thêm 3ha đất tại Khu thể thao Phú Thọ (Q.11) và bỏ ra hàng chục tỷ đồng để GPMB, khoan cọc thử, thực hiện các bước chuẩn bị dự án, tuy nhiên đến nay các thủ tục hoán đổi các khu đất vẫn chưa được thực hiện xong. “DN rất mong thành phố sớm giải quyết các vướng mắc để dự án được triển khai sớm”, đại diện Phát Đạt nói.
Theo hợp đồng BT, nhà đầu tư ứng bao nhiêu vốn để thi công dự án sẽ được thanh toán khối lượng tương tự bằng tài sản đất. “Nếu thực hiện không đúng hợp đồng, cả nhà đầu tư và Nhà nước đều bị thiệt hại. Bởi theo quy định, khoản lãi vay của dự án BT kết thúc ngay sau khi Nhà nước giao đất cho nhà đầu tư, nếu chậm bàn giao, phần lãi phát sinh sẽ tính vào giá trị đất”, ông Tạ Quốc Bình nói, đồng thời cho biết nếu thực hiện giao đất đúng hợp đồng, Nhà nước sẽ tiết kiệm được không ít kinh phí và nhà đầu tư cũng giảm được chi phí lãi vay.
Trong khi đó, Sở GTVT TP HCM cho biết vẫn đang chờ quy định về hoàn trả bằng đất đối với hình thức hợp đồng BT. Nhà đầu tư cũng đang phải thiết kế tổng thể mặt bằng, phương án kiến trúc 1/500 trình phê duyệt theo quy định, cơ quan có thẩm quyền thực hiện các thủ tục định giá đất, hỗ trợ di dời thu hồi mặt bằng các khu đất trên. Sau khi hoàn tất các thủ tục sẽ bàn giao cho nhà đầu tư.
Nhiều dự án đình trệ
Kéo dài tình trạng này sẽ không nhà đầu tư nào chịu nổi
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng, sau một năm nhưng đến nay vẫn chưa ban hành được quy phạm pháp luật quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho dự án BT là quá chậm. Việc chậm trễ này có thể mang lại nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và Nhà nước. Theo đó, nhà đầu tư sẽ chậm được bàn giao mặt bằng công trình dự án BT sẽ khó có nguồn vốn để thực hiện dự án. “Chậm 1 năm, nhà đầu tư đã rất khó khăn, nếu kéo dài nhiều năm thì không nhà đầu tư nào chịu đựng nổi”, ông Châu nói.
Theo khảo sát, hầu hết các dự án đang triển khai theo hình thức BT trên địa bàn TP HCM tiến độ đều bị chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân do công tác GPMB chưa hoàn thiện. Nhà đầu tư lúng túng trong việc hoàn thiện hồ sơ thiết kế kỹ thuật, làm ảnh hưởng đến lựa chọn nhà thầu triển khai thi công. Đặc biệt, việc hoàn trả đất còn thiếu các quy định chuyển tiếp, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân cũng như khả năng thu xếp vốn vay thực hiện tiếp các phần việc còn lại.
Tìm hiểu của PV, từ ngày 28/3/2018, Bộ Tài chính có Công văn số 3515 đề nghị các địa phương tạm dừng xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT. Mặc dù theo Sở GTVT TP HCM, quyết định này chỉ có hiệu lực đối với các dự án BT đề xuất mới, thành phố và nhà đầu tư vẫn triển khai các hợp đồng đã ký đối với các dự án đang triển khai. Tuy vậy, theo các nhà đầu tư, các dự án BT đã ký trước đó và đang triển khai cũng chịu chung cảnh chậm được thanh toán.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM thừa nhận, việc tạm dừng xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT theo đề nghị của Bộ Tài chính, đã gây đình trệ quá trình đàm phán, tiến độ thực hiện nhiều dự án trọng điểm, ảnh hưởng lớn đến thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng của thành phố. Điển hình là các dự án vành đai 2, vành đai 3, mặc dù thành phố đã lên kế hoạch kêu gọi đầu tư nhiều năm nay, thậm chí sẵn sàng ứng hơn 2.000 tỷ đồng cho GPMB tuyến vành đai 3 nhưng đến nay vẫn chưa chốt được nhà đầu tư nào.
Lãnh đạo Sở KH-ĐT TP HCM cũng cho rằng, hợp đồng BT là một trong những kênh huy động nguồn lực xã hội để triển khai các dự án hạ tầng giao thông cho thành phố. Tuy nhiên, bài toán khó nhất với địa phương trong các dự án đổi đất lấy hạ tầng BT chính là làm thế nào để thực hiện thanh toán đất cho nhà đầu tư như hoạt động chuyển nhượng đất, đấu giá đất.
“Vấn đề này hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, do đó địa phương không áp dụng được. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các dự án thực hiện theo phương thức này”, lãnh đạo Sở KH-ĐT TP HCM cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận