Nhiều nhà sử học, chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh này dù ảnh hưởng đến người dân nhưng rất cần sửa lại cho đúng, thể hiện sự tôn trọng với nhân vật được đặt tên đường.
Tôn trọng lịch sử
Những ngày qua, người dân TP.HCM xôn xao về đề xuất điều chỉnh lại tên của nhiều tuyến đường bị đặt sai. Việc đề xuất điều chỉnh này khiến người dân băn khoăn, bởi kéo theo đó là sự xáo trộn, mất thời gian, công sức khi phải đổi hàng loạt các giấy tờ tùy thân, hộ khẩu và cả những giao dịch khác, chẳng hạn như tài khoản ngân hàng…
Chỉ vào bảng tên đường ngay trước cửa nhà, bà Nguyễn Thu Cúc, nhà ở đường Kha Vạn Cân (tên đúng là Kha Vạng Cân), quận Thủ Đức bức xúc: “Nhà tôi ở đây 30 năm rồi, vẫn để tên đường Kha Vạn Cân, người dân chúng tôi đã quen với tên gọi này, giờ đổi lại sẽ rất khổ. Nhiều loại giấy tờ sẽ phải làm lại, khổ hơn là những doanh nghiệp ở trên đường này phải đổi lại các loại giấy tờ kinh doanh, vừa tốn kém vừa mất thời gian”.
Trong khi đó, ông Trần Văn Hùng, nhà trên đường Trương Quốc Dung, quận Phú Nhuận cho rằng, cái gì sai thì phải sửa. Lịch sử không thể chấp nhận tên của một nhân vật lịch sử để sai hết năm này qua năm khác.
“Thời gian đầu sẽ bị xáo trộn, phiền hà cho người dân khi phải sửa lại một loạt giấy tờ. Tuy nhiên, về lâu dài, cần phải sửa lại để con cháu mai sau hiểu đúng hơn và tự hào về lịch sử”, ông nói.
Theo ông Võ Văn Sen, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP HCM, mỗi giai đoạn lịch sử có những lý do chủ quan lẫn khách quan khiến việc đặt tên đường chưa chính xác. Không thể viện cớ tên đường sai từ quá lâu, gọi quen rồi nên không cần thay đổi.
Dù vậy, ông Sen cho rằng, một số tên đường tuy chưa đúng nhưng không nhất thiết phải đổi. Bởi ngoài việc tôn trọng tính chính xác của tên nhân vật, sự kiện lịch sử cũng phải quan tâm đến yếu tố đặc trưng văn hóa người Sài Gòn - Gia Định nói riêng, chẳng hạn như cách phát âm. Việc đổi tên sẽ gây ra những xáo trộn không cần thiết.
Chính vì vậy, trong số 38 tuyến đường bị đặt sai, Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM đề xuất giữ nguyên 20 tên đường hiện hữu để tránh xáo trộn, dễ gây ảnh hưởng đến người dân. Chẳng hạn như: Lê Thánh Tôn - Lê Thánh Tông; Nơ Trang Long - N’Trang Lơng; Trần Khắc Chân - Trần Khát Chân; Tôn Đản - Tông Đản...
Tạo điều kiện để người dân đổi giấy tờ
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM cho biết, việc đổi tên lại các tuyến đường cho đúng nhân vật lịch sử là rất cần thiết, trả lại đúng tên nhân vật lịch sử, không chỉ đúng với hiện nay mà còn có ý nghĩa với các thế hệ sau này.
Với đề xuất của Sở Văn hóa và Thể Thao về việc điều chỉnh lại tên đường, UBND TP đang xem xét và sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan hướng giải quyết thuận lợi nhất cho người dân. Các sở ngành liên quan sẽ chủ động phối hợp hỗ trợ , không để người dân đi lại nhiều lần.
Ông Hà Phước Thắng, Chánh văn phòng UBND TP HCM
Mặt khác, việc này là đòi hỏi chính đáng của một số gia đình, dòng họ mà Sở đã nhận được đề xuất cần phải điều chỉnh lại tên cho một số nhân vật. Chẳng hạn như tên đường Trương Quốc Dung, gia đình đề xuất điều chỉnh lại tên đúng là Trương Quốc Dụng.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tên đường bị sai, một phần do lịch sử từ năm 1955 đã đặt sai, trong đó có nhóm các nhân vật lịch sử được gọi theo phương ngữ và lệ kỵ húy.
Việc đặt tên đường trải qua nhiều thời kỳ mà thời đó, việc đặt tên đường chưa được chặt chẽ, có một giai đoạn, các quận huyện chủ động đặt tên đường. Chẳng hạn tên đường Kha Vạn Cân do huyện Thủ Đức tự đặt. Sau này, công tác đặt tên đường rất chặt chẽ, thực hiện theo đúng Nghị định 91 của Chính phủ và Thông tư 36 về đổi lại tên đường. Mỗi tên đường sau khi được đề xuất đều lấy ý kiến các cơ quan, ban ngành, các nhà khoa học, hội đồng thẩm định để tránh sai sót.
Để tạo thuận lợi cho người dân khi đổi lại giấy tờ, Sở sẽ tham mưu với UBND TP cần sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan ban ngành tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong quá trình chuyển đổi giấy tờ liên quan.
Trong khi đó, đại diện Sở GTVT TP cho biết, đã kiến nghị UBND TP HCM xem xét, chỉ đạo UBND các quận huyện nhanh chóng điều chỉnh, thay thế bằng các bảng tên đường cho đúng với tên nhân vật lịch sử.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận