Báo Giao thông trao đổi với ông Văn Công Điểm, nguyên Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải Sở GTVT TP.HCM để làm rõ hơn vấn đề này.
Sao không duyệt kinh phí từ đầu năm?
Gần đây, rất nhiều đơn vị buýt trợ giá tại TP.HCM liên tục kêu cứu trước nguy cơ phải đóng cửa do vắng khách và chính sách trợ giá chưa hợp lý. Quan điểm của ông thế nào?
Các thành viên HTX, doanh nghiệp vận tải xe buýt thật sự có những khoảng thời gian lâm vào cảnh khó khăn. Nguyên nhân chính là do cấp phát tiền trợ giá chậm và tính toán mức trợ giá không sát thực tế. Bên cạnh đó, họ không nhận được các chính sách hỗ trợ kịp thời.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, phải nhanh nhất là cuối quý II, chậm nhất là đến tháng 9 hàng năm TP.HCM mới triển khai xong công tác đặt hàng. Việc này gây khó cho doanh nghiệp vận tải buýt. Vậy lý do vì sao, thưa ông?
Theo quy định hiện hành, cuối tháng 1 hàng năm sẽ hoàn thành xong công tác đặt hàng khai thác trên các tuyến xe buýt có trợ giá phổ thông. Sở GTVT có trách nhiệm phê duyệt kinh phí đặt hàng trên từng tuyến xe buýt dựa trên nguồn kinh phí chi ngân sách trợ giá hàng năm được UBND TP.HCM giao vào những ngày cuối tháng 12 của năm trước.
Trong quá trình hoạt động, muốn điều chỉnh nguồn kinh phí chi ngân sách cho trợ giá, Sở GTVT sẽ trình Sở Tài chính thẩm định và trình UBND TP trước khi HĐND biểu quyết thông qua.
Đây là những nghiệp vụ cơ bản nhất, nhưng tôi không hiểu vì sao Sở GTVT không phê duyệt kinh phí đặt hàng từ đầu năm mà lại đẩy lên UBND TP, Sở Tài chính xin bổ sung nguồn kinh phí ngân sách cho trợ giá?!
Mới đây, Sở GTVT TP HCM lại tiếp tục xin bổ sung thêm 161 tỷ đồng trên dự toán chi ngân sách cho trợ giá năm 2020 đã được giao là 1.150 tỷ đồng, ông bình luận gì về việc này?
Như tôi đã giải thích ở trên, đáng lẽ Sở GTVT phê duyệt kinh phí đặt hàng trên nguồn kinh phí chi ngân sách trợ giá 1.150 tỷ đồng đã được giao, nhanh chóng cấp phát kịp thời cho các đơn vị vận tải. Tuy nhiên, Sở GTVT TP.HCM không làm như vậy, cùng với việc doanh thu bán vé cho hành khách giảm do dịch Covid-19 nên đã dồn các đơn vị vận tải lâm vào cảnh khó khăn, nguồn thu không đủ để duy trì hoạt động.
Mặt khác, không hiểu vì sao Sở GTVT đưa kinh phí hỗ trợ xe buýt do dịch Covid-19 (22,5 tỷ đồng) vào nguồn chi ngân sách cho trợ giá, lẽ ra số tiền này phải nằm trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Với cách làm này, không biết đến khi nào các đơn vị vận tải mới nhận được đủ tiền trợ giá xe buýt của năm 2020.
Đặt hàng dễ “xin - cho”, nên đấu thầu minh bạch
Mức đề xuất trợ giá xe buýt năm 2020 như trên của TP HCM hiện nay là cao hay thấp, đã hợp lý chưa, thưa ông?
Rất khó nói là cao hay thấp. Để muốn biết trợ giá có hợp lý hay không, Sở GTVT cần công khai minh bạch tổng thu nhập 1 chuyến xe (bao gồm trợ giá + doanh thu vé) trên từng tuyến của các năm gần đây để so sánh và có cái nhìn thấu đáo hơn.
Vận tải hành khách bằng xe buýt cũng như xe khách tuyến cố định đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng Sở GTVT lại yêu cầu xe khách tuyến cố định giảm giá vé do giá dầu giảm. Trong khi không giảm giá vé, Sở GTVT còn đi xin thêm 161 tỷ đồng trợ giá xe buýt, chưa tính trừ bớt trợ giá của tháng 4 vì xe buýt ngưng hoạt động. Đây là một nghịch lý, khiến dư luận nghi ngờ có vấn đề trong việc đề xuất xin khoản kinh phí này.
Bất cập nhất hiện nay là chính sách hỗ trợ lãi vay cho các xe buýt đầu tư mới. Đến nay, các đơn vị vận tải chưa nhận được đồng nào cho số xe buýt mới trên tuyến 149 (nay chuyển sang tuyến 22) được đầu tư từ năm 2014.
Ông Văn Công Điểm
Vậy, tại sao việc nhập nhằng về chính sách trợ giá này kéo dài, các doanh nghiệp đã có kiến nghị, đề xuất gì về vấn đề này, thưa ông?
Phải hiểu đây là cơ chế “đặt hàng”, thiên về hướng “xin - cho”. Thời gian qua, Sở GTVT TP.HCM không kiên quyết chuyển sang cơ chế đấu thầu nhằm công khai minh bạch. Theo tôi được biết, khoảng hơn chục năm trước, TP.HCM có tiến hành đấu thầu được vài tuyến buýt, nhưng không hiểu sao, sau đó vài năm dừng hẳn.
“Xin - cho” như thế nào, phải mổ xẻ sâu về chuyên môn, cần có cuộc đối thoại thẳng thắn với những người liên quan trực tiếp, nhất là cần có người chủ trì công tâm, khách quan như Chủ tịch UBND TP hoặc Phó chủ tịch UBND TP phụ trách đô thị. Bởi, đã có rất nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, cũng chỉ ra lỗ hổng của cơ chế “đặt hàng”, nhưng không được giải quyết dứt điểm.
Ngoài ra, theo tôi cần đối thoại với các doanh nghiệp để tìm giải pháp thay đổi phương thức trợ giá, cách tính trợ giá và giao nguồn kinh phí chi ngân sách cho trợ giá xe buýt.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận