Hàng hải

TP.HCM: Cảng biển phát triển, cơ hội lớn cho logistics

11/11/2024, 21:37

Các chuyên gia quốc tế kỳ vọng trong tương lai, TP.HCM với lợi thế tiềm năng sẽ phát triển cảng trung chuyển hàng hóa từ các khu vực với hàng siêu trường siêu trọng lên đến hàng nghìn tấn.

Ngày 11/11, tại TP.HCM, Hiệp hội Vận chuyển hàng dự án Quốc tế (WWPC) tổ chức Hội nghị thường niên Vận tải logistics toàn cầu lần thứ 22. Hội nghị thu hút hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp từ 60 nước trong lĩnh vực giao nhận, vận tải hàng hải, hàng siêu trường, siêu trọng.

TP.HCM: Cảng biển phát triển, cơ hội lớn cho logistics- Ảnh 1.

Ông Huỳnh Vi Phúc, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Á Mỹ phát biểu.

Hội nghị lần này tập trung vào cơ hội đầu tư, phát triển logistics tại Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đang có điều kiện chính trị và kinh tế thuận lợi, chi phí sản xuất cạnh tranh và lực lượng lao động trẻ nên nhận được sự quan tâm từ nhiều quốc gia, trong nhiều lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ và xe điện... Đây chính là cơ hội để phát triển logistics.

Tại hội nghị, ông Huỳnh Vi Phúc, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Á Mỹ (thành viên Hiệp hội WWPC) cho biết, TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung nằm ở khu vực lợi thế làm trung chuyển hàng hóa từ các khu vực, phù hợp với vận tải hàng siêu trường siêu trọng lên đến hàng nghìn tấn.

Tuy nhiên, về cơ sở hạ tầng đường sá, cảng biển còn gặp chưa phát triển đúng với tiềm năng.

"Thời gian tới, cảng biển Việt Nam, hoàn toàn đủ sức cạnh tranh nguồn hàng "siêu trường, siêu trọng" với những quốc gia khác như Singapore, Indonesia...", ông Phúc nói.

TP.HCM: Cảng biển phát triển, cơ hội lớn cho logistics- Ảnh 2.

Ông Wolfgang Karau - Chủ tịch Hiệp hội vận chuyển hàng dự án Quốc tế (WWPC) cho rằng, TP.HCM có nhiều lợi thế phát triển vận tải biển, nhất là vận tải siêu trường, siêu trọng.

Ông Wolfgang Karau, Chủ tịch Hiệp hội WWPC cho biết, hàng năm, Hiệp hội WWPC sẽ tổ chức hội nghị ở mỗi quốc gia khác nhau. 

Lần đầu tổ chức tại Việt Nam, các doanh nghiệp vận tải hàng dự án trên toàn thế giới sẽ nhận biết được sự phát triển và có cơ hội đầu tư trong lĩnh vực hàng siêu trường, siêu trọng tại Việt Nam.

Những năm gần đây, Việt Nam đang phát triển và có kế hoạch xây dựng nhiều cảng biển mang tầm quốc tế, cùng với đó là hạ tầng giao thông được đầu tư, đáp ứng nhu cầu vận chuyển những kiện hàng lớn phục vụ cho ngành công nghiệp.

Thảo luận tại hội nghị, các doanh nghiệp kỳ vọng thời gian tới, TP.HCM sẽ đầu tư hạ tầng, đẩy nhanh xây dựng nhiều siêu cảng trung chuyển như Cần Giờ (huyện Cần Giờ) để thu hút nguồn hàng từ nhiều quốc gia.

Bà Trần Thị Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam, Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho biết, Chính phủ Việt Nam liên tục cải cách và đơn giản hóa thủ tục với hàng hóa xuất nhập khẩu tạo điều kiện thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, hàng loạt dự án về hạ tầng cảng biển, trong đó có các cảng biển lớn được các hãng tàu lớn như Air Canada Cargo, BBC Chartering Wallenius Wilhelmsen... quan tâm. Đây là cơ hội lớn đối với phát triển mạnh ngành logistics tại nước ta.

TP.HCM: Cảng biển phát triển, cơ hội lớn cho logistics- Ảnh 3.

Cảng Quốc tế Long An là dự án trọng điểm của ngành cảng biển. Cảng dần khẳng định vai trò quan trọng trong chuỗi logistics khu vực hướng đến mục tiêu đóng góp kinh tế - xã hội của Việt Nam.

"Việt Nam có nhiều cảng biển lớn giàu tiềm năng phát triển mạng lưới logistics. TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu đã tập trung đầu tư, phát triển hạ tầng cảng biển rất mạnh mẽ", bà Hải Yến khẳng định.

Trên cơ sở đó, nước ta sẽ thu hút được nguồn hàng, nguồn đầu tư từ những doanh nghiệp lớn trên thế giới. Ngành logistics đang có cơ hội lớn để phát triển xứng với tiềm năng.

Hội nghị thường niên vận tải logistics toàn cầu lần thứ 22 lần đầu tiên tổ chức tại TP.HCM, dự kiến diễn ra từ ngày 11 - 13/11. Hội nghị là diễn đàn của các chuyên gia, doanh nghiệp logistics lớn đến từ khắp các quốc gia trên thế giới.

Hội nghị lần này thảo luận để đưa ra các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistic Việt Nam, xu hướng phát logistics và thế giới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.