Hạ tầng

TP.HCM: Đầu tư đường Vành đai, càng chậm vốn càng tăng “khủng”

03/06/2021, 06:41

Nhiều dự án giao thông trọng điểm tại TP.HCM tăng tổng mức đầu tư so với những năm trước, một trong các nguyên nhân chính là chi phí GPMB tăng.

img

Tuyến Vành đai 3 TP.HCM hiện nay mới chỉ làm được 1 đoạn hơn 16km Tân Vạn - Mỹ Phước qua tỉnh Bình Dương

Tăng vốn hàng nghìn tỷ đồng

Sở GTVT TP.HCM vừa hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài trình UBND thành phố. Đáng chú ý, trong báo cáo này, tổng mức đầu tư của dự án đã tăng hàng nghìn tỷ đồng, dù chưa rõ khi nào sẽ triển khai.

Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài được cập nhật mới là 15.900 tỷ đồng. Mức này tăng 2.286 tỷ đồng so với dự tính mới đây (13.614 tỷ đồng) và gần 5.200 tỷ đồng so với lần công bố hồi năm 2019 (10.700 tỷ đồng).

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dài hơn 53km, điểm đầu giao với Vành đai 3 ở huyện Củ Chi (TP.HCM), điểm cuối tại Khu kinh tế Mộc Bài (Tây Ninh). Tuyến đường đã được quy hoạch từ nhiều năm trước. Tháng 10/2020, lãnh đạo TP.HCM và Tây Ninh kiến nghị đẩy nhanh tiến độ, Chính phủ đồng ý cho thành phố quyết định chủ trương đầu tư và triển khai, phê duyệt dự án.

Tuyến cao tốc được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Giai đoạn 1, cao tốc có 4 làn xe, dự kiến xong trong năm 2025, thu phí hoàn vốn trong 23 năm 8 tháng (không bao gồm phần vốn Nhà nước hỗ trợ dự án).

Không chỉ cao tốc TP.HCM - Mộc Bài bị tăng vốn, tổng mức đầu tư tuyến Vành đai 3 TP.HCM (gồm 4 đoạn với tổng chiều dài 98,54km, đi qua địa bàn các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP.HCM, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011) cũng tăng lên rất nhiều so với những năm trước.

Kế hoạch trước đây là sẽ khép kín Vành đai 3 vào năm 2020, nhưng đến nay mới chỉ làm được một đoạn 16,3km qua tỉnh Bình Dương. Hiện, còn 4 đoạn chưa làm, trong đó có 3 đoạn qua địa phận TP.HCM. Theo số liệu mới cập nhật của Sở GTVT TP.HCM, tổng vốn đầu tư, gồm cả GPMB cho 4 đoạn này là 107.228 tỷ đồng.

Tổng mức đầu tư tăng theo chi phí GPMB

Một trong những nguyên nhân khiến tổng vốn đầu tư các tuyến đường cao tốc, Vành đai ở TP.HCM tăng nhiều lần so với cách đây vài năm là do chi phí đền bù GPMB tăng cao.

Một lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết, hàng năm số liệu về GPMB phải được cập nhật mới để phù hợp với bảng giá đất tăng theo hệ số tại các địa phương. Các tuyến cao tốc, vành đai đã được phê duyệt từ 10 năm trước nhưng đến nay chưa thực hiện, vì vậy tổng vốn đầu tư tăng lên theo chi phí GPMB.

Chẳng hạn, tuyến cao tốc TP.HCM - Một Bài, tổng mức đầu tư tăng chủ yếu do cập nhật phần GPMB. So với cách đây 2 năm, tổng vốn đầu tư tuyến này đã tăng lên 5.200 tỷ đồng, phần lớn là do chi phí GPMB tăng lên. Trong đó, phần đền bù giải tỏa ở TP.HCM chiếm 5.901 tỷ đồng, địa bàn Tây Ninh là 1.532 tỷ đồng.

Trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đầu năm 2019 về Quyết định chủ trương đầu tư Vành đai 3 TP.HCM đoạn Bình Chuẩn - QL22 - Bến Lức, Bộ GTVT xác định tổng mức đầu tư đoạn này khoảng 19.871 tỷ đồng, GPMB khoảng 5.634 tỷ đồng. Thế nhưng, theo cập nhật mới của Sở GTVT TP.HCM trong báo cáo gửi UBND TP.HCM ngày 26/5, tổng mức đầu tư cho tuyến Vành đai 3 đã trên 67.340 tỷ đồng, riêng phần GPMB đoạn qua TP.HCM đã là 26.463 tỷ đồng.

Trong nhiều cuộc họp trước đó, TP.HCM kiến nghị cho phép địa phương này tự bỏ vốn ngân sách ra để GPMB, đến khi nào thu xếp được nguồn vốn sẽ đầu tư. Bởi, nếu chờ đến khi có vốn đầu tư, giá đền bù GPMB sẽ tăng lên rất nhiều.Thực tế, đến nay chi phí GPMB đã tăng lên rất nhiều lần so với số liệu cách đây 2 năm.

Trong báo cáo gửi Bộ GTVT mới đây, UBND TP.HCM nêu rõ, qua rà soát tổng thể về nhu cầu vốn, nguồn vốn, việc cân đối ngân sách thành phố để GPMB cho các tuyến Vành đai 3, 4 là không khả thi. TP.HCM và các địa phương không kham nổi kinh phí GPMB, vì vậy TP đề nghị Trung ương hỗ trợ.

Trong dự thảo trình UBND thành phố, Sở GTVT TP.HCM đề xuất 2 phương án đầu tư Vành đai 3. Cụ thể, đối với nguồn vốn cho công tác GPMB, Sở đề xuất cho phép thành phố vay ưu đãi các nhà tài trợ nước ngoài theo cơ chế vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ để thực hiện. Các khoản vay không tính vào hạn mức vay và bội chi ngân sách của thành phố.

Đối với chi phí đầu tư xây dựng, TP.HCM kiến nghị Trung ương hỗ trợ 100% (15.168 tỷ đồng) hoặc hỗ trợ cấp phát 50% (7.600 tỷ đồng), kinh phí còn lại thực hiện theo hình thức BOT.

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, các tuyến đường vành đai có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông liên vùng TP.HCM, không chỉ riêng một địa phương nào. Việc chậm trễ đầu tư tuyến Vành đai 3, 4 khiến giao thông khu vực trọng điểm phía Nam những năm qua ì ạch, gây nhiều hệ lụy.

Về nguồn vốn đầu tư cho các dự án, nhiều ý kiến các chuyên gia cho rằng, ngoài vốn ngân sách, vốn Trung ương hỗ trợ hoặc vốn xã hội hóa, cần tính đến việc khai thác quỹ đất dọc các tuyến đường đầu tư để bù vào kinh phí đã bỏ ra xây dựng.

Liên quan vấn đề tạo nguồn vốn từ khai thác quỹ đất, ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở TN&MT khẩn trương làm việc với sở, ngành liên quan để tham mưu, báo cáo UBND TP.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.