Hạ tầng

TP.HCM đề xuất cải tạo kênh Tham Lương, dân hai bên bờ sẽ hưởng lợi lớn

14/10/2020, 12:47

TP.HCM đang đề xuất cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Đây là điều người dân TP mong mỏi hàng chục năm nay.

img
Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên dài 32,714km dự kiến đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng cải tạo kênh

UBND TP.HCM vừa có văn bản đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các danh mục dự án quan trọng, liên kết vùng cần hỗ trợ, bố trí vốn từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, UBND TP kiến nghị Bộ KH&ĐT xem xét, cân đối vốn ngân sách Trung ương 2021-2025 cho hai dự án: xây dựng hạ tầng - cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên và xây dựng nút giao thông An Phú.

Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có địa điểm xây dựng tại các quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh, dọc tuyến kênh.

Công trình có chiều dài 32,714 km, bảo đảm giao thông thủy theo tiêu chuẩn đường thủy nội địa cấp V, bảo đảm giao thông đường bộ theo quy chuẩn Việt Nam.

Trong đó, hạng mục kè bờ và nạo vét gồm: Xây dựng kè dọc hai bên bờ kênh bằng bê tông cốt thép dự ứng lực; nạo vét toàn tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên với chiều rộng đáy kênh từ 30m đến 90m, cao trình đáy kênh từ -4m đến -5m; làm mới, sửa chữa các cống ngang đấu nối ra kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên, bến thuyền dọc theo tuyến kênh.

Xây dựng đường giao thông dọc hai bên bờ kênh bằng bê tông nhựa nóng, chiều rộng mặt đường là 15m, vỉa hè 2 bên từ 2,5m đến 4m, xây dựng hệ thống thoát nước mưa, hào kỹ thuật, chiếu sáng và cầu giao thông hai bên bờ kênh. Tổng mức đầu tư dự kiến là 8.200 tỉ đồng.

Kênh Tham Lương là một trong những kênh lớn ở TP.HCM, hàng chục năm nay bị lấn chiếm, ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đới sống người dân hai bên bờ và là cản ngại cho sự phát triển đô thị hoá của khu vực. Nhiều đoạn kênh bị tắc nghẽn do rác hoặc lục bình mọc kín, không còn dòng chảy.

Nếu đề xuất cải tạo con kênh được thông qua và hạ tầng dọc kênh được cải tạo như dự án thì giá trị hạ tầng, đất đai khu vực này sẽ tăng lên, các dịch vụ phục vụ cho đời sống đô thị sẽ phát triển, môi trường được phục hồi... Đó là những điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững của khu vực dọc tuyến kênh.

img
Từ năm 2017, TP.HCM đã kiến nghị sớm xây dựng nút giao thông An Phú, Q.2

Dự án thứ hai là xây dựng nút giao thông An Phú, quận 2 có điểm đầu cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, điểm cuối đường Mai Chí Thọ (hướng về đường hầm sông Sài Gòn). Tổng mức đầu tư dự kiến là 5.104 tỉ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.