Cả thành phố như một "đại công trường"
Nói TP.HCM hiện nay như một đại công trường cũng không hề quá bởi trên khắp thành phố, rất nhiều dự án giao thông đang được đồng loạt triển khai.
Ở hướng phía đông, dự án nút giao An Phú khởi công từ đầu năm 2023 đến nay tiến độ đã được hơn 30% với 4 gói thầu xây dựng.
Dự án nút giao An Phú đang được tăng tốc với 4 gói thầu đã triển khai. Đây là nút giao quan trọng, nơi đón lượng xe container hàng ngày ra vào cảng Cát Lái và từ cao tốc Long Thành đổ về. Ảnh: Chí Hùng.
Trực tiếp chỉ huy thi công hầm chui số 2 của gói thầu XL6, ông Hà Đông Bắc, Chỉ huy trưởng nhà thầu Hải Đăng cho biết, mỗi ngày công trình có khoảng 50 công nhân làm việc xuyên suốt. Hơn 50m đường dẫn vào hầm đã thành hình, 2 bên đường dẫn đang được xây vách tường. Hầm chui này sẽ kết nối đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (hướng đi hầm vượt sông Sài Gòn). Hầm chui được kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống với chiều dài gần 1km.
Cầu Bà Dạt trên đường nối cao tốc đã hoàn thành phần móng, trụ, mố, dự kiến đầu tháng 10 sẽ lao những phiến dầm đầu tiên.
Trong khi đó, hạng mục cầu Bà Dạt, hướng từ cao tốc Long Thành đổ về đường Mai Chí Thọ hiện đã thi công xong phần cọc, mố. Đầu tháng 10 sẽ lao những phiến dầm đầu tiên.
Ở hướng đường Mai Chí Thọ, hạng mục hầm cũng đã thi công cọc khoan nhồi ở giữa. Sở GTVT đã cấp phép nới hàng rào ra thêm nửa làn xe để nhà thầu thi công các cọc hai bên.
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban QLDA đầu tư các công trình giao thông TP.HCM - chủ đầu tư dự án, tháng 10 tới sẽ tổ chức đấu thầu thêm 4 gói thầu của bước 2 để bám kế hoạch hoàn thành toàn bộ dự án vào ngày 30/4/2025.
Nút giao An Phú có tổng mức đầu tư 3.400 tỷ đồng. Đây là nơi kết nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với các tuyến đường Mai Chí Thọ, Lương Định Của, Nguyễn Thị Định. Với hàng nghìn lượt xe ra vào cảng Cát Lái mỗi ngày, cộng với xe từ cao tốc đổ xuống, nút giao này luôn là điểm ùn tắc dịp lễ, Tết, có khi ùn tắc kéo dài hơn 4km, mất gần cả tiếng đồng hồ mới đi qua được.
Khi hoàn thành, nút giao có 3 tầng, gồm hầm, cầu vượt. Trong đó, phần đường từ 10-12 làn xe, 3 hầm chui 4 làn xe chạy hai chiều, các cầu vượt mỗi nhánh có 2 làn xe.
Hướng phía tây, dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 50 nối Long An cũng đạt trên 40% với các gói thầu đã triển khai. Ở phần đường mới đã gần hoàn thành phần móng, tháng 10 có một số đoạn bắt đầu thi công lớp trên.
Tuyến Vành đai 3 sau mấy tháng khởi công bốn gói thầu đầu tiên, nhà thầu đã xong công tác chuẩn bị, làm nhà điều hành, lán trại, thí nghiệm, tìm vật liệu… Từ tháng 10 tới cũng sẽ tổ chức thi công đại trà trên công trường, tập trung cho việc đào đắp hữu cơ, khoan cọc nhồi ở các vị trí cầu.
Ở nội đô, dự án đường nối Trần Quốc Hoàn, cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất cũng đã thi công rầm rộ. Ở đường Phan Thúc Duyện qua công viên Hoàng Văn Thụ, nhà thầu đang rào chắn để thi công cọc khoan nhồi phần hầm chui qua đường Trần Quốc Hoàn. Gói thầu này cũng đã đạt trên 30% khối lượng. Đây là dự án quan trọng, có tính kết nối cho nhà ga T3 Tân Sơn Nhất sau khi hoàn thành đưa vào khai thác.
Vẫn canh cánh nỗi lo mặt bằng và cát
Hạng mục thi công hầm trên đường Mai Chí Thọ thuộc gói thầu XL06 hướng từ cao tốc rẽ trái về hầm Thủ Thiêm đang được thi công móng cọc.
Tại dự án nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ đã tạm dừng hơn một năm qua vì vướng đường ống nước, điện. Theo kế hoạch, đến hết tháng 10 mới di dời xong được hệ thống kỹ thuật này. Sau khi di dời, nhà thầu sẽ huy động máy móc để thi công tiếp 3 đốt hầm còn lại ở giữa. Tiến độ đến 30/4/2024 sẽ xong nhánh hầm HC2, đến cuối năm sẽ hoàn thành các nhánh còn lại.
Theo ông Lương Minh Phúc, thách thức lớn nhất của các dự án hiện nay vẫn là mặt bằng và nguồn vật liệu cát. Cụ thể, dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 50 phía Bình Chánh vẫn chậm bàn giao mặt bằng so với dự kiến. Ban đã làm việc với huyện, lãnh đạo huyện cam kết trong tháng 10 sẽ giao tiếp mặt bằng đoạn còn lại để triển khai đồng bộ.
Cả TP.HCM như một đại công trường lớn, nhiều dự án giao thông ở các điểm quan trọng đang được đẩy nhanh thi công.
Tương tự, tại dự án đường Vành đai 3, mặc dù tổng khối lượng mặt bằng được giao trên địa bàn 4 huyện là 94%, nhưng ở từng quận, huyện có những vướng mắc nhất định. Tại Hóc Môn, dù báo cáo tỷ lệ giao mặt bằng đã 100%, nhưng một số hộ dân vẫn còn kiến nghị về giá đền bù.
Hay như tại TP Thủ Đức, tổng GPMB đến nay mới chỉ đạo 84%. Trong đó, nhiều hộ dân ở phường Trường Thạnh kiến nghị xem xét lại chính sách đền bù với đất nông nghiệp.
Theo ông Lương Minh Phúc, toàn bộ mặt bằng phải được bàn giao trước 31/12, nếu không sẽ ảnh hưởng tiến độ chung của toàn dự án.
Một thách thức lớn khác là nguồn vật liệu, đặc biệt là cát. Với tuyến Vành đai 3, năm 2023 khối lượng cần chưa nhiều, nhưng qua năm 2024 sẽ cần khoảng 2 triệu khối cát.
"Vừa rồi TP.HCM đã làm việc với các địa phương, xác định có 10 mỏ sẽ cấp phép khai thác cho Vành đai 3. Phía tỉnh Bến Tre cũng xác định 4 mỏ ưu tiên sử dụng cho dự án. Ngoài ra, thành phố sẽ phối hợp với Bộ TN&MT làm việc với từng địa phương để xác định, cụ thể hóa từng mỏ về trữ lượng, thời gian khai thác. Những công việc này sẽ triển khai ngay trong tháng 10, 11 tới", ông Phúc nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận