Những cơ chế đột phá từ Nghị quyết mới kỳ vọng đưa TP.HCM thành đô thị có vị thế và năng lực cạnh tranh tốt hơn, để đây là nơi sẽ tạo ra “chiếc bánh” lớn và nâng cao năng lực cạnh tranh cho cả nước.
Mười năm trở lại, “chiếc áo cơ chế” của TP.HCM và cả vùng kinh tế ngày càng “chật chội”. Tiềm năng, lợi thế về nguồn lực của siêu đô thị như TP.HCM không được khai thác tối ưu.
Kết quả thực hiện Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù sau hơn 4 năm cũng chưa như kỳ vọng. Hầu hết chính sách đặc thù về quản lý tài chính nhằm tăng nguồn thu cho TP.HCM chưa được tận dụng. Hạ tầng vẫn là một trong những điểm nghẽn lớn ngăn cản tăng trưởng kinh tế của TP.HCM và cả vùng.
Sau nghiên cứu chuẩn bị, Nghị quyết mới về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết 54 năm 2017) chính thức được Quốc hội thông qua. Loạt cơ chế đột phá mới được kỳ vọng là động lực mới để đô thị 13 triệu dân bứt tốc phát triển, khơi thông nguồn lực và thu hút đầu tư.
“Khơi thông nguồn lực” là cụm từ ngắn gọn được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chọn để lý giải mục tiêu cốt lõi của Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (thay thế nghị quyết 54 năm 2017).
Không chỉ vậy, lãnh đạo thành phố nhìn nhận việc xây dựng cơ chế, chính sách ngoài việc giúp có thêm sức bật cho TP.HCM, còn tạo điều kiện phát huy vai trò "cực tăng trưởng", tạo sức lan tỏa phát triển kinh tế của vùng và cả nước.
Điển hình là các cơ chế chính sách đặc thù, áp dụng các chính sách huy động mọi nguồn lực xã hội vào phát triển thành phố như Luật Hợp tác công tư (PPP), trong đó có BOT, BTO, BT, các mô hình phát triển TOD - Transit Oriented Development hay các cơ chế sẽ giúp TP.HCM huy động các nguồn lực thông qua phát hành trái phiếu.
"Nếu làm tốt, TP.HCM sẽ huy động hàng trăm nghìn tỷ đồng trong 5 năm tới cho đầu tư phát triển, tạo ra bài học thành công thực tiễn pháp luật", ông Mãi nói và cho biết TP.HCM có ít nhất một năm thí điểm, để thực tiễn kiểm chứng, trước khi áp dụng rộng ra các địa phương khác.
Nghị quyết mới với 44 cơ chế, chính sách thuộc 7 nhóm chính sách lớn về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP và tổ chức bộ máy của TP Thủ Đức với nhiều điểm mới.
Trong đó, có 3 chính sách kế thừa Nghị quyết 54, 4 chính sách vừa kế thừa vừa “nâng cấp” từ Nghị quyết 54, 4 chính sách tương tự các địa phương khác, 6 chính sách được dự kiến trong dự thảo Luật Đất đai và Luật Nhà ở (sửa đổi), cùng 27 cơ chế, chính sách hoàn toàn mới.
Về cơ chế quản lý đầu tư, Quốc hội cho phép TP.HCM thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD). Đây là mô hình lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở cho quy hoạch, phát triển đô thị nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công trình công cộng, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Về tài chính, ngân sách, nghị quyết cho phép TP được sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng…; TP được quyết định cơ chế, chính sách ưu đãi, ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực như sản xuất chip, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, vật liệu mới.
Mặt khác, TP được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP. Quy định phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND, chủ tịch UBND TP cho HĐND, UBND, chủ tịch UBND TP Thủ Đức…
TS. Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM, nhìn nhận với cơ chế đặc thù mới, TP.HCM có thể phát huy các cơ chế, chính sách được Nghị quyết cho phép thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP), BOT (xây dựng vận hành chuyển giao), BT (xây dựng chuyển giao)...
Đây là điều kiện để tháo gỡ nút thắt, tăng tốc triển khai các dự án giao thông trọng điểm như Vành đai 2, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, mở rộng quốc lộ 13 và 5 dự án đường trên cao, cầu Thủ Thiêm 4, Cần Giờ…
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng cho phép HĐND TP.HCM được quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, chỉ tiêu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tăng không quá 1,5 lần so với quy chuẩn hiện hành; thí điểm các hình thức đầu tư mới như PPP trong cả lĩnh vực thể thao, văn hóa và chính sách để tận dụng quỹ đất theo mô hình giao thông gắn với khu dân cư (TOD); mở rộng phân cấp, phân quyền trên 5 lĩnh vực: Quản lý đầu tư, Quản lý tài chính - ngân sách, Quản lý đô thị - tài nguyên môi trường, Quản lý Khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo và tổ chức bộ máy.
“Từ đó, ngành giao thông sẽ có được tính tự chủ và sự linh hoạt cần thiết để thể hiện hết vai trò của mình trong quy hoạch giao thông đô thị thông minh”, TS. Trần Quang Thắng nói và nhận định đây là động lực mạnh mẽ cho TP.HCM giúp ngành giao thông đột phá trong tương lai.
Đáng chú ý, việc phát huy các cơ chế chính sách về mô hình TOD, tận dụng quỹ đất dọc các tuyến metro, vành đai để phát triển các khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ, gắn tái cơ cấu bố trí dân cư, hình thành các hành lang đô thị - công nghiệp - dịch vụ - logistics và các trung tâm đô thị mới cũng là một mục tiêu quan trọng của thành phố.
Theo TS. Thắng mô hình này có nhiều ưu điểm như giảm ùn tắc giao thông, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống. Thành phố nên phân kỳ phát triển mô hình này, đồng thời ứng dụng các công cụ nắm bắt giá trị tăng thêm của đất trong việc huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho TOD.
Tuy nhiên, mô hình này vẫn có những thách thức và rủi ro khi áp dụng nếu thiếu quy hoạch chi tiết, thiếu quản lý liên ngành, thiếu nguồn vốn đầu tư và thiếu sự tham gia, giám sát của cộng đồng. Do đó, cần có những biện pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế này và tận dụng tối đa lợi ích của mô hình TOD”, vị chuyên gia phân tích.
Năm 2018, Trung ương chủ trương dừng các dự án có hình thức BT, TP.HCM đã cho ngưng các công trình dạng này để rà soát, trong số đó có những công trình giao thông trọng điểm như cầu Bình Tiên, Thủ Thiêm 4, một đoạn Vành đai 2, đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành.
Hai năm sau, hình thức này đã bị loại khỏi Luật PPP do có nhiều vấn đề về công tác quản lý.
TS. Trần Quang Thắng cho biết, với nghị quyết mới vừa được thông qua, thành phố đang rà soát các hợp đồng BT đã ký và áp dụng lại hình thức này theo cơ chế thanh toán bằng ngân sách.
Song, để thu hút các nhà đầu tư quan tâm và cùng thực hiện hợp đồng BT trong thời gian tới, thành phố cần có những chính sách rõ ràng và minh bạch về quy hoạch, giá đất, quản lý liên ngành, sự tham gia của cộng đồng và đặc biệt là giải quyết rốt ráo các vướng mắc về giải phóng mặt bằng.
Trong nghị quyết mới, TP được áp dụng loại hợp đồng BOT trên đường hiện hữu, BT ưu đãi nhà đầu tư chiến lược, áp dụng khoa học đổi mới sáng tạo…
Tổng lực các nhóm cơ chế, chính sách đặc thù được Quốc hội trao cho TP.HCM, địa phương sẽ giải quyết những vướng mắc hiện tại, thu hút nguồn lực lớn đầu tư từ vốn tư nhân, doanh nghiệp FDI. Qua đó, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách và giải quyết hài hòa giữa nhu cầu đầu tư của người dân và doanh nghiệp.
Nếu làm tốt các chính sách này, TP sẽ thu hút đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng.
“Thành phố phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính, pháp lý, quy hoạch, công nghệ… đặc biệt là nhân sự để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ của nghị quyết mới”, ông Thắng nói.
TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhìn nhận, BT là hình thức đầu tư cần thiết. Khi TP phục hồi loại hợp đồng này, đồng nghĩa việc đòi hỏi trách nhiệm về pháp lý và cam kết của những người đứng đầu rất cao.
Trong cách làm, ông Vũ nhận định kênh thanh toán hợp đồng BT bằng tiền lẫn quỹ đất đều tiềm ẩn nhiều rủi ro. Rủi ro đối với thanh toán bằng ngân sách đó là lãi vay. Còn đối với hình thức thanh toán hợp đồng BT bằng quỹ đất thì việc định giá đất, tính tiền sử dụng đất theo thị trường, Luật Đất đai sửa đổi cũng là thách thức lớn.
“Do đó, chúng ta càng phải có cơ chế, càng công khai, minh bạch để bảo vệ những người làm công tác này”, TS. Trương Minh Huy Vũ nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận