Đô thị

TP.HCM: Dự án giao thông “rùa bò” làm khổ dân, ai chịu trách nhiệm?

10/03/2023, 06:12

Theo chuyên gia, để “trị bệnh” những dự án “rùa bò”, cần thực hiện nghiêm bằng kỷ luật, quy rõ trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị liên quan.

Bài 1: Bất lực trước yếu kém của chủ đầu tư, nhà thầu

Bài 2: Dân khổ vì làm mãi không xong

Bài 3: Dự án trăm tỷ, nghìn tỷ sau khởi công im lìm... nằm đợi

Bài 4: Ai chịu trách nhiệm?

Báo Giao thông vừa đăng tải loạt bài “TP.HCM: Những dự án giao thông “rùa bò” làm khổ dân”, phản ánh hàng loạt dự án lớn tại địa phương này triển khai ì ạch, kéo theo hệ lụy ùn tắc, kẹt xe, gây lãng phí, nguy cơ đội vốn.

Sau khi báo đăng, nhiều chuyên gia lên tiếng cho rằng, không thể để tình trạng này kéo dài, thành phố cần có biện pháp mạnh tay hơn.

Quy trách nhiệm mới mong chuyển biến

img

Dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ ngưng thi công vì vướng đường điện, ống cấp nước

Theo TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, để “trị bệnh” những dự án “rùa bò”, thành phố cần thực hiện nghiêm bằng kỷ luật, quy rõ trách nhiệm cho người đứng đầu các đơn vị liên quan.

Đề cập đến các dự án giao thông đang rất chậm tiến độ, ông Cương cho rằng, một phần nguyên nhân do việc xử lý trách nhiệm vẫn còn chung chung.

Dự án nào chậm, chậm ở khâu nào, đơn vị nào làm chậm chưa được phân định rõ để xử lý nghiêm khắc. Chỉ khi điều này được khắc phục, mọi chuyện may ra mới có chuyển biến.

Là người gắn bó với ngành giao thông thành phố từ rất lâu, ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM cho rằng, không thể chấp nhận ở một thành phố lớn nhất cả nước mà tiến độ các dự án giao thông lại ì ạch như thời gian qua.

“Chủ đầu tư và các sở, ngành liên quan phải căn cứ vào hợp đồng, cương quyết xử lý nghiêm, thậm chí chấm dứt hợp đồng đối với các nhà thầu thi công yếu. “Cần có cơ chế thưởng phạt nhà thầu thi công, xử lý nghiêm trách nhiệm những người đứng đầu đơn vị, sở, ngành không hoàn thành nhiệm vụ được giao”, ông Trường nói.

Trước tình trạng các công trình giao thông đang chậm tiến độ, mới đây, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã ký văn bản về các danh mục 33 công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố năm 2023, giao Sở GTVT là cơ quan thường trực, chủ trì theo dõi, đôn đốc sở, ngành đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ được giao; đề xuất TP khen thưởng các tổ chức, cá nhân có liên quan hoàn thành tốt, phê bình, kiểm điểm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, giải quyết công việc chậm trễ.

Chủ đầu tư nói gì?

Sau khi Báo Giao thông đăng loạt bài nói trên, chiều 8/3, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý Đầu tư các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) đã chủ động thông tin đến Báo Giao thông, sau khi Báo đã có văn bản đề nghị cung cấp, trao đổi thông tin từ nhiều ngày trước đó nhưng không nhận được phản hồi.

Các dự án mà Báo phản ánh đều do Ban Giao thông làm chủ đầu tư, với số vốn lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Ông Phúc thừa nhận những phản ánh của Báo Giao thông hoàn toàn đúng và cần thiết, qua đó chủ đầu tư, các đơn vị, ngành chức năng đã có những cố gắng hơn để các công trình sớm hoàn thành, đưa vào phục vụ người dân.

Khi được hỏi việc chậm trễ các dự án thì trách nhiệm thuộc về ai, ông Phúc thừa nhận một phần trong đó thuộc chủ đầu tư là Ban Giao thông.

“Báo phản ánh thì Ban tiếp thu và cố gắng bám sát tiến độ để không chậm trễ với yêu cầu của thành phố và người dân. Ban cũng rất cố gắng chứ không phải vô trách nhiệm, nhưng cũng có những khó khăn thực tế cần tháo gỡ tiếp”, ông Phúc nói và dẫn chứng về những dự án vẫn còn vướng mặt bằng nhiều năm.

Chẳng hạn như loạt các cây cầu: Nam Lý, Tăng Long, Ông Nhiêu, đường Lương Định Của… khó khăn lớn nhất vẫn là GPMB.

Tháng 10 năm ngoái, Chủ tịch TP Thủ Đức Hoàng Tùng hứa cuối năm sẽ bàn giao, Ban Giao thông đã đeo bám để duyệt các hệ số, bố trí nguồn vốn, nhưng đến hiện nay vẫn chưa có. Ban đã nhiều lần báo cáo UBND thành phố về vấn đề này.

“Ban cũng bức xúc, sốt ruột lắm, nhưng cũng chỉ dừng ở việc phối hợp trình hệ số giá, duyệt phương án, còn bước chi trả đền bù là của địa phương”, ông Phúc nói và cho biết, tại đường Lương Định Của, nhà thầu cũng mòn mỏi chờ đợi. Năm ngoái, khi nhận bàn giao mặt bằng đoạn giao với đường Trần Não, nhà thầu tập trung thi công hoàn thiện ngay.

Dẫn chứng về những dự án đã có mặt bằng như cầu Long Kiểng, QL50, nút giao An Phú… khởi công rất hoành tráng nhưng nhà thầu thi công rề rà, trách nhiệm thuộc về ai, ông Phúc cũng thừa nhận một phần trách nhiệm của Ban trong việc đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu: “Sau Tết nên việc thi công của các nhà thầu còn chưa quyết liệt. Những ngày qua tại cầu Long Kiểng, nhà thầu đã bắt đầu lao dầm, cam kết hoàn thành công trình trước 2 tháng, tức khoảng tháng 11 sẽ xong để người dân đi lại thuận tiện”.

Theo ông Phúc, với dự án đường Trần Quốc Hoàn, hiện chỉ mới khởi công một gói thầu đào hầm ở công viên Hoàng Văn Thụ, các gói thầu khác chưa được bàn giao mặt bằng.

Trong tuần tới, Ban sẽ làm việc các bên để nhà thầu nhận mặt bằng ở khu vực công viên, đốn hạ cây xanh, làm đường công vụ…, bắt tay thi công.

Đối với QL50, đã khởi công đồng loạt 3 gói thầu, hiện nhà thầu đang triển khai các bước san lấp mặt bằng, sắp tới sẽ khoan đại trà.

“Chúng tôi cũng đồng tình với Báo là cần phải đẩy nhanh hơn tiến độ ngay từ đầu để đảm bảo kế hoạch”, ông Phúc nói và thông tin, nút giao An Phú cũng triển khai 4 gói thầu, trong đó gói thầu xây dựng cầu Bà Dạt không vướng mặt bằng, nhà thầu đã triển khai thi công.

Ba gói khác đang khoan thử và di dời cây xanh, một hai tuần tới sẽ đẩy nhanh thi công đại trà.

Nhà thầu làm chậm vẫn liên tiếp trúng thầu

Trước đó, theo ghi nhận của Báo Giao thông, đến nay dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống, Nguyễn Văn Linh và nhiều cầu ở TP Thủ Đức vẫn chưa có động thái gì cho thấy các nhà thầu huy động thiết bị để thi công trở lại.

Tại dự án đường Đồng Văn Cống, UBND TP.HCM đã có văn bản yêu cầu phải khởi động trở lại trước ngày 15/2 để hoàn thành vào tháng 8/2023, thế nhưng đến nay vẫn “im re”.

Đến đầu tháng 3, khi Sở GTVT kiến nghị UBND TP giao thanh tra toàn diện dự án; xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan, lúc này Ban Giao thông mới có động thái họp lại với nhà thầu.

Ngày 6/3, Ban Giao thông đề xuất UBND thành phố cho chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Lạc An, đồng thời chỉ định một nhà thầu khác thi công để hoàn thành trong năm 2023.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Lạc An cũng thừa nhận có nhiều khó khăn về nhân sự, máy móc, cung ứng vật tư… nên không thể tiếp tục thi công dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống và chấp nhận phương án xử lý của Ban Giao thông.

Việc chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng với Công ty Lạc An gần như không phải chuyện mới. Năm 2017, công ty này trúng gói thầu XL-03 xây dựng hệ thống thoát nước chung cấp 2, cấp 3, lưu vực 6, thuộc dự án Vệ sinh môi trường 2 - giai đoạn 2 với thời gian thực hiện 24 tháng, tức hoàn thành cuối năm 2019. Thế nhưng, nhà thầu này liên tục trễ hẹn nhiều lần, chủ đầu tư buộc phải chấm dứt hợp đồng khi gói thầu đang dở dang.

Tại dự án xây cầu Long Kiểng (Nhà Bè), Công ty TNHH Thương mại dịch vụ thi công xây dựng cầu đường Hồng An (Công ty Hồng An) chịu trách nhiệm thi công xây lắp đường đầu cầu đang thi công rất ì ạch.

Thế nhưng, đầu năm 2023, Công ty Hồng An vẫn tiếp tục trúng thầu gói thầu rất lớn khác cũng do Ban Giao thông làm chủ đầu tư. Đó là gói thầu Xây lắp số 4 - Xây dựng đường song hành QL50 từ Km 2+800 đến Km 4+200 với giá trúng thầu trên 240 tỷ đồng.

Bệnh cạnh việc ì ạch trong đầu tư, công tác thi công các dự án giao thông ở TP.HCM ngày càng lan rộng.

Trong khi hàng loạt dự án xây dựng từ 5 năm trước đang “đứng hình”, không biết ngày nào xong, thì các dự án mới khởi công như QL50, đường nối Trần Quốc Hoàn, cầu Long Kiểng… dù khởi công rất hoành tráng nhưng thi công kiểu rề rà.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.