Xã hội

TP.HCM được đầu tư BOT với dự án nâng cấp, mở rộng đường hiện hữu

24/06/2023, 15:39

Chiều nay (24/6), với 97,37% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (gọi tắt là Nghị quyết mới) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2023.

img

Quốc hội chốt hàng loạt cơ chế đặc thù cho TP.HCM

Trước đó, trình bày tiếp thu, giải trình dự thảo Nghị quyết mới, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng việc thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách này để "tạo cơ sở pháp lý, động lực để TP.HCM phát triển nhanh, bền vững".

Nghị quyết mới gồm các chính sách mới lần đầu được quy định về đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy. Ngoài ra, Nghị quyết mới cũng đưa ra một số chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54 và các nghị quyết cơ chế đặc thù đã được áp dụng tại các địa phương khác.

Về đầu tư, TP.HCM được thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), trong đó sử dụng ngân sách địa phương triển khai dự án đầu tư công độc lập để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, quy hoạch vùng đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt, nút giao thông dọc tuyến đường vành đai 3.

UBND TP.HCM được quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, xã hội với các dự án này.

Quá trình cho ý kiến, một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng các chính sách đặc thù cho TP.HCM chưa đột phá, khác biệt để giúp thành phố phát triển vượt trội. Giải trình vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho hay, hiện thành phố đang nghiên cứu một số chính sách đột phá như trung tâm tài chính quốc tế, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát với công nghệ trong tài chính.

Về lâu dài, UBTVQH đề nghị Chính phủ nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định những cơ chế, chính sách thực sự đột phá để TP.HCM phát triển theo tinh thần Nghị quyết 31 và kết luận 14 của Bộ Chính trị.

Quốc hội cho phép TP.HCM đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với dự án lĩnh vực thể thao, văn hóa; y tế, giáo dục đào tạo. TP.HCM được áp dụng loại hợp đồng BOT với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu.

Trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỉ trọng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không bảo đảm khả năng hoàn vốn, HĐND thành phố xem xét, quyết định việc tăng tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án.

TP.HCM cũng được áp dụng hợp đồng BT, với tổng mức đầu tư dự án theo loại hợp đồng này được xác định như dự án đầu tư công. Chính phủ quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT. Các chi phí này được tính vào tổng mức đầu tư dự án.

Về tài chính, ngân sách nhà nước, HĐND thành phố quyết định và điều chỉnh mức, tỉ lệ thu phí, lệ phí chưa có trong danh mục của Luật Phí, lệ phí (trừ phí, lệ phí toà án, các loại phí thuộc nguồn thu ngân sách trung ương). Ngân sách thành phố được hưởng 100% số tăng thu từ các khoản thu do điều chỉnh phí, lệ phí.

TP.HCM được thực hiện cơ chế tạo nguồn để cải cách tiền lương, chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền.

TP.HCM cũng được vay qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, và nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho vay lại, với tổng dư nợ tối đa 120% số thu ngân sách TP.HCM được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo Luật Ngân sách nhà nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.