Chưa có tiền lệ khi dừng 2 dự án BOT chuyển sang vốn ngân sách
Tại cuộc họp, đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM cho biết, trong kế hoạch vốn giai đoạn 2016-2020 hiện nay vẫn còn tình trạng dự án đăng ký nhu cầu vốn đầu năm kế hoạch cao. Quá trình thực triển khai còn gặp khó khăn dẫn đến không có khả năng giải ngân vốn kế hoạch đã được bố trí.
Việc bố trí vốn chưa sát với nhu cầu tiến độ thực hiện dự án. Các quận huyện không lường trước được hết các khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, đơn giá đất, pháp lý đất đai... dẫn đến việc đăng ký vốn không sát với tiến độ dự báo.
Các quy định về luật đầu tư công giữa luật mới năm 2019 và luật cũ 2014 khiến nhiều cơ quan gặp lúng túng.
Dẫn chứng về khó khăn trong luật đầu tư công, ông Nguyễn Trung Anh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP cho biết, dự án mở rộng đường Ung Văn Khiêm và cầu đường Bình Triệu 2, hiện nay TP đã có chủ trương chấm dứt hình thức đầu tư BOT.
Trước mắt, TP sẽ triển khai dự án Ung Văn Khiêm bằng nguồn vốn ngân sách, sau đó thực hiện đàm phán với chủ đầu tư cũ để chấm dứt hợp đồng BOT. Nếu không đàm phán sẽ vi phạm về Luật Đầu tư công.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cũng cho biết, việc chuyển dự án từ tư sang công là chưa có tiền lệ. Thành phố đã chấp thuận chủ trương. Sở Kế hoạch & Đầu tư đang nghiên cứu hướng giải quyết để làm việc với chủ đầu tư trong tháng 6.
Đơn vị nào chịu trách nhiệm về các dự án giao thông chậm tiến độ?
Liên quan đến 2 dự án cầu Nam Lý và Tăng Long ở quận 9 còn đang làm dang dở gần 4 năm do vướng mặt bằng. Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông Đô thị TP.HCM (chủ đầu tư dự án) cho biết, 2 dự án trên do địa phương chưa duyệt xong đơn giá đất bồi thường giá T2 (thời hạn sử dụng đất còn lại) nên tạm thời chưa có mặt bằng để triển khai. Ngoài ra, công tác bồi thường bị vướng trong giai đoạn thay đổi chính sách Luật Đất đai từ giữa năm 2003 và 2013.
Trao đổi với PV Báo Giao thông bên lề cuộc họp, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, trên địa bàn TP.HCM còn khá nhiều dự án đang làm dang dở và phải dừng lại do ảnh hưởng công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó có nhiều dự án đã phải dừng lại nhiều năm nay do không có mặt bằng, ảnh hưởng đến vốn đầu tư và mất an toàn người dân đi lại.
Hiện nay công tác bồi thường GPMB được tách ra làm dự án riêng do các quận, huyện phụ trách đền bù giải tỏa. Tuy nhiên, về phía chủ đầu tư, cũng cần phối hợp với địa phương tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của từng dự án. Chẳng hạn, dự án này còn vướng bao nhiêu hộ dân, vướng ở chỗ nào…
Theo ông Bằng, về phía Sở GTVT với trách nhiệm và công tác quản lý của các đơn vị trong triển khai các dự án giao thông trọng điểm. Sở có trách nhiệm theo dõi và đôn đốc tiến độ các dự án. Định kỳ hàng quý, Sở GTVT tổ chức rà soát báo cáo UBND TP giải quyết khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền và kiến nghị các giải pháp xử lý.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho rằng, vấn đề giải quyết GPMB liên quan đến các dự án giao thông không thể một đơn vị làm được mà phải cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Trước vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM yêu cầu các sở, ngành liên quan tham mưu đề xuất tháo gỡ vướng mắc dự án kéo dài nhiều năm như dự án cầu Bưng, cầu Long Kiểng. Giải quyết những khó khăn về Luật Đầu tư công giữa luật cũ và mới. Đặc biệt, xác định tiêu chí ưu tiên hoàn thành các dự án trọng điểm. Yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng đơn giá bồi thường cho phù hợp với tình hình thực tế, có lợi cho người dân. Các sở ngành liên quan như Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP cùng phối hợp giải quyết những vướng mắc còn tồn tại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận