Sáng 15/7, HĐND TP.HCM khóa X khai mạc kỳ họp thứ 17. Tại kỳ họp, UBND TP.HCM báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024. Bên cạnh đó, báo cáo kết quả giải quyết, trả lời đối với kiến nghị cử tri trước và sau kỳ họp thứ 13 HĐND TP.HCM...
Không có metro sẽ kìm hãm kinh tế
Tại kỳ họp, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM đã có nhiều chia sẻ liên quan đến đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM (đề án metro) theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị.
Ông Lâm cho biết, sau quá trình khẩn trương xây dựng đề án, Sở GTVT cũng đã có tờ trình chi tiết về cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý... Trong đó, đặc biệt nhất là sản phẩm đầu ra của đề án.
Theo ông Lâm, một số đề án khác chỉ định hướng hoặc vạch ra lộ trình và triển khai các bước về sau, còn với đề án metro, sản phẩm đầu ra là các văn bản quy phạm pháp luật, các nghị quyết của Quốc hội ban hành cơ chế chính sách đặc thù (tương tự như NQ 98 hoặc cơ chế chính sách phát triển hệ thống cao tốc, vành đai 3 và các cao tốc của quốc gia) và các nghị định của Chính phủ để triển khai thực hiện.
"Với những quy định pháp luật và việc phân bổ, bố trí vốn cũng như việc tổ chức triển khai thực hiện dự án như hiện nay, không thể đáp ứng được tiến độ phát triển hạ tầng. TP.HCM là một trong 18 thành phố có mật độ dân số cao nhất thế giới, nhưng lại là thành phố duy nhất chưa có hệ thống metro. Do đó, nếu chậm trễ thì rất khó giải quyết vấn đề đi lại hàng ngày cho người dân, đồng thời, kìm hãm sự phát triển kinh tế", ông Lâm nói.
Theo ông Lâm, TP.HCM phải xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù và đề án metro chính là cơ sở lập luận, thuyết phục cũng như luận cứ để ban hành các chính sách.
Tăng 337km metro so với quy hoạch hiện hữu
Về cơ chế thực hiện đề án metro, ông Lâm nêu rõ có 6 nhóm, bao gồm: tập trung vào quy hoạch; bồi thường, đền bù và tái định cư; nguồn vốn; trình tự tổ chức thực hiện; tiêu chuẩn kỹ thuật và tổ chức vận hành khai thác.
Đối với kịch bản mạng lưới phát triển đường sắt đô thị, theo quy hoạch hiện hữu, TP.HCM có 173km đường sắt với 8 tuyến, tuy nhiên, trong đề án phát triển từ nay đến 2060 lên đến 510km với 12 tuyến. Điều này dựa trên cơ sở rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung để thực hiện trong 3 thời kỳ.
Cụ thể, theo quy hoạch chung, TP.HCM hướng tới trở thành thành phố hiện đại, anpha+, đến năm 2060 trở thành thành phố tầm cỡ quốc tế, thế giới và đảm bảo mật độ của tuyến đường sắt đô thị khoảng 30 - 40 triệu dân/1km đường sắt.
Trên cơ sở đó, TP.HCM xây dựng đề án không những ở quy hoạch hiện tại mà còn rà soát, hoàn chỉnh 510km metro với 12 tuyến thay vì là 173km với 8 tuyến.
Thứ hai, về nguồn vốn, Bộ GTVT, TP Hà Nội và TP.HCM cũng đã bàn rất kỹ và xác định, nguồn vốn ngân sách của nhà nước là chủ lực, chủ đạo; vốn ODA chỉ sử dụng vào một số hạng mục, hợp phần gắn với yếu tố công nghệ.
Về phân cấp, phân quyền, dự án đường sắt đô thị với tổng ngân sách trên 10.000 tỷ đồng thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, thuộc thẩm quyền Quốc hội. Tuy nhiên, TP.HCM đã nghiên cứu, đề xuất cơ chế phân cấp, phân quyền về thành phố.
Việc này được thực hiện theo hướng, tất cả các dự án khi thông qua chủ đầu tư được đưa vào các dự án nhóm A, HĐND TP sẽ quyết định chủ đầu tư và thành phố sẽ quyết định phê duyệt dự án tương tự như các dự án nhóm A đang thực hiện.
Đối với việc rút ngắn thủ tục, ông Lâm cho biết, trên cơ sở kế thừa NQ98 cũng như tham khảo Luật Thủ đô Hà Nội và các quy định của cao tốc hiện nay, đơn vị đã xin một loạt cơ chế để rút ngắn về bồi thường, chỉ định thầu, di dời hạ tầng kỹ thuật cũng như công tác điều chỉnh quy hoạch.
Sau khi có vốn, có cơ chế, nguồn lực là yếu tố quan trọng để triển khai. Ông Lâm cho biết, nguồn lực trong nước sẽ là chủ lực. Cụ thể là phát huy đội ngũ nhà thầu trong nước nhưng bắt buộc phải có sự tham gia của các nhà thầu, chuyên gia tư vấn quốc tế.
Về tiến độ triển khai, ông Lâm chia sẻ, sau khi xây dựng xong đề án và Bộ GTVT lấy ý kiến các bộ, ngành để cùng với TP Hà Nội tổng hợp báo cáo Chính phủ; báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị, phấn đấu cuối năm 1014 sẽ trình Quốc hội để ban hành cơ chế, chính sách thực hiện.
Nếu cuối năm 2025 có cơ chế, năm 2026-2027 sẽ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, bao gồm điều chỉnh quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu... Cuối năm 2027 đầu năm 2028 sẽ khởi công đồng loạt 6 tuyến metro.
Ông Lâm nhận định, với mốc thời gian như trên, tiến độ thực hiện rơi vào khoảng 8,5 năm. Trong đó, thời gian khoan hệ thống hầm khoảng 3,5 năm, thời gian còn lại là lắp đặt thiết bị, chuẩn bị nghiệm thu vận hành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận