Xe buýt đưa đón học sinh, sinh viên tại TP Hồ Chí Minh - Ảnh: SGB |
Ngành GTVT và Giáo dục cần cái “bắt tay” chặt
Trao đổi với Báo Giao thông ngày 19/7, lãnh đạo Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM cho biết, từ cuối năm 2015, trên địa bàn thành phố đã có 15/24 quận, huyện triển khai đưa đón học sinh bằng xe buýt. Ngay trong năm học 2014 - 2015, đã có hơn 170 trường tham gia đưa đón học sinh bằng xe buýt với số lượng khoảng 21 triệu lượt học sinh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, số trường tham gia giảm xuống còn 134, với 38.427 học sinh đi xe buýt. Trong 6 tháng đầu năm, số lượng học sinh đi xe buýt đạt 4,9 triệu lượt.
Cũng theo trung tâm này, xe buýt đưa đón học sinh đều có phần mềm giám sát hành trình, sổ nhật trình, có xác nhận hàng ngày của nhà trường và lái xe doanh nghiệp vận tải, đơn vị quản lý. Tuy nhiên, phải thừa nhận, việc đưa đón học sinh bằng xe buýt vẫn chưa thu hút được nhiều trường tham gia. Số lượng học sinh theo hình thức hợp đồng chỉ đạt 16,7% tổng số trường trên địa bàn thành phố (158/944) và chủ yếu tập trung ở địa bàn ngoại thành.
"Với các trường có sân bãi, phải tạo điều kiện cho xe đưa đón học sinh vào dừng đỗ bên trong nhằm đảm bảo không gây ùn tắc giao thông trước cổng trường học, đặc biệt là các trường trong khu vực nội thành”. Ông Bùi Xuân Cường |
Theo kế hoạch của thành phố, ngay trong năm 2017 sẽ phấn đấu đạt 5% học sinh đi xe buýt, để đến năm 2020 có từ 15 – 20% lượng học sinh đi lại bằng xe đưa đón hoặc xe buýt và 20% sinh viên đi lại bằng xe buýt. Tuy nhiên trên thực tế, đến thời điểm hiện tại, số lượng học sinh đăng ký đi xe buýt không nhiều, mới đạt khoảng 3%.
“Để đạt được tỷ lệ 5% học sinh đi xe buýt trong năm nay nếu có sự nỗ lực của tất cả các ban, ngành có thể đạt được. Tuy nhiên, chỉ tiêu đến năm 2020 đạt được 15 - 20% phải thừa nhận rất khó. Bởi, phát động kế hoạch này chủ yếu phụ thuộc vào Sở GD&ĐT. Sở GTVT cũng đã chuẩn bị nhiều phương án để phối hợp”, lãnh đạo trung tâm cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, sắp tới Sở GTVT và Sở GD&ĐT sẽ họp bàn để lên phương án cụ thể tăng cường đưa đón học sinh bằng xe buýt. Sau khi có đề án cụ thể, Sở sẽ triển khai đến các trường học. “Để thu hút học sinh đi xe buýt thay vì trợ giá theo đầu người, nên trợ giá cho học sinh theo km mới thu hút doanh nghiệp đầu tư”, bà Thu nói.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, đã đề nghị các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm đảm bảo ATGT trước cổng trường, đẩy mạnh vai trò tuyên truyền quảng bá loại hình đưa đón học sinh đến với phụ huynh học sinh. Đồng thời, chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT tăng cường bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra tình hình trật tự ATGT trước cổng trường học vào các giờ cao điểm và có biện pháp xử lý kịp thời các trường hợp lưu thông, dừng đỗ xe không đúng quy định gây mất ATGT.
Thuận lợi và tiết kiệm cho học sinh
Trao đổi với Báo Giao thông về kế hoạch trên, thày Đỗ Dương Cung, Phó hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức) cho biết, việc triển khai học sinh đi xe buýt là hoàn toàn tự nguyện, không ép buộc. Trước đây, trường cũng tổ chức đưa đón học sinh đi học bằng xe buýt, nhưng chưa thực sự hiệu quả vì số lượng học sinh tham gia ít. Cũng theo thày Cung, nguyên nhân học sinh ít tham gia bởi trước đây đi xe buýt chưa tiện lợi, thường kẹt xe làm chậm trễ giờ học của các em. “Mong rằng tới đây, xe buýt sẽ có nhiều tiện ích hơn, để thu hút thêm học sinh và các trường tham gia”, thày Cung nói.
Em Lê Thị Trúc, học sinh lớp 12 trường THPT Gia Định chia sẻ: “Hơn 2 năm qua em đi học bằng xe buýt, cảm thấy khá an toàn và giảm chi phí cho gia đình nên năm nay em sẽ tiếp tục đi xe buýt đến trường”.
Trúc cho biết, nhà em ở đường Lê Văn Việt (Q.9) và hành trình đến trường hơn 15km. “Trước đây, sáng nào mẹ em cũng dậy sớm đưa em đến trường bằng xe máy và chiều đón về rất mất thời gian và tốn kém. Đặc biệt là những ngày mưa bão hoặc gặp những lúc kẹt xe thì cả hai mẹ con cùng khổ và nhiều lúc bị trễ học. Từ ngày đi xe buýt đến nay, mọi việc thuận tiện hơn. Sáng đi bộ từ nhà ra nơi chờ xe buýt khoảng 10 phút là lên xe. Chiều về cũng thế nên em thấy rất tiện”, Trúc nói và mong thành phố kêu gọi, tổ chức thêm nhiều tuyến buýt mới, để các bạn học sinh khác cũng tham gia nhằm kéo giảm ùn tắc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận