Trường tiểu học Tân Xuân nơi phát hiện ổ dịch - Ảnh: Linh Hoàng |
Ổ dịch ngay trong trường học
Ngày 15/12, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại Trường tiểu học Tân Xuân, hoạt động giảng dạy vẫn diễn ra bình thường. Số em mắc quai bị đều đã được cho nghỉ để điều trị.
Thày Huỳnh Minh Vũ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Xuân cho biết, trước đó sáng 28/11, nhà trường phát hiện nhiều học sinh đồng loạt nghỉ học không rõ lý do. Qua ngày hôm sau, các em vẫn chưa đi học lại nên nhà trường đã chủ động liên lạc với gia đình thì biết tin các em mắc bệnh quai bị.
"Trong quá trình chăm sóc trẻ mắc quai bị, cha mẹ nên lưu ý đến các biểu hiện của trẻ nhằm phát hiện sớm biến chứng. Ví như với bé trai, cần để ý tinh hoàn của trẻ xem có sưng to, đau hay không; Với bé nữ xem có thấy tức bụng và đau khi sờ nắn." BS. Đinh Thạc |
Những ngày sau đó, trường liên tục phát hiện thêm nhiều học sinh bị bệnh quai bị. Nhận thấy tình hình bệnh bùng phát nhanh, Ban giám hiệu nhà trường đã thông báo cho Trạm y tế xã, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hóc Môn. Ngay sau đó, các phương án phòng, chống bệnh được triển khai như: Phun hóa chất, tuyên truyền biện pháp phòng tránh...
Tuy nhiên, số em học sinh mắc bệnh vẫn tiếp tục tăng. Đến nay, đã có 25 em học sinh mắc bệnh quai bị, phân bố tại 5 lớp học và đa số tập trung tại các lớp bán trú của trường. Trong đó, nhiều học sinh đã quay trở lại lớp sau khi điều trị bệnh.
Thày Vũ cũng cho biết, trường có tổng số 1.654 học sinh, trong đó có 1.295 em học bán trú. Đa số các em học sinh trong trường có cha mẹ đi làm cả ngày nên phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc chăm sóc. Nhiều em bệnh chưa khỏi hẳn nhưng vẫn được phụ huynh đưa quay lại trường. Nhà trường phải giải thích, động viên thì gia đình mới đồng ý đón các em về chăm sóc đến khi được các bác sĩ chẩn đoán đã hết bệnh mới đi học lại nhằm kìm hãm dịch bệnh .
Ông Ngô Đức Hoàng, phụ trách y tế Trường tiểu học Tân Xuân nhận định, nhiều khả năng nhóm học sinh mắc quai bị có thể do chưa được chích ngừa. Bởi, trước năm 2015, các học sinh trong trường được tiêm vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nhưng mũi ngừa bệnh quai bị lại thuộc diện dịch vụ mất tiền. Do đó, nhiều phụ huynh đã không cho con tiêm mũi vaccine này. Theo chuyên gia, chỉ cần tiêm một mũi vaccine phòng quai bị khi trẻ qua một tuổi, có khả năng được miễn dịch rất lâu, có thể suốt đời.
Phát hiện sớm để phòng ngừa biến chứng
Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, BS. Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM xuống Trường tiểu học Tân Xuân để làm rõ nguyên nhân, đồng thời đưa ra giải pháp ngăn chặn. Theo đó, giáo viên và học sinh trong trường đã được hướng dẫn rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã được yêu cầu khử khuẩn hàng ngày tại các lớp có ca bệnh, giặt sạch và phơi nắng chăn màn của các lớp học bán trú. Vệ sinh các vật dụng và nơi sinh hoạt hàng ngày của học sinh, bếp ăn tập thể bằng nước sạch và xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Đối với các trường hợp có triệu chứng sốt hoặc đau hàm, nhà trường phải cho học sinh nghỉ học để cách ly, yêu cầu phụ huynh đưa trẻ đi khám bệnh và thông báo chẩn đoán cho nhà trường. Đồng thời, vận động phụ huynh cho trẻ mắc bệnh ở nhà theo dõi và đến cơ sở y tế khám và điều trị. Trẻ mắc bệnh không đến nơi vui chơi công cộng, tránh tiếp xúc với các trẻ lành khác đến khi hết bệnh.
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, BS. Đinh Thạc, BV Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết, quai bị là một bệnh nhẹ nhưng do virus gây nên và rất dễ lây qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt của bệnh nhân. Thời gian ủ bệnh là 17 - 28 ngày. Bệnh cũng có thể gây những biến chứng nguy hiểm như: Viêm não, viêm màng não, đặc biệt là gây viêm tinh hoàn, viêm mào tinh với nam hay viêm buồng trứng với nữ, dễ dẫn đến vô sinh. “Tuy nhiên, các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng, vì đây là những biến chứng xa, với tỷ lệ chỉ khoảng 1%. Nếu trẻ được phát hiện, khám kịp thời và chăm sóc theo đúng tư vấn của y, bác sĩ thì bệnh quai bị không đáng ngại”, BS. Đinh Thạc cho biết.
Để phát hiện sớm ở trẻ, nên quan tâm đến một số triệu chứng dễ nhận biết như: Sốt, khó chịu, chảy nước bọt và má sưng to (có thể sưng một bên mặt rồi lan sang bên kia hoặc sưng hai bên cùng một lúc), gây đau khi nuốt nước bọt. Sau đó, trẻ bị khô miệng vì các tuyến nước bọt đã ngừng hoạt động. Bệnh thường tự khỏi sau 7 - 10 ngày. Sau đó, bệnh nhân được miễn dịch suốt đời. “Tuy nhiên, cũng có trẻ chỉ có biểu hiện sốt, khó chịu. Nếu trẻ đang sống trong môi trường có dịch quai bị thì cha mẹ nên chủ động cho trẻ đi khám, làm xét nghiệm để phát hiện virus gây bệnh”.
Để phòng tránh biến chứng do bệnh gây ra, BS. Thạc lưu ý cha mẹ không được cho trẻ nô đùa chạy nhảy vì những hoạt động này rất dễ dẫn đến biến chứng ở tinh hoàn. Bên cạnh đó, nên cho trẻ ăn thức ăn mềm, loãng do trẻ bị đau hàm vì viêm tuyến nước bọt. Nếu đồ ăn cứng sẽ khiến trẻ đau, sợ ăn, dẫn đến thiếu chất dinh dưỡng để kháng bệnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận