Xã hội

TP.HCM phục hồi kinh tế sau dịch: Các dự án giao thông được ưu tiên đầu tư

17/02/2022, 14:33

Tại TP.HCM nhu cầu dành cho đầu tư rất lớn nhưng nguồn lực chi cho đầu tư khiêm tốn nên cần có sự tháo gỡ cơ chế chính sách.

Tại tọa đàm "Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP.HCM" do báo Người lao động tổ chức sáng nay, TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng: Một trong những giải pháp quan trọng để phục hồi, phát triển TP.HCM là cần đẩy nhanh tốc độ kết nối hạ tầng liên vùng, đây là công cụ hữu hiệu để khôi phục kinh tế.

img

Các chuyên gia đều cho rằng phục hồi kinh tế TP.HCM phải gắn phát triển hạ tầng vùng

Về giải pháp tổng thể để phục hồi kinh tế, TS Trần Du Lịch cho rằng, vấn đề đầu tiên TP.HCM cần làm lúc này là cần tạo môi trường thể chế tốt nhất để nền kinh tế hấp thụ được vốn. Theo đó, phải cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, tháo điểm nghẽn để hấp thụ nguồn vốn đầu tư công và vốn tư nhân.

"Rất mừng là ở phiên họp bất thường của Quốc hội, việc thông qua 1 luật sửa 9 luật đã gỡ được những vấn đề quan trọng", ông nói.

Tiếp đến, TP.HCM xác định sử dụng công cụ đầu tư công để kích thích tổng cầu, xử lý bất cập hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị. TP.HCM có đặc điểm là từ 1 đồng đầu tư của nhà nước có thể thu hút 8-12 đồng đầu tư tư nhân. Vốn nhà nước được xem là "vốn mồi" để kích thích đầu tư tư nhân.

Tiếp theo, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ có dòng vốn. Thành phố đã từng làm được chương trình ngân hàng kết nối với doanh nghiệp, chính quyền để hỗ trợ cho doanh nghiệp vay nợ nuôi nợ để từ đó đòi được nợ. Với cách làm này, giai đoạn 2011-2013, đã cứu sống nhiều doanh nghiệp.

Một điểm rất quan trọng là phải phát huy vai trò hạt nhân của TP.HCM gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chính phủ hỗ trợ để tiến hành xây dựng nhanh đường vành đai 3, 4 để phát triển cả vùng đô thị.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.HCM cho biết, trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, TP ước lượng số tiền cần khoảng 800.000 tỉ đồng.

Trong đó có 142.000 tỉ đồng vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương. TP huy động tối đa cũng chỉ được 260.000 tỉ đồng và thêm nguồn lực bên ngoài có thể lên đến 350.000 tỉ đồng.

"Nhu cầu đầu tư lớn nhưng nguồn lực chi cho đầu tư khiêm tốn nên cần tháo gỡ cơ chế chính sách thích hợp. Các bộ ngành, Trung ương vừa qua có phân cấp cho thành phố một số đặc thù như Nghị quyết 54, tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP từ 18% lên 21% trong 2022… Nhưng tất cả những điều này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu lớn của thành phố về đầu tư hạ tầng, y tế cơ sở, chăm lo cho người lao động để phục hồi kinh tế hiệu quả hơn", ông Tuấn nói.

Về huy động nguồn vốn ưu tiên, ông Tuấn cho hay TP đang sắp xếp thứ tự ưu tiên các công trình, dự án đầu tư. Trong đó, ưu tiên các dự án liên quan lĩnh vực y tế giáo dục, giao thông, môi trường.

Trong lĩnh vực giao thông, thành phố đang đẩy mạnh dự án đường Vành đai 3, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh)… và các dự án liên kết vùng. Đặt thành phố trong tổng thể cùa vùng để ưu tiên bố trí vốn và kêu gọi đầu tư để tạo sức bật cho kinh tế vùng phát triển.

Ngoài ra, thành phố đang triển khai một trong những nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII là đưa TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam. Chủ tịch UBND thành phố đã ký bản ghi nhớ với tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) để giúp thành phố nghiên cứu cụ thể hoá cơ chế chính sách để phát triển trung tâm tài chính. Mục đích của bản ghi nhớ là sẽ thu hút được những tập đoàn, nhà đầu tư có năng lực thật sự nhằm lôi kéo những nhà đầu tư khác cùng vào.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.