Xã hội

TP.HCM rốt ráo kéo giảm ùn tắc giao thông cuối năm

14/12/2016, 07:10

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo các sở...

16

Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng chủ trì và phát biểu ý kiến chỉ đạo trong buổi làm việc

Sáng 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo các sở, ngành thành phố và đơn vị liên quan về các giải pháp kéo giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Đánh giá ùn tắc phải khách quan

Theo báo cáo của Sở GTVT TP.HCM, trong 11 tháng đầu năm đã xảy ra 27 vụ ùn tắc giao thông (UTGT) trong giờ cao điểm. Ùn tắc nghiêm trọng xảy ra chủ yếu ở khu vực CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, các tuyến đường trong trung tâm và kết nối từ ngoại ô vào nội đô.

Nguyên nhân ùn tắc, theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT là do năng lực, chất lượng của hệ thống hạ tầng giao thông chưa cao; Quy hoạch và phát triển đô thị chưa đồng bộ, thiếu điểm dừng, đỗ xe. Công tác quản lý tổ chức giao thông đô thị vẫn còn bất cập, ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, điều hành giao thông thông minh chưa được đầu tư đúng mức. TP chưa có một trung tâm điều hành giao thông đúng tầm.

Theo Sở GTVT, trong quý I/2017, Sở GTVT sẽ triển khai cấm taxi lưu thông theo giờ trên đường Lê Thánh Tôn và Lý Tự Trọng. Tiến hành cấm xe tải lưu thông 24/24h trên đường Tôn Đức Thắng (Q.1) và Nguyễn Tất Thành (Q.4). Tổ chức giao thông một số tuyến đường theo phương thức xe lưu thông theo ngày chẵn, lẻ. 

Ông Cường cho biết, Sở GTVT đang nghiên cứu một số giải pháp cấp bách triển khai trong năm 2017 như: Nghiên cứu tổ chức một chiều các cặp đường: Cộng Hòa - Trường Chinh - Hoàng Văn Thụ, Phan Văn Trị - Lê Quang Định; Tổ chức lại giao thông nút giao Hàng Xanh… Đối với khu vực trung tâm sẽ tổ chức lưu thông một chiều cặp đường Hai Bà Trưng - Phạm Ngọc Thạch; Trần Quốc Thảo - Lê Quý Đôn.

Liên quan đến tình trạng UTGT trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) cho hay, mỗi ngày có tới 40 nghìn lượt xe ra-vào trên cao tốc. Thời điểm lễ, Tết, cuối tuần có thể lên đến 55 nghìn lượt. “Đề nghị TP.HCM cho tăng thu phí vào giờ cao điểm và thu phí thấp vào giờ thấp điểm nhằm giảm lượng xe vào những ngày cuối tuần”, ông Tuấn Anh nói và đề nghị làm việc với Sở GTVT để báo cáo với Bộ GTVT bàn giao đoạn đường dẫn vào cao tốc khoảng 4km cho TP để có thể tổ chức cho xe máy lưu thông nhằm giảm ùn tắc tại nút giao An Phú (Q.2).

Sau đề xuất của VEC, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng, đây cũng là một giải pháp mà các nước đã làm từ lâu. Để giảm lượng xe ùn tắc tại các trạm thu phí, Bí thư Thăng đề nghị Sở GTVT phối hợp với VEC từ nay đến trước Tết Nguyên đán triển khai xong các trạm thu phí không dừng. Đồng thời, sớm triển khai dự án nút giao thông An Phú để giải tỏa ùn tắc cho cảng Cát Lái.

Ông Trần Đức Tài, Phó giám đốc Công an TP.HCM cho rằng, phương án thu phí tự động cũng cần sớm triển khai. Khi triển khai tự động vừa chống lãng phí quản lý, vừa tạo được văn minh đô thị. Về công tác phối hợp kéo giảm UTGT, ông Tài cho biết, thời gian qua còn một số bất cập, các sở, ngành, địa phương chưa có sự liên kết chặt chẽ. Đơn cử, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, cơ quan chức năng và địa phương chưa làm rốt ráo…

Giải thích việc bến xe Miền Đông, Miền Tây chưa thực hiện đúng tiến độ, ông Lê Văn Pha, Phó Tổng giám đốc TCT Cơ khí ôtô Sài Gòn (SAMCO) cho biết, việc di dời hai bến xe miền Đông, miền Tây là vướng GPMB và thủ tục. Việc thi công còn kéo dài cả năm và có thể đến năm 2018 mới xong bến xe Miền Đông mới.

“Thủ tục có thể kéo dài cả năm vì một phần đất của bến xe nằm giáp địa phận tỉnh Bình Dương. Do vậy, khi triển khai thực tế xin thủ tục cũng gặp khó khăn hơn”, ông Pha trình bày.

Bác bỏ ý kiến của ông Pha, Bí Thư Thăng cho rằng, trong văn bản kết luận cuộc làm việc giữa Thường trực Thành ủy với Bộ GTVT, Sở GTVT ngày 27/7 có nêu sẽ xây xong bến xe miền Đông trong năm 2017. “Trên cơ sở đề nghị của các sở ngành, trong năm 2017, TCT Cơ khí ôtô Sài Gòn phải thực hiện xây xong bến xe Miền Đông như đã cam kết”, ông Thăng nói.

Điều tiết các chuyến bay vào giờ thấp điểm

Về tình trạng quá tải phương tiện ra-vào CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết, trong năm 2016 đã phục vụ hơn 32 triệu lượt khách, tăng hơn 5,5 triệu lượt so với năm 2015. Dự kiến năm 2017, sân bay này sẽ phục vụ 40 triệu lượt hành khách. Vừa qua, Cảng vụ Hàng không miền Nam đã phối hợp với Sở GTVT, cấm xe tải qua khu vực cửa ngõ sân bay nên tình trạng ùn tắc đã giảm. Tuy nhiên, trong dịp Tết sắp tới, lượng khách sẽ tăng đột biến, nguy cơ ùn tắc rất cao. 

Đề cập đến ùn tắc hàng không, Bí thư Thăng đề nghị Cảng vụ Hàng không miền Nam điều chỉnh lại lịch bay để giãn thời gian cao điểm, tăng cường bay đêm nhằm giảm áp lực. “Nếu điều chỉnh tăng giá vé giờ cao điểm, giảm giá vé giờ thấp điểm chỉ còn 1/3, chắc chắn sẽ không quá tải như bây giờ”, Bí thư Thăng nói.

Ông Mậu cũng kiến nghị, hiện ga quốc tế chưa có bãi đỗ xe, TP cần nhanh chóng bố trí các trạm trung chuyển tại công viên Hoàng Văn Thụ, công viên Gia Định. Hiện, TP đã có hai tuyến xe buýt chất lượng cao chuyên chở hành khách ra-vào sân bay, nhưng đến nay vẫn chưa sử dụng hết công suất, trong khi số lượng taxi vào sân bay đưa, đón khách quá đông. Mỗi ngày có 4.000-5.000 lượt xe taxi ra-vào sân bay nhưng bãi đỗ xe chỉ đáp ứng 800-1.000 xe.

Nghe thông tin này, Bí thư Thăng yêu cầu Sở GTVT phối hợp với CKH quốc tế Tân Sơn Nhất có kế hoạch điều chỉnh phân luồng giao thông hợp lý, đặc biệt từ nay đến cuối năm lượng khách đến sân bay tăng cao. Bên cạnh đó, phải quản lý chặt vận tải taxi, bố trí nơi dừng đỗ để taxi không phải chạy lòng vòng ngoài đường như hiện nay. “UTGT là bức xúc của người dân. Tất cả các cấp, ngành đều phải nỗ lực mới kéo giảm được”, Bí thư Thăng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.