Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung |
Ngày 7/12, HĐND TP Hà Nội dành trọn một ngày để chất vấn các thành viên UBND TP về các vấn đề KT-XH nóng bỏng của thành phố, trong đó trách nhiệm quản lý PCCC, kinh doanh karaoke và các vấn đề về giao thông - đô thị được nhiều đại biểu (ĐB) đặt câu hỏi chất vấn.
Chậm điều chỉnh luồng tuyến vận tải, tràn lan điểm trông xe trái phép
Trả lời chất vấn của ĐB Hoàng Thị Thúy Hằng phương án phân luồng giao thông, hạn chế xe khách đi xuyên tâm thành phố gây ra tình trạng ùn tắc, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, trên địa bàn TP có 668 tuyến kết nối từ 5 bến xe: Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình, Nước Ngầm, Yên Nghĩa đến 42 tỉnh, thành trên cả nước. Theo định hướng quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn 2030, với các bến xe theo hướng luồng tuyến đi phía Nam cố gắng bố trí ở bến Giáp Bát, Nước Ngầm, ở phía Tây và phía Bắc là bến xe Mỹ Đình, phía Bắc là bến xe Gia Lâm... Với định hướng đó, sẽ rà soát lại các luồng tuyến đi sai định hướng quy hoạch, đi vào các tuyến đường có lưu lượng giao thông lớn dễ gây ùn tắc giao thông để từ đó sắp xếp lại. Đơn vị đã hoàn chỉnh quy hoạch để trình và đã thống nhất với Tổng cục Đường bộ bắt đầu điều chỉnh luồng tuyến từ 1/3/2017.
Khi được Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhắc nhở trả lời đúng trọng tâm câu hỏi của ĐB về việc điều chỉnh quy hoạch có chậm hay không, trách nhiệm thuộc về ai, ông Viện thừa nhận việc chậm so với phương án mà Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu (1/10/2016 phải điều chỉnh xong). Nhận trách nhiệm việc này, nhưng ông Viện lý giải do nhiều nguyên nhân khách quan.
ĐB Hoàng Duy Phương cho rằng, ngoài trách nhiệm của Sở GTVT về đảm bảo trật tự ATGT thì cũng có trách nhiệm của lực lượng Công an TP. “Hiện nay, cử tri phản ánh có hiện tượng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè của các bãi trông giữ xe trái phép. Đặc biệt, có hiện tượng bảo kê. Giám đốc Công an TP có biết việc này không?”, ĐB chất vấn. Giám đốc Công an TP Hà Nội Đoàn Duy Khương cho hay, trên địa bàn TP có hơn 1.600 điểm phức tạp về đô thị, trong đó có 35 điểm tập trung trông xe trái phép, chủ yếu ở quận nội thành. Ông Khương khẳng định, có dấu hiệu bảo kê tại các điểm trông giữ xe như ĐB nêu và công an đã khởi tố một bị can, chuyển sang VKSND quận Hoàng Mai để truy tố.
Phải rõ trách nhiệm để xảy ra cháy nổ
Đề cập đến vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông khiến 13 người tử vong xảy ra đầu tháng 11 vừa qua, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam đặt câu hỏi về trách nhiệm những người trực tiếp liên quan từ việc cấp phép kinh doanh, phòng chống cháy nổ cho đến kiểm tra giám sát địa bàn.
Trả lời, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương cho biết, hiện nay trên toàn thành phố có 1.317 cơ sở kinh doanh karaoke, trong đó có 1.234 cơ sở đã được cấp phép đủ điều kiện về an ninh trật tự. Quá trình thanh tra, kiểm tra đã thu hồi 50 giấy phép kinh doanh có điều kiện và phạt 367 triệu đồng. Trong năm 2016 đã cấp 2.441 giấy chứng nhận về an ninh trật tự với các cơ sở kinh doanh có điều kiện, trong đó kiểm tra 1.702 cơ sở và phát hiện hơn 1.000 cơ sở có vi phạm, phạt 6,4 tỷ và thu hồi 31 giấy phép.
Không thỏa mãn phần trả lời của Giám đốc Công an TP Hà Nội, ĐB Nguyễn Hoài Nam tiếp tục có ý kiến. Ông đề nghị Giám đốc Công an thể hiện rõ trách nhiệm của mình. “Nếu mai đây lại xảy ra cháy thì chẳng lẽ chúng ta lại ngồi với nhau để kiểm điểm trách nhiệm?”, ông Nam đặt vấn đề.
Về phần mình, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Tô Văn Động cũng thừa nhận để xảy ra vụ việc là thiếu sót của ngành. Ông Động cho rằng sau kiểm điểm, đã rút ra bài học rất quan trọng trong lĩnh vực quản lý nhạy cảm liên quan nhiều cấp, nhiều ngành.
Tương tự, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Sở PCCC Hà Nội cho hay, sau vụ hỏa hoạn gây hậu quả nghiêm trọng, đã ý thức được trách nhiệm và rút kinh nghiệm toàn lực lượng, đồng thời tiến hành kỷ luật khiển trách 3 cán bộ liên quan. Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC tự nhận năm 2016 sẽ xin rút tất cả danh hiệu thi đua, giấy khen, bằng khen mà đơn vị định đề xuất khen thưởng.
5 năm tới, giao thông Hà Nội sẽ được cải thiện Cuối phiên chất vấn, đề cập tới vấn đề giao thông, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết: “Vài năm tới giao thông của chúng ta sẽ có cải thiện, chúng ta hoàn toàn hy vọng khi có một số công trình đưa vào hoàn thành như tuyến tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông, tuyến tàu điện từ Nhổn - ga Hà Nội, khởi công tuyến đường sắt từ Nam Thăng Long đi Trần Hưng Đạo và TP quyết liệt xây dựng đề án nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, cố gắng từ nay đến năm 2018 tăng gấp đôi số xe buýt hiện có... Đặc biệt, TP đang triển khai giao thông thông minh, hạn chế dần phương tiện vào khu vực nội đô bằng các biện pháp quản lý. Với quyết tâm nỗ lực, hy vọng 5 năm tới giao thông Hà Nội sẽ được cải thiện một cách đáng kể”. |
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận