Theo Sở GTVT TP.HCM, trong 12 tuyến này có 4 tuyến xe buýt có sức chứa nhỏ, phù hợp với đặc thù đường giao thông TP là mật độ phương tiện xe cá nhân cao và nhiều tuyến đường nhánh hiện nay chưa bố trí xe buýt lưu thông.
TP.HCM sẽ mở thêm 12 tuyến buýt phục vụ người dân góp phần giảm phương tiện cá nhân.
4 tuyến xe buýt nhỏ
4 tuyến xe buýt có sức chứa nhỏ được Sở GTVT đề xuất gồm: ga tàu thủy Bình An - Bến xe buýt Sài Gòn; Ga tàu thủy Bình An - đường Liên Phường; Khu dân cư ấp 5, Phong Phú - UBND quận 7; Khu dân cư T30 - Trường ĐH Marketing.
Những tuyến này có thể hoạt động trên các tuyến đường có mặt cắt ngang nhỏ để kết nối đến các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông, các đô thị vệ tinh, kết nối với các tuyến vận tải hành khách khối lượng lớn và các phương thức vận tải khác.
Xe buýt nhỏ này sẽ góp phần tăng mật độ mạng lưới xe buýt trên địa bàn TP, giảm ùn tắc giao thông và xây dựng văn minh đô thị.
Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng xin đề xuất 4 dự án phát triển giao thông xanh TP gồm: An Lạc - Rạch Chiếc; An Lạc - Bến Thành; Chợ Lớn - Rạch Chiếc; Bến Thành - Rạch Chiếc.
Đồng thời, sở cũng xin bổ sung 4 tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề. Như vậy việc có 27 tuyến xe buýt hoạt động với các tỉnh liền kề, theo Sở GTVT hành khách đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại.
Các tuyến này kết nối với tỉnh Tiền Giang, Đồng Nai, Tây Ninh gồm: Bến xe An Sương - Bến xe Biên Hòa; Bến xe buýt Tân Phú - Bến xe Tây Ninh; Bến xe buýt Tân Phú - Bến xe Tiền Giang; Bến xe buýt Tân Phú - Bến xe Biên Hòa.
4 tuyến liên tỉnh không trợ giá, 4 tuyến nội thành chất lượng cao
Sở GTVT cho biết, TP đang thực hiện đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân trên địa bàn cùng với 17 giải pháp phát triển hệ thống, tăng cường tiếp cận, nâng cao tính cạnh tranh của vận tải hành khách công cộng.
Trong giai đoạn 2021-2025, TP mở rộng tới các khu vực có nhu cầu đi lại lớn như các khu đô thị mới Tây Bắc - Củ Chi, khu đô thị Thủ Thiêm, khu đô thị đại học, công nghệ cao... và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo Sở GTVT, mặc dù mạng lưới xe buýt đã cơ bản phủ khắp trên địa bàn TP song ở nhiều tuyến đường hẹp thì việc tổ chức xe buýt là hết sức khó khăn. Trước thực tế trên, Sở GTVT cho rằng cần phải bổ sung mới một số tuyến xe buýt tiếp cận để phục vụ người dân TP.
Cụ thể, TP đã tổ chức các tuyến xe buýt dọc hành lang Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, có đặc trưng kỹ thuật, chất lượng dịch vụ tương tự loại hình BRT light trên thế giới, đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của loại hình giao thông thông minh.
Loại hình này có thẻ vé thông minh, kết nối thông minh, vận hành và quản lý thông minh. Do đó, cần phải bổ sung 4 tuyến xe buýt chất lượng cao vào danh mục mạng lưới tuyến xe buýt nội tỉnh và liền kề trên địa bàn TP.HCM.
Đối với các tuyến xe buýt liên tỉnh không trợ giá, việc bổ sung các tuyến mới cần kết nối đến các tỉnh Tiền Giang, Đồng Nai, Tây Ninh là hết sức cần thiết. Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng TP.HCM. Đặc biệt là khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ ra vào TP.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận