Taxi truyền thống kiến nghị Bộ GTVT xem xét quản lý Uber, Grab như loại hình kinh doanh taxi, hoạt động vận tải chứ không phải chỉ là đơn vị cung cấp phần mềm |
Ngày 1/1/2018, Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (taxi Vinasun) cho biết, Công ty tiếp tục có văn bản kiến nghị Bộ GTVT về việc Uber, Grab không tuân thủ pháp luật Việt Nam trong thời gian thí điểm.
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết quá trình triển khai thí điểm ứng dụng Khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 của Bộ GTVT, Vinasun nhận thấy quyết định trên cho phép triển khai thí điểm hình thức “vận tải hợp đồng điện tử” đã có sai phạm nghiêm trọng trong quá trình thẩm định, phê duyệt đề án, gây hậu quả nghiêm trọng đối với ngành vận tải taxi, phá vỡ quy hoạch giao thông, gây thất thu hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế cũng như hệ lụy tới một bộ phận lớn người lao động vay tiền ngân hàng, đầu tư xe, chịu lỗ.
Chính vì vậy Vinasun xin đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT xem xét huỷ bỏ Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 và thực hiện quản lý hoạt động Grab, Uber như hoạt động vận tải taxi.
Theo Vinasun, mặc dù không có hợp đồng nào được ký kết nhưng Uber, Grab vẫn được xếp vào loại hình vận tải hợp đồng. Hợp đồng điện tử là khái niệm vận tải taxi bị đánh tráo, bản chất Grab và Uber là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách. Do vậy cần định danh dịch vụ vận tải Grab, Uber là dịch vụ vận tải taxi.
Bằng chứng cho thấy, sử dụng dịch vụ Grab, Uber nhưng người tiêu dùng không thể tìm ra được nội dung hợp đồng vận tải nào được ký kết cho mỗi chuyến đi. Câu hỏi ai ký với ai? Nội dung hợp đồng như thế nào? Hợp đồng lưu ở đâu cũng không thể tìm ra? Không chỉ người dùng, cả hai hãng Uber, Grab tại hội nghị và sau hội nghị đều không đưa ra được hợp đồng vận tải nào được ký kết cho mọi người xem.
Hợp đồng điện tử chỉ là phương thức giao kết chứ không phải là mô hình kinh doanh và không đúng quy định về xe hợp đồng. Hợp đồng điện tử phải tuân thủ các quy định về thương mại điện tử quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Thông tư số 59/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động.
Ngoài ra, nhiều hợp tác xã “giấy’ hình thành để đáp ứng các điều kiện kinh doanh vận tải. Hình thành một đội ngũ lái xe không được đào tạo, không được quản lý giám sát, không được bảo hiểm, nguy cơ cho cả lái xe và hành khách
Chỉ trong 2 năm, hàng loạt hợp tác xã được dựng lên để hợp thức hóa yêu cầu này. Hợp tác xã vận tải lớn mạnh cả về số lượng xã viên, số lượng phương tiện. Điển hình có hàng loạt hợp tác vận tải tại TP.HCM có số lượng xã viên lên tới 4.000 – 5.000 mỗi hợp tác xã. Điều đáng nói, các hợp tác xã này không hề quản lý phương tiện, xã viên, mà chỉ cung cấp “dịch vụ” giấy tờ. Các xã viên sau khi nộp một khoản phí hàng năm thì được cấp phù hiệu xe hợp đồng để chạy xe Uber, Grab. Hợp tác xã không quản lý nhân thân, hành trình phục vụ khách hàng, nghĩa vụ thuế, bảo hiểm của lái xe. Các xã viên là lái xe cũng không có quan hệ gì với hợp tác xã, không có bất cứ nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi gì với hợp tác xã.
Vinasun cũng đặt nghi vấn kiến nghị Bộ GTVT, Grab là doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp hay Luật Đầu tư nước ngoài và có phải là công ty con của Công ty mẹ Grab Malaysia? Bởi theo kết quả thanh tra thuế, Bộ Tài chính cho biết Công ty TNHH Grabtaxi được Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM cấp phép thành lập từ năm 2014. Sau 5 lần điều chỉnh giấy phép kinh doanh, hiện nay, Grabtaxi có vốn điều lệ 20 tỷ đồng có hai thành viên góp vốn là Grab Inc thuộc quốc đảo Caymand chiếm 49% vốn góp và ông Nguyễn Tuấn Anh chiếm 51% vốn góp. "Vậy tại sao Grab taxi - một doanh nghiệp kinh doanh một dịch vụ lại cần có 2 Công ty, cùng tên người đại diện chỉ khác là có hai mã số thuế, hai kiểu hạch toán thuế ?", đại diện taxi Vinasun nói.
Trước đó, hãng taxi Mai Linh cũng kiến nghị Uber, Grab phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải như taxi truyền thống, phải kê khai, niêm yết giá cước theo đồng hồ tính tiền được gắn trên xe. Đồng thời cần phải điều chỉnh mức thuế bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh taxi. Về góc độ an ninh quốc gia, Mai Linh cho rằng taxi công nghệ không đảm bảo an toàn cho hành khách và cần dán nhãn, logo nhận diện đầy đủ kích thước đối với Uber, Grab.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận