Đô thị

TP.HCM: Xe buýt lên đời, người dân hào hứng

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM vừa đưa vào vận hành 239 xe buýt trên 16 tuyến. Sau hơn 10 ngày hoạt động, các tuyến xe buýt này nhận được phản hồi rất tích cực.

Xe mới, phục vụ văn minh

Trên chuyến xe buýt số 16 xuất phát từ Bến xe buýt Chợ Lớn đến Bến xe buýt Tân Phú, bà Trần Thị Mỹ Lệ (72 tuổi, ngụ quận 6) cho biết, đều đặn mỗi ngày bà di chuyển trên 4 tuyến buýt để đi khám, chữa bệnh.

TP.HCM: Xe buýt lên đời, người dân hào hứng- Ảnh 1.

Nhân viên phục vụ tuyến xe buýt 16 hướng dẫn hành khách thanh toán.

Từ khi tuyến này có xe mới, việc di chuyển của bà dễ dàng hơn. Theo bà, xe mới đẹp, sạch sẽ và nhất là thái độ phục vụ của tài xế, nhân viên bán vé khác hẳn so với trước. "Nhân viên, tài xế rất cởi mở, vui vẻ, nhiệt tình với hành khách", bà Lệ nói.

Tương tự, bà Ngọc Trác (75 tuổi, ngụ quận Bình Tân) cũng rất hài lòng với chất lượng các xe buýt mới vừa được thay thế. Ngày nào cũng đi xe buýt nên bà Trác quen hết mặt tài xế, phụ xe. Bà cho biết, từ lâu đã bỏ đi tuyến số 16 vì thái độ phục vụ của nhân viên trước đây không tốt. Nhưng khi biết tuyến xe này được nhà xe khác khai thác, bà đã đi thử và khẳng định sẽ gắn bó lâu dài.

"Tôi thấy sự khác biệt rất rõ, không chỉ bởi xe mới, sạch và mát mà còn bởi thái độ của tài xế, phụ xe. Nói thật, người dân bỏ ra số tiền ít ỏi để đi xe công cộng, không dám đòi hỏi gì quá cao, nhưng nếu thái độ không tốt dần dần họ cũng sẽ quay lưng. Chúng tôi rất hy vọng các tuyến xe buýt được duy trì tốt như hiện nay để người dân sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn", bà Trác chia sẻ.

Ngoài các ý kiến khen chất lượng dịch vụ, nhiều người cũng góp ý, xe buýt nên gắn rèm cửa để tránh nắng; xây dựng thêm trạm chờ ở một số tuyến; giảm thời gian chờ ở các tuyến có nhu cầu cao; tăng cường xe buýt về các huyện ngoại thành như Củ Chi, Nhà Bè…

Hành khách lập tức tăng

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, 16 tuyến xe buýt với 239 xe đời mới có đầy đủ trang thiết bị, tiện ích như máy lạnh, giám sát hành trình, camera an ninh, máy bán vé (tích hợp tiền mặt, ATM, mã QR, thẻ xe buýt). Ngoài ra, búa thoát hiểm, thùng y tế cũng được trang bị để sử dụng trong các tình huống khẩn cấp.

TP.HCM: Xe buýt lên đời, người dân hào hứng- Ảnh 2.

Ngoài chất lượng xe buýt được nâng lên, thái độ phục vụ của tài xế, lái xe là điểm cộng với những tuyến xe buýt mới.

Ông Lê Hoàn, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở GTVT TP.HCM) cho biết, qua đấu thầu, Công ty Cổ phần Xe khách Sài Gòn được khai thác 5 tuyến xe buýt số 06, 10, 50, 52, 91; Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang (Futa Buslines) khai thác 11 tuyến xe buýt có số hiệu tuyến 29, 57, 99, 141, 68, 102, 41, 16, 61, 73, 151.

"Đoàn phương tiện được trang bị mới, cộng với thái độ phục vụ tốt, nhiệt tình... kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, thu hút người dân tham gia đi lại bằng xe buýt nhiều hơn", ông Hoàn nói.

Cũng theo ông Hoàn, trong 3 tháng đầu năm 2024, khối lượng vận tải hành khách công cộng đạt 107,2 triệu lượt hành khách, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng 16 tuyến xe buýt vừa đưa vào khai thác từ ngày 1/4, bình quân mỗi ngày có 33.488 lượt hành khách, tăng 12% so với tháng 3/2024.

Đẩy nhanh đấu thầu các tuyến còn lại

Ngoài việc thay mới phương tiện, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng cũng quan tâm đến công tác bảo trì, bảo dưỡng các điểm dừng, nhà chờ, bến bãi. Đặc biệt là sửa chữa các nhà vệ sinh phục vụ miễn phí, hệ thống phòng cháy chữa cháy và các bảng thông tin điện tử trực tuyến thông báo thời gian xe đến trạm để đảm bảo tốt nhất về hạ tầng.

TP.HCM: Xe buýt lên đời, người dân hào hứng- Ảnh 3.

Hệ thống nhà chờ, nhà vệ sinh đều được nâng cấp, thu hút hành khách sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn.

Bên cạnh đó, Trung tâm thường xuyên thực hiện điều chỉnh mạng lưới tuyến xe buýt nhằm tăng cường kết nối, phục vụ người dân thuận lợi hơn. Chất lượng dịch vụ cũng được chú trọng, nâng cao và được quản lý, kiểm soát thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin.

Cũng theo ông Hoàn, hiện thành phố có 2.087 phương tiện xe buýt hoạt động trên các tuyến, có 539 phương tiện sử dụng điện, nhiên liệu sạch (521 xe buýt sử dụng CNG, 18 xe buýt điện).

Đoàn phương tiện có thời gian sử dụng dưới 10 năm chiếm tỷ lệ 85% tổng số phương tiện.Trong đó, phương tiện mới đầu tư đưa vào sử dụng dưới 5 năm chiếm tỷ lệ 23,6%. Phương tiện có niên hạn từ 16 - 20 năm chỉ còn 152 xe, chiếm tỷ lệ 7,28%.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy nhanh công tác đấu thầu các tuyến xe buýt còn lại trên địa bàn thành phố trong thời gian tới. Dự kiến vào trong tháng 5/2024 sẽ tiếp tục đưa vào khai thác 6 tuyến mới đấu thầu thành công với hơn 60 xe buýt ở các tuyến 78, 79, 9, 47, 84, 86", ông Hoàn thông tin.

Sẽ có 17 tuyến xe buýt kết nối tuyến Metro số 1

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, khi tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) được đưa vào hoạt động, nhu cầu sử dụng phương tiện công cộng sẽ rất cao, nhất là ở khu vực dọc tuyến Metro số 1 đi qua.

Qua đánh giá, Trung tâm đã nghiên cứu và đề xuất dự án "Tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên".

Theo đó, từ nay đến tháng 7/2024, Trung tâm sẽ tiến hành các thủ tục để mở mới đưa vào hoạt động 17 tuyến xe buýt xung quanh nhà ga của tuyến Metro số 1 với hơn 140 phương tiện xe buýt để phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân.

Đơn vị này cũng sẽ tập trung triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng điểm dừng, bến bãi để phục vụ cho các tuyến xe buýt nêu trên.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.