Nguyễn Hữu Toàn phát biểu tại một buổi góp ý các nội dung liên quan đến y tế trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). |
Quyền chuyển đổi giới tính đã được Quốc hội thông qua. Thông tin này giúp những người đã và đang mong muốn được chuyển giới có cơ hội trở về đúng giới tính của mình, tránh được sự kỳ thị.
Khó khăn của người chuyển giới
Trước khi Quốc hội thông qua, tại những lần hội thảo góp ý các nội dung liên quan đến y tế trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), câu chuyện một nam thanh niên chuyển giới luôn được nhắc tới. Đó là Jessica (sinh năm 1983) tên thật là Nguyễn Hữu Toàn.
Năm 18 tuổi, mong muốn trở thành con gái của Toàn trỗi dậy mãnh liệt nhưng đã gặp phải rào cản từ chính những người thân. Sống trong gia đình mình nhưng Toàn không thoải mái, không tìm được tiếng nói chung. Toàn quyết định ra đi. Qua bạn bè, người quen, Toàn tìm được việc tại các đám cưới, các quán cà phê, vũ trường. Nhờ việc đi hát, Toàn tích lũy được ít tiền rồi đi học trang điểm, hóa trang. Nhưng trong lòng Toàn vẫn không nguôi mong muốn trở về đúng giới tính của mình.
Năm 24 tuổi, khi đã có một số vốn nho nhỏ, Toàn quyết định sang Thái Lan chuyển giới từ nam sang nữ với một nỗi đau trong lòng. Ca phẫu thuật thành công, Toàn hạnh phúc vì được trở về đúng giới tính của mình. Hiện, sức khỏe của Jessica ổn định và đều đặn hàng tuần cô phải tiêm bổ sung hoóc môn và silicon.
Cũng như bao người chuyển đổi giới tính, Jessica gặp khó khăn về các giấy tờ tùy thân. Trên tất cả giấy tờ như: Chứng minh thư nhân dân, thẻ ngân hàng, hồ sơ… của Jessica đều mang tên Nguyễn Hữu Toàn, giới tính nam. Nhưng người mang tên Nguyễn Hữu Toàn giờ đây lại là một cô gái xinh đẹp.
Ông Lương Thế Huy, cán bộ phụ trách mảng người tính dục thiểu số (LGBT) của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) chia sẻ: Khi chưa được công nhận chuyển đổi giới tính, người chuyển giới gặp rất nhiều khó khăn trong các giao dịch, trong cuộc sống thường ngày về các vấn đề pháp lý như: Mua bán, thừa kế tài sản, việc làm, y tế, thậm chí là đi máy bay…
Việc phẫu thuật chuyển giới đúng ra không làm ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên, do chi phí quá cao của việc theo đuổi phẫu thuật ở nước ngoài khiến nhiều người cắt ngắn quá trình, không được chăm sóc hậu phẫu đúng cách dẫn tới ảnh hưởng sức khỏe. Việc sử dụng silicon bơm vào cơ thể cũng dẫn tới nhiều trường hợp biến chứng suốt đời hoặc tử vong.
Nhu cầu ngày càng lớn
Theo ước tính của Bộ Y tế, cả nước hiện có gần 500 nghìn người có giới tính không trùng với giới tính hiện có, tức là giới tính nam nhưng trong suy nghĩ của họ là nữ và ngược lại. Khoảng 500 - 1.000 người đã ra nước ngoài để chuyển giới. Đa phần các trường hợp muốn chuyển đổi giới tính đều phải ra nước ngoài thực hiện trong khi Việt Nam hoàn toàn có khả năng thực hiện phẫu thuật. Nhiều người đã chấp nhận các nguy cơ về sức khỏe như: Đau đớn, giảm tuổi thọ, mất khả năng sinh sản… để được chuyển giới, được sống với chính mình.
TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam hoàn toàn làm chủ được các kỹ thuật chuyển đổi giới tính. Việc chuyển từ nữ sang nam khó hơn, nhưng các bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt đều có khả năng làm được, cũng như sử dụng liệu pháp hoóc môn sau phẫu thuật.
Mặc dù được công nhận tại Việt Nam trong thời gian tới nhưng các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên cho những người có nhu cầu chuyển giới. Đó là trước khi chuyển đổi giới tính, các cá nhân cần tìm hiểu rõ những thay đổi sẽ gặp phải trong cuộc sống để tránh trường hợp hối hận sau khi chuyển đổi. “Để tạo thuận lợi cho người chuyển đổi giới tính, ngành Y tế sẽ cấp giấy xác nhận đã phẫu thuật chuyển giới, làm căn cứ khai báo các thủ tục pháp lý”, TS. Nguyễn Huy Quang cho hay.
Tính đến tháng 9/2015, có 61 quốc gia trên thế giới hợp pháp hóa việc thay đổi giới tính trên giấy tờ. Việt Nam là quốc gia thứ 62 trên thế giới, thứ 11 tại châu Á, cho phép việc thay đổi giới tính trên giấy tờ nhân thân. Thái Lan và Iran được coi là các trung tâm thực hiện chuyển đổi giới tính lớn nhất thế giới. Trong một khảo sát trên 219 người chuyển giới của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) vào tháng 9/2014, có 78,1% người được hỏi mong muốn phẫu thuật chuyển giới. 11,1% đã phẫu thuật ít nhất một bộ phận trên cơ thể (ngực, cơ quan sinh dục hoặc cả hai). |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận