Chính trị

Trả lời thẳng câu hỏi mới là chất vấn

08/06/2015, 08:07

Muốn hoạt động chất vấn thực sự có hiệu quả, các Bộ trưởng không nên quá tập trung vào báo cáo thành tích...

31
TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội

Theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, bắt đầu từ ngày 11/6, các ĐBQH sẽ tiến hành chất vấn bốn vị Bộ trưởng các Bộ: NN-PTNT, Công thương, KHCN và GD-ĐT. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ (hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ được phân công) phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan và trả lời chất vấn vào cuối phiên chất vấn buổi sáng ngày 13/6. Xung quanh nội dung này, Báo Giao thông có cuộc trao đổi với TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội.

Vẫn vòng vo, chưa đi thẳng vào vấn đề

Theo đánh giá của ông, nếu Quốc hội vẫn chỉ dành thời gian 2, 5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn như hiện nay thì có quá ít không?

Các kỳ chất vấn trước cũng chỉ quy định trong hai ngày có bốn Bộ trưởng trả lời chất vấn, tức là mỗi người trả lời chất vấn trong một buổi, với lượng câu hỏi và các vấn đề đưa ra thì thời gian như thế là phù hợp. Vấn đề ở chỗ làm sao để người đặt câu hỏi phải hỏi thẳng vào vấn đề. Qua thống kê, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp ý kiến, xác định mỗi Bộ trưởng chỉ trả lời xoay quanh hai đến ba vấn đề trọng tâm thôi, nên phải tập trung vào đó, nếu lan man thì rất khó để có thể xoáy sâu, đi đến cùng vấn đề. ĐBQH phải xác định trước sẽ hỏi Bộ trưởng nào, hỏi cái gì, đặt câu hỏi thật ngắn để tiết kiệm thời gian, không diễn giải.

Nên coi “được chất vấn”chứ không phải “bị chất vấn”

“Các Bộ trưởng không nên coi là “bị chất vấn”, mà phải coi là “được chất vấn”, tức là có một cơ hội để mình đứng trên diễn đàn nói những điều cần nói. Tất nhiên mình phải trả lời trước đòi hỏi của cử tri, nhưng đồng thời mình cũng có quyền nói về công việc của mình với xã hội. Những Bộ trưởng nào xác định được vị thế như vậy thì họ đều rất chủ động. Chứ lâu nay chúng ta luôn hiểu các vị Bộ trưởng đứng đó để mọi người dồn các vị vào chân tường là không đúng. Ngoài ra, câu hỏi chất vấn vô cùng quan trọng. Câu hỏi không có thông tin thì câu trả lời cũng chẳng có ý nghĩa gì cả”.

ĐBQH Dương Trung Quốc

Đối với Bộ trưởng, trưởng ngành được hỏi, đừng nên báo cáo, kể lể thành tích mà trả lời trực tiếp vào câu hỏi, nói rõ việc đó được hay chưa được, chưa được vì sao, nguyên nhân là gì, trách nhiệm thuộc về ai, đưa ra lời hứa thế nào? Tôi đã đến tham dự một buổi chất vấn Thủ tướng Anh, chỉ có 30 phút thôi nhưng có rất nhiều vấn đề được giải quyết. So với ở ta thì chúng ta vẫn vòng vo, chưa đi thẳng vấn đề. Người hỏi có khi cũng không nắm rõ thông tin.

Có ý kiến cho rằng, nên bớt thời gian thảo luận ở tổ để tăng thời gian chất vấn lên 3 - 4 ngày, quan điểm của ông thế nào?

Thực ra hiện nay thời gian thảo luận ở tổ rất cần thiết, nhất là khi trong kỳ họp này có nhiều luật mới quan trọng, chỉ có thảo luận ở tổ mới có điều kiện cho nhiều đại biểu phát biểu, đóng góp ý kiến mà không hạn chế thời gian phát biểu. Trên thực tế, thảo luận tại hội trường thời gian rất ít, một buổi tối đa cũng chỉ được khoảng 20 ĐBQH cho ý kiến. Mỗi người lại chỉ được phát biểu 7 phút nên nhiều khi không đủ trình bày ý kiến. Vì vậy, thảo luận ở tổ vẫn là hoạt động cần thiết, không thể bớt thời gian thảo luận được.

Cũng có ý kiến đề xuất mỗi phiên chất vấn chỉ nên có hai Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn để đi được đến cùng vấn đề mà ĐBQH nêu ra. Ông nghĩ sao về đề xuất này?

Đó cũng là một cách. Thực tế, ở ta nhiều lúc vẫn tính bình quân, tức là quan niệm Bộ trưởng nào cũng phải được chất vấn. Tôi nghĩ không nhất thiết như thế, vì các nước chủ yếu là chất vấn Thủ tướng, còn chúng ta lại chia ra cho các thành viên Chính phủ. Có lẽ chỉ nên tập trung vào một vấn đề lớn thôi, sau đó chọn người đứng đầu và chịu trách nhiệm chính trước việc đó để chất vấn.

Liên quan đến việc chọn Bộ trưởng trả lời chất vấn, ông có cho rằng, nên chủ động định hướng vào một nhóm vấn đề để quyết định người được mời chất vấn chứ không nên dựa vào số lượng câu hỏi của các ĐBQH?

Đúng là Quốc hội nên định hướng theo nhóm vấn đề, chứ còn nếu chọn người trả lời chất vấn như thế này thì lại theo tính bình quân, ai cũng phải trả lời, sau đó lại đánh giá, cho điểm, lấy phiếu, bỏ phiếu… Việc đó sẽ không hiệu quả. Nó cũng giống như hoạt động giám sát, giám sát trước đây tràn lan thì bây giờ rút kinh nghiệm, mỗi năm Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ thực hiện hai chủ đề giám sát, mỗi kỳ họp chỉ đưa ra bàn bạc về một nội dung giám sát, như thế sẽ tập trung hơn.

Lòng tin của dân quan trọng hơn chế tài pháp lý

Ông đánh giá thế nào về chất lượng của phiên chất vấn trong kỳ họp vừa qua?

Xu hướng thì những phiên chất vấn về sau ngày càng rút kinh nghiệm và ngày càng làm tốt hơn, nhưng vẫn có tình trạng câu hỏi và trả lời còn lan man, dàn trải. Cái chính là phải đi đến cùng một vấn đề để từ đó đi đến việc ra được nghị quyết, kiểm tra xem có khắc phục được hay không, có thực hiện đúng lời hứa hay không, thì cái đó chưa rõ. Bởi vậy, nhiều lúc trong nghị quyết cũng chung chung chứ chưa nêu ra được vấn đề cụ thể. Đó là còn chưa kể đến việc Bộ trưởng nào trả lời chất vấn cũng hứa, nhưng lại rất ít người thực hiện được lời hứa đó.

Vậy có nên quy định chế tài xử lý lời hứa mà không được thực hiện không, thưa ông?

Cái đó trong quy định của chúng ta chưa có. Hơn nữa, nếu là trách nhiệm pháp lý thì đúng là phải có chế tài. Còn việc chất vấn, giám sát của Quốc hội mang tính chất chính trị, mà chính trị thì cao nhất vẫn là vấn đề lòng tin, là sự đánh giá của nhân dân, của quần chúng. Cái đó có khi còn mạnh hơn cả những chế tài pháp lý.

Cá nhân ông đánh giá thế nào về việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng tại những kỳ họp vừa qua?

Ở nước ta có chuyện cứ lặp đi lặp lại, cứ hứa rồi kết quả thực hiện thế nào lại chưa rõ. Theo dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chỉ chất vấn lần này nữa thôi, còn kỳ cuối năm để Quốc hội xem xét lại lời hứa của các Bộ trưởng, trưởng ngành, xem họ đã thực hiện được gì. Việc chất vấn nên tập trung đi vào trách nhiệm chính trị, pháp lý ở tầm cao của những nhân vật chính trị. Tức là trong chất vấn không nên đi vào những vấn đề quá vụn vặt, cụ thể. Những điều đó có thể phát biểu trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, mặt nào được thì gắn với trưởng ngành, ví dụ ngành GTVT trong những năm qua có sự phát triển vượt bậc thì phải biểu dương, nêu gương người đứng đầu ngành. Còn với những ngành nào, vấn đề nào chưa làm được, còn tồn tại kéo dài thì phải quy trách nhiệm của người đứng đầu thế nào cho rõ.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.