World Cup luôn là giấc mơ của bất cứ cầu thủ bóng đá nào, là giải đấu mà mọi phóng viên ưu tú nhất trên khắp hành tinh tụ hội. World Cup nữ 2023 càng đặc biệt với truyền thông Việt Nam bởi lần đầu tiên trong lịch sử tuyển nữ Việt Nam góp mặt ở sân chơi này.
Từ người quan sát đến dấn thân
Trước khi đội tuyển nữ Việt Nam đến New Zealand để tham dự kỳ World Cup lịch sử, bóng đá nước nhà đã chứng kiến U20 hay futsal tham dự đấu trường thế giới.
Nhưng xét trên phương diện quy mô, độ chuyên nghiệp mà FIFA tạo ra cũng như môi trường báo chí mà các phóng viên trực tiếp tác nghiệp, World Cup nữ 2023 với sự hiện diện của thầy trò HLV Mai Đức Chung thật sự là trải nghiệm chưa từng có.
"Đây là một kỳ World Cup hoàn toàn khác so với những giải đấu mà suốt 20 năm qua, tôi đã hiện diện, tác nghiệp và đồng hành. Những cô gái kim cương đã giành rất nhiều huy chương Vàng ở SEA Games. Nhưng đây là sân chơi World Cup", nhà báo Trương Anh Ngọc chia sẻ trước khi tuyển nữ Việt Nam bắt đầu guồng quay World Cup.
Không đi rộng, hiểu nhiều như nhà báo Trương Anh Ngọc nhưng bản thân tôi, người có cơ hội được tác nghiệp kỳ World Cup thứ 2 liên tiếp chỉ trong vòng 8 tháng cũng có sự chuyển dịch rất lớn giữa cách tác nghiệp ở VCK World Cup 2022 tại Qatar với World Cup 2023 của tuyển nữ Việt Nam.
Với giải đấu hay nhất thế giới thuộc cấp độ ĐTQG dành cho bóng đá nam, nơi mà Việt Nam vẫn chưa có dịp hiện diện, cách mà tôi lựa chọn đồng hành là quan sát, tìm tòi và trải nghiệm, với những nhân vật là ngôi sao, huyền thoại bóng đá thế giới.
Đó có thể là cuộc trò chuyện với danh thủ Diego Forlan, cựu tiền vệ Park Ji Sung, HLV Juergen Klinsmann hay cựu HLV ĐT Thái Lan - Akira Nishino. Đấy cũng có thể là một chuyến ghi hình Cristiano Ronaldo rèn luyện thế nào cùng ĐTQG Bồ Đào Nha hay Louis van Gaal chuẩn bị thế nào cho đội tuyển Hà Lan trước một trận đấu. Và cũng rất tuyệt vời khi được tham gia chụp hình trong những trận cầu đỉnh cao mang tên World Cup.
Đó là hành trình ở Qatar nóng bỏng, giữa một mùa đông cắt da cắt thịt tại nhiều quốc gia trên thế giới trong tháng cuối cùng của năm 2022. Còn tại New Zealand lạnh giá, nơi khác biệt hoàn toàn với mùa hè bức bối của nửa trên bán cầu trong tháng 7, World Cup nữ 2023 là một sự dấn thân thật sự.
Thay vì chọn góc độ quan sát và tìm tòi, tôi hay bất cứ phóng viên nào cũng đã tận dụng tất cả mọi kỹ năng tác nghiệp, cũng như một trái tim hừng hực hướng về đội tuyển nữ Việt Nam.
Ở tâm thế người trong cuộc và cũng đóng vai trò cầu nối đưa thông tin đến người hâm mộ, những kế hoạch phỏng vấn, ghi hình được lên một cách kín kẽ xoay quanh toàn bộ thành viên của đội nhà.
"Xin chào, tôi là phóng viên đến từ Việt Nam. Đội tuyển của chúng tôi đang thi đấu ở World Cup", tôi hay bất cứ phóng viên nào của Việt Nam cũng đều hãnh diện như vậy khi giới thiệu với một tài xế công nghệ, một tình nguyện viên của FIFA hay một thành viên thuộc BTC giải đấu.
Đáp lại điều đó, tất cả cũng đều thể hiện sự tôn trọng và ngưỡng mộ, dành cho đội tuyển Việt Nam và các phóng viên thể thao đến từ đất nước hình chữ S.
Hành trình vạn dặm
Từ Hà Nội đến Auckland, thành phố lớn nhất của New Zealand và là nơi diễn ra trận đấu đầu tiên của đội tuyển nữ Việt Nam (gặp đội tuyển Mỹ) khiến tôi mất tới gần 2 ngày di chuyển trên máy bay. Những chặng bay từ Hà Nội - TP.HCM, TP.HCM - Sydney rồi Sydney - Auckland cứ nối đuôi nhau với tổng quãng đường lên đến hơn 8.000km.
Auckland cũng chưa phải là điểm cuối của hành trình di chuyển. Ngược lại, đó chỉ là nơi đầu tiên mở ra một cuộc phiêu lưu khác bên trong New Zealand, gắn liền với 3 trận đấu thách thức nhưng đầy lịch sử của các cô gái kim cương.
Như đã nói, Auckland là nơi đầu tiên diễn ra trận đấu giữa Việt Nam và Mỹ. Và đó cũng là thành phố chứng kiến một trận đấu đầy quả cảm của Huỳnh Như cùng các đồng đội trước đội tuyển nữ mạnh nhất lịch sử thế giới. Khoảnh khắc Hoàng Thị Loan, Vạn Sự, Hải Linh cười rạng rỡ, hòa vào biển người hâm mộ tại khán đài A có thể xem là những giây phút lịch sử.
Đúng ở thời điểm dạt dào cảm xúc ấy, tôi vẫn nhớ Huỳnh Như chạm nhẹ vào vai và hỏi: "Anh có thấy bố mẹ em ở đâu không?". Tôi chỉ tay về khán đài B, nơi mà từ trước màn so tài, bố mẹ của nữ đội trưởng tuyển Việt Nam hiện diện.
Huỳnh Như chạy cắt ngang sân, từ khán đài A sang khán đài B. Tôi chạy thật nhanh một vòng cung đường biên sân để kịp đón lõng nữ tiền đạo. Khoảnh khắc ghi lại thời điểm Huỳnh Như vẫy tay chào người hâm mộ, ngẩng đầu chào bố mẹ và chụp lại bức ảnh đẹp lưu lại kỷ niệm gia đình đối với một phóng viên như tôi quả thực là để đời.
Càng tuyệt vời hơn khi sau đó, một đại diện của FIFA đã liên hệ tòa soạn và cá nhân tôi để xin những đúp hình đấy làm tư liệu. Đó có thể xem là sự hãnh diện, tự hào với một phóng viên như tôi.
Tiếp nối Auckland là hành trình 200km đường bộ tới Hamilton, rồi kế đến là chuyến bay kéo dài 2 tiếng đồng hồ từ đảo Bắc xuống đảo Nam, nơi Dunedin đang phủ tuyết rơi trắng xóa.
Nhóm phóng viên chúng tôi không chỉ có dịp đồng hành với tuyển nữ Việt Nam mà còn được gặp, phản ánh những câu chuyện rất đời của những Việt kiều hay du học sinh Việt Nam đang học tập, sinh sống và làm việc tại New Zealand.
Mỗi một câu chuyện lại là một lát cắt thú vị của cuộc sống. Mỗi một thành phố lại là nơi đem đến những đặc biệt xoay quanh việc tác nghiệp tuyển nữ Việt Nam.
Trước trận đấu thứ 2 với Bồ Đào Nha, HLV Mai Đức Chung mặc một bộ suit ghi xám đầy lịch lãm bước vào phòng họp báo. Câu hỏi của tôi như khiến vị chiến lược gia 73 tuổi cởi bỏ một chút áp lực về chuyên môn cũng như được giãi bày về cuộc đời: "Những dịp quan trọng của người đàn ông đều gắn liền với những bộ suit. Trước bộ suit mà ông đang mặc, cho một trận đấu ý nghĩa tại World Cup là bộ suit ông khoác lên trong ngày đi hỏi vợ. Những cột mốc ấy đem lại sự chiêm nghiệm nào với ông?", tôi hỏi.
HLV Mai Đức Chung đáp lại bằng câu nói: "40 năm trước, bộ suit ấy có ý nghĩa với cuộc đời tôi. Còn sau 40 năm, bộ suit này là dấu mốc quan trọng của nghề nghiệp. Cả hai với tôi đều trân quý và là kỷ niệm của đời người"…
Phòng họp báo rộn ràng tiếng vỗ tay. Những phóng viên nước ngoài thông qua mic phiên dịch cũng cảm nhận được những trải lòng chân thành của vị tướng già 73 tuổi. Họ dành cho ông sự tôn trọng về một tấm chân tình, nhiệt huyết với nghề, với bóng đá nữ Việt Nam.
Dọc đường tác nghiệp ở New Zealand là những câu chuyện với đầy ắp cảm xúc. Khép lại trận đấu cuối cùng với Hà Lan, các cô gái áo đỏ tham gia hoạt động thiện nguyện, với việc ủng hộ những bình nước còn nguyên cho một ngôi chùa Việt Nam tại Auckland, trước khi ra sân bay trở về nước.
Cái gật đầu của Huỳnh Như, cái vẫy tay có phần e thẹn của Chương Thị Kiều, nụ cười tỏa nắng nơi Hoàng Thị Loan hay cả lời hỏi thăm của HLV Mai Đức Chung khiến cho tôi cảm thấy ấm lòng, khi những nỗ lực trên phương diện tác nghiệp ở New Zealand được đội tuyển nữ Việt Nam trân trọng, quan tâm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận