SEA Games 32 thực sự là dịp để tất cả cùng thắp lên ngọn đuốc của tinh thần dân tộc theo cách riêng của mỗi người. Và những ngày tác nghiệp ở SEA Games 32, tôi may mắn được chứng kiến rất nhiều khoảnh khắc như vậy.
Người Việt nhớ về cội nguồn
Tác giả và nữ tiếp viên hàng không Pich Sokheng
“Em là người gốc Việt Nam nè anh ơi, anh lưu số em đi, cần gì ở Campuchia cứ gọi em”, cô tiếp viên của hãng hàng không quốc gia Campuchia bất ngờ thay đổi ngôn ngữ khi phát hiện tôi đang mặc trang phục của đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32.
Kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á 2023 bắt đầu với tôi bằng một chuyến bay thú vị. Tôi nhận được lời chúc của anh hải quan sân bay rằng: “Giành vàng em nhé”. Tôi không phải vận động viên nhưng tôi đơn giản đang khoác chiếc áo có lá cờ Tổ quốc trên ngực trái. Niềm vui và một chút xúc động vụt lên, tôi hiểu cảm giác của các vận động viên.
Trên chuyến bay của mình, tôi loay hoay với một vài thông tin trước khi hạ cánh. Pich Sokheng - cô tiếp viên xinh đẹp và thân thiện tiến đến. Pich giải đáp mọi câu hỏi bằng tiếng Anh. Nhưng khi biết phía đối diện là người Việt Nam, Pich Sokheng trở nên vui vẻ lạ thường. Cô nàng 23 tuổi bắt đầu sử dụng ngôn ngữ của quê ngoại.
Pich Sokheng có bố là người Campuchia và mẹ là người Việt Nam. Cô và em trai vẫn thường xuyên sử dụng tiếng Việt như ngôn ngữ song hành. Nữ tiếp viên hào hứng: “Tôi đang tìm 15 vé xem các trận đấu của U22 Việt Nam. Tôi muốn mời tất cả phi hành đoàn và đoàn tiếp viên chuyến bay đến cổ vũ Việt Nam. Tôi luôn rất tự hào vì một phần dòng máu Việt Nam”.
Trước tấm chân tình của cô, tôi không do dự liên hệ với một vài cầu thủ của U22 Việt Nam để xin cho cô tấm vé. Thật bất ngờ, nhiều tuyển thủ U22 Việt Nam biết rõ về Pich Sokheng.
Một năm về trước, chính cô là người hỗ trợ nhập cảnh và công tác hậu cần cho U23 Việt Nam tại giải U23 Đông Nam Á trên đất Campuchia. Đó là giải đấu mà U23 Việt Nam bị tàn phá lực lượng vì dịch Covid-19. Cô còn được các cầu thủ tặng một chiếc áo đấu làm kỷ niệm.
Cô nàng coi đó là một món “bảo vật” và luôn mặc nó đến tất cả trận đấu của U22 Việt Nam. Pich Sokheng không ngần ngại xin nghỉ phép vài ngày để cổ vũ cho đội bóng quê hương của mẹ.
Đặt chân đến Phnom Penh, tôi biết đến anh Lê Minh Hùng - một người Việt Nam có cơ ngơi kinh doanh hoành tráng ở nước bạn.
Gặp anh Hùng, tôi có thoáng chút bất ngờ bởi anh giản dị và chẳng có vẻ hào nhoáng của những doanh nhân lắm tiền, nhiều của.
“Tôi mua mấy trăm vé cũng không đủ. Gặp Thái Lan hay đội nào cũng thế thôi, người Việt Nam ở bên này muốn được tụ họp và cổ vũ cho quê hương mình. Do đó, các trận đấu luôn đông kín khán giả và cháy vé. Người Việt ở đâu cũng vậy, xa quê nhưng luôn nhớ về cội nguồn”, anh Hùng bùi ngùi.
Đem Việt Nam thân thiện ra thế giới
Tác giả chụp ảnh cùng tái xế taxi dọc đường tác nghiệp
SEA Games 32 là dịp để tất cả cùng thắp lên ngọn đuốc của tinh thần dân tộc theo cách riêng của mỗi người và bằng hành động đơn giản. Hãy bắt đầu với câu chuyện của các vận động viên, những hình ảnh không có trên sàn đấu.
Vẫn còn những cách khác, ví dụ nhảy TikTok cùng tất cả vận động viên nước bạn. Một số vận động viên Việt Nam hòa cùng điệu nhảy TikTok đang trở thành “trend” trên mạng xã hội này.
Từng bài nhạc của mỗi nước được bật lên, vận động viên của 11 nước cùng tình nguyện viên chủ nhà hòa chung vào điệu nhảy, không có khoảng cách nào cả. Một Việt Nam cường thịnh nhưng thân hiện dần hiện hữu với bạn bè quốc tế.
Nguyễn Ngọc Trâm - vận động viên giành HCV nội dung kata đồng đội nữ môn karate thể hiện tình yêu đất nước theo cách thiêng liêng nhất.
Đang chụp ảnh cùng đồng đội và vận động viên nước bạn, khi Quốc ca Việt Nam vang lên, cô lập tức đứng nghiêm trang và hát vang Quốc ca. Chỉ cần Quốc ca vang lên, hãy đặt tay lên ngực trái và thể hiện niềm tự hào.
Vẫn còn nhiều hình ảnh tuyệt vời khác, nhưng người viết muốn nói trải nghiệm của chính bản thân mình. Cùng nhiều đồng nghiệp tham gia đưa tin, tác nghiệp tại Campuchia, tôi có những cách riêng để thể hiện tình yêu quê hương, đất nước.
Bằng vốn ngoại ngữ ít ỏi của mình, tôi luôn nói với từng nhân viên, từng tình nguyện viên, thậm chí là anh lái taxi, nhân viên lễ tân khách sạn rằng: Việt Nam là một đất nước tươi đẹp, người Việt Nam luôn chào đón tất cả bạn bè quốc tế, trong đó có Campuchia.
Tối 7/5, tôi vẫy vội chuyến taxi từ khách sạn lưu trú đến với địa điểm lắp đặt màn hình lớn, trình chiếu trận đấu giữa U22 Campuchia và U22 Myanmar. Thật tiếc, tôi không còn lưu giữ được tên người lái taxi vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng câu chuyện ngắn ngủi trong vòng 10 phút cũng đủ khiến tôi tự hào.
“Ồ, bạn là người Việt Nam, đến tham dự SEA Games đúng không?”, anh tài xế nhiệt thành đặt câu hỏi. Sau khi biết thắc mắc của mình là chuẩn xác, anh chàng người Campuchia nói về những trải nghiệm với Việt Nam.
“Đó là những người bạn dễ mến, người Việt Nam rất chan hòa và tốt bụng. Nhưng tôi ấn tượng với cách họ đến sân và xem bóng đá. Cách đây vài ngày thôi, tôi chở họ đến sân để cổ vũ U22 Việt Nam. Cảnh tượng thật không thể tin nổi, hàng ngàn người ở quanh sân vận động”, anh chàng tài xế hào hứng.
Được đà câu chuyện, tôi nói: “Dĩ nhiên rồi, bóng đá là cách để người dân Việt Nam chúng tôi thể hiện tinh thần yêu nước mà. Chúng tôi không yêu bóng đá đến vậy, chúng tôi yêu 2 tiếng “Việt Nam” thiêng liêng. Bởi vậy, anh có thể thấy rằng khi đội tuyển bóng đá và các đội thể thao của Việt Nam đi đến nước nào thì cũng có người hâm mộ cổ vũ”.
Sarith Chhai - anh chàng lễ tân nơi tôi lưu trú suốt kỳ SEA Games có lẽ cảm nhận rõ nhất tinh thần Việt Nam. Bởi, khách sạn này không chỉ có mình tôi mà còn nhiều đồng nghiệp Việt Nam lựa chọn làm nơi ở.
Cứ sau mỗi trận đấu của U22 Việt Nam và đội tuyển nữ Việt Nam, nhóm phóng viên chúng tôi trở về trong niềm hân hoan chiến thắng dù đồng hồ thường đã điểm 12h đêm. Sarith luôn là người đợi cửa để đón chúng tôi.
“Xin chúc mừng các bạn, tôi biết Việt Nam lại thắng rồi”, Sarith hòa chung niềm vui với các vị khách. Thu nhập của chàng trai 23 tuổi không cao. Công việc lễ tân ở Phnom Penh chỉ giúp anh có được chưa tới 5 triệu đồng/tháng. Con số ấy vừa vặn với nhu cầu tối thiểu nhất cho cuộc sống ở Thủ đô.
Tôi chia vui với Sarith bằng cách đơn giản nhất, tôi mời anh lễ tân vui tính ấy một lon Coca Cola, món anh chàng rất thích nhưng không phải khi nào cũng có thể mua. Cuộc trò chuyện có khi kéo dài đến 2h sáng. Sarith hỏi nhiều về Việt Nam và tại sao người Việt có thể làm giàu ngay tại Campuchia.
Sarith nuối tiếc bởi chưa được đến dải đất hình chữ S dù quê anh là một tỉnh rất gần biên giới Việt Nam.
Kết thúc trận đấu với U22 Malaysia, một thành viên ban huấn luyện U22 Việt Nam chia sẻ hình ảnh đầy xúc động. Hàng trăm cổ động viên là người Việt Nam tại Campuchia đội mưa tầm tã vẫy tay chào chiếc xe chở các cầu thủ. Tôi hiểu, sức mạnh của thể thao Việt Nam chính là hiện thân cho khát khao, tinh thần dân tộc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận