Phim "Kẻ ăn hồn" đang ăn khách ở rạp với doanh thu tính đến nay là khoảng 65,5 tỷ đồng và được xem là một bộ phim gây ấn tượng với đại chúng nhờ vào những yếu tố mang màu sắc văn hóa dân gian đưa vào phim.
Yếu tố khiến cho phim "Kẻ ăn hồn" hưởng lợi
Bộ phim "Kẻ ăn hồn" do ProductionQ sản xuất, đạo diễn là Trần Hữu Tấn, kịch bản của Thảo Trang có yếu tố thuận lợi là phát triển từ tập phim "Rượu sọ người" trong series phim "Tết ở làng địa ngục" gây sốt trên Netflix trong thời gian vừa qua.
Chính vì vậy nên bộ phim được nhiều khán giả háo hức đón nhận trên màn ảnh rộng nhờ vào hiệu ứng từ trên Netflix. Có thể xem đây là phần tiền truyện của series phim "Tết ở làng địa ngục".
Bản thân đạo diễn Trần Hữu Tấn cũng có thể xem là một đạo diễn chuyên về thể loại phim kinh dị mang màu sắc văn hóa dân gian. Trước đây anh từng làm các bộ phim "Bắt kim thang", "Chuyện ma gần nhà" song chưa thật sự được chú ý.
Còn người viết kịch bản Thảo Trang là một nhà văn nữ cũng chuyên viết thể loại kinh dị và thậm chí còn xác định đây là hướng sáng tác chính của mình, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại. Đây là một điều đáng ghi nhận bởi vì biên kịch là nữ vốn ít ỏi, mà theo đuổi thể loại kinh dị lại càng ít ỏi hơn.
Được biết Thảo Trang cũng đã từng viết tiểu thuyết kinh dị "Kẻ ăn hồn" song chưa từng xuất bản và kịch bản này là viết theo yêu cầu của nhà sản xuất, hoàn toàn không phải là chuyển thể. Bản thân bộ phim cũng là sự kết hợp của nhiều diễn viên thuộc nhiều thế hệ ở cả hai miền Nam-Bắc.
Nhận xét về bộ phim "Kẻ ăn hồn", nhà văn Đức Anh (Người sáng lập công ty sách Linh Lan Books chuyên về thể loại sách kinh dị, trinh thám) cho biết, anh đánh giá cao bộ phim:
"Kịch bản tốt theo xu hướng chuẩn của Holywood cao trào, kịch tính đều thu hút và hấp dẫn. Đoàn làm phim đã mời những diễn viên không hẳn là ngôi sao của showbiz Việt nhưng là diễn viên có thực lực, diễn xuất tốt như Hoàng Hà, Lan Phương, Chiều Xuân, Ngọc Thư… cùng với những diễn viên trẻ, mới vào nghề, tạo thành sự kết hợp đa dạng.
Đoàn làm phim cũng có một chiến lược quảng bá khéo và thông minh, nhấn mạnh vào yếu tố phim kinh dị Việt khai thác chất liệu văn hóa dân tộc, không làm cho công chúng thấy hụt hẫng khi xem phim.
Bản thân việc quay song song hai bộ phim 'Tết ở làng địa ngục' và phim 'Kẻ ăn hồn' ở một địa điểm tại Hà Giang cũng đã giúp tiết kiệm kinh phí, công sức của đoàn làm phim rất nhiều".
Tuy nhiên, nhà văn Đức Anh cũng nhấn mạnh rằng đây là một bộ phim hoàn toàn mang tính thương mại. Vì vậy yếu tố nghệ thuật không phải là điều mà bộ phim hướng đến.
Một hướng đi mới của phim kinh dị kiểu Việt
Tác phẩm mở màn với cảnh đám cưới của Phong (Hoàng Hà đóng) và Sang (Võ Điền Gia Huy) tại một ngôi làng hẻo lánh, tách biệt với thế giới xung quanh. Tại ngôi làng này, mọi người sống cô lập với bên ngoài bởi một lời nguyền không thể xuống núi đã có từ thuở xưa. Tại lễ cưới, Phong nhận ra một người phụ nữ bí ẩn, lạ mặt.
Sau đám cưới, hàng loạt cái chết xảy ra thê thảm, ghê rợn và Phong quyết định đi tìm sự thật đằng sau những cái chết ấy để bảo vệ những người còn sống. Bộ phim dần dần hé lộ những bí mật có liên quan đến nhân vật Thập Nương (Lan Phương đóng), một linh hồn nắm giữ bí thuật luyện loại rượu sọ người.
Trên nhiều Group chuyên về phim ảnh, nhiều khán giả cho biết họ ấn tượng với phim ở việc đưa chất liệu văn hóa dân gian vào phim: đó là hình ảnh con rối; cảnh đám cưới với đoàn người mặc cổ phục Việt với áo ngũ thân; giao lĩnh; Mặt nạ chuột do đoàn người đeo gợi nhớ đến một bức tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng là "Đám cưới chuột";...
Họa sĩ hình ảnh trong phim là Duy Văn, một họa sĩ trẻ đang nổi và được công chúng chú ý với hướng khai thác và nét vẽ mang màu sắc dân gian rất rõ. Việc khai thác chất liệu văn hóa dân gian như phim "Kẻ ăn hồn" có lẽ là một hướng đi mới, đáng khuyến khích của dòng phim kinh dị Việt.
Khâu hóa trang rất ấn tượng với chuyên gia Chang Belivia. Nhiều hình ảnh trong phim tạo cảm giác rùng rợn với những chi tiết xác người đầy lỗ khiến cho khán giả nào mắc chứng bệnh sợ lỗ (trypophobia) phải ớn lạnh sợ hãi.
Bối cảnh quay cũng thu hút khán giả bằng vẻ đẹp u ám, ma mị, đậm chất vùng cao với những cảnh con đò chở vong hồn, cảnh luyện tà thuật, ... tạo bầu không khí bí ẩn, quỷ dị.
Nếu xét riêng về phương diện hình ảnh, thì đây là một bộ phim được chăm chút và khiến cho khán giả mãn nhãn về mặt thị giác.
Nhịp phim "Kẻ ăn hồn" chưa thật đồng đều. Có lẽ phần đầu phim vì lạm dụng hình ảnh nên nhịp phim còn chậm, lan man. Phần cuối phim thì lại kết thúc có phần nhanh, tạo cảm giác hẫng hụt.
Sự kết hợp giữa hai dàn diễn viên Nam-Bắc không phải là điều mới mẻ trong phim Việt nữa, nhất là ở một bộ phim kinh dị. Song sự chênh lệch về diễn xuất của các diễn viên là khá rõ rệt.
Ngoài những diễn viên nổi tiếng, có thực lực, đã được ghi nhận như NSƯT Chiều Xuân, NSƯT Ngọc Thư, nghệ sĩ kỳ cựu Viết Liên, thì Hoàng Hà trong vai Phong diễn xuất tốt, nhất là ở cách thể hiện tâm lý nhân vật, dẫn dắt được nội dung phim mà nét diễn không bị quá lố hay khiên cưỡng. Vai diễn này của Hoàng Hà cho thấy sự tiến bộ và đa dạng hơn so với thời diễn vai Dao Ánh trong trẻo trong phim "Em và Trịnh".
Tuy vậy diễn xuất và đài từ của Võ Điền Gia Huy chưa tốt, sự thể hiện còn đuối so với các bạn diễn khác, đặc biệt là khi so với Hoàng Hà, người đóng cặp với mình.
Khai thác chất liệu văn hóa dân tộc cần sự tinh tế và hiểu biết
Việc các dòng phim lịch sử, cổ trang, trinh thám, tiểu sử… của Việt Nam khai thác chất liệu từ văn hóa dân tộc không còn là điều mới mẻ. Song với dòng phim kinh dị thì chưa thật chú ý việc khai thác này.
Đa phần phim kinh dị Việt Nam được làm theo hơi hướng phương Tây hay remake (làm lại) từ kịch bản nước ngoài. Đạo diễn Trần Hữu Tấn có thể xem là một trong số rất ít đạo diễn đi tiên phong theo hướng dùng chất liệu văn hóa dân gian đưa vào phim kinh dị Việt.
Được biết nhà sản xuất cũng có kế hoạch đưa bộ phim này đi chiếu ở 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ, Đài Loan và nhiều nước châu Á.
Thế nhưng khai thác chất liệu văn hóa dân tộc thế nào cho phù hợp, đúng cách, không gây phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục là một vấn đề cần lưu ý không chỉ cho phim "Kẻ ăn hồn" mà còn cho những phim Việt Nam khác.
Được biết bộ phim này đã phải trải qua ba lần kiểm duyệt, với sự vào cuộc của cả Cục Di sản và Ủy ban Dân tộc. Bộ phim đã phải cắt một số cảnh nhạy cảm như con rối là làm mờ đi; một số cảnh làm phép ma thuật bị cắt do rùng rợn; cắt một số cảnh thuỷ đình (múa rối nước); chính vì vậy mà thời lượng dành cho nhân vật Thập Nương bị ít đi, làm cho chỉnh thể bộ phim cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, trở thành một điểm trừ của chính phim.
Như vậy, việc chỉnh sửa sau kiểm duyệt cũng là một vấn đề, vừa thêm công việc, vừa tốn kém cho đoàn làm phim.
Do vậy cần xác định rõ những ranh giới khi làm phim theo xu hướng này. Khai thác văn hóa dân tộc là hướng đi tốt, nhưng khai thác không khéo léo, quá đà, sa vào vi pham thì không chỉ ảnh hưởng đến khán giả, mà quan trọng nhất là ảnh hưởng đến những người trong cuộc cùng với những cơ quan có thẩm quyền.
Nhận xét về phim này, một quan chức (giấu tên) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: "Đây là một bộ phim kinh dị nặng về khai thác yếu tố thương mại. Phim ăn khách là điều đáng mừng sau nhiều lần kiểm duyệt, chỉnh sửa với những cân nhắc, đắn đo từ phía các cơ quan chức năng. Cũng cần lưu ý rằng doanh thu cao là một định hướng mà chiến lược công nghiệp văn hóa của Việt Nam đang hướng đến.
Do vậy từ quan điểm cá nhân tôi, tôi cho rằng phim này nên được ủng hộ. Song vẫn cần lưu ý những chi tiết khai thác từ văn hóa dân gian sao cho phù hợp nếu muốn tiếp tục làm phim theo kiểu này".
Là một người viết, tôi luôn kỳ vọng vào các bộ phim chuyển thể từ tác phẩm. "Kẻ ăn hồn" cũng là một tác phẩm như thế, nằm trong quyển tiểu thuyết "Tết ở Làng địa ngục" của tác giả Thảo Trang. Đặc biệt hơn khi tôi đã có dịp xem series này trên Netflix nên càng mong đợi bản điện ảnh rất nhiều.
Về phần hình ảnh tôi thấy đẹp và chỉn chu. Từ bối cảnh cho đến trang phục, ngay cả hóa trang cũng khiến người xem bất ngờ vì quá chân thậ. Tôi thích nhất là các yếu tố mang tính biểu tượng của Việt Nam được sử dụng khéo léo như chiếc áo dài, chiếc võng,… nhưng vẫn có cảm giác phim hơi giông giống phim cổ trang kiếm hiệp một chút.
Diễn viên các miền cũng được "hòa giọng" trong các phần thoại. Các diễn viên trẻ được tạo điều kiện để thể hiện tài năng diễn xuất của mình bên cạnh sự nâng đỡ của nhiều diễn viên gạo cội. Riêng phần nội dung tôi thấy còn nhiều chỗ chưa đã.
Ví như đoạn kết, Thập Nương dễ dàng bị đánh bại dù cho quyền phép đoạn này có vẻ như thượng thừa lắm rồi. Giá mà có thể có cách "xử lý" thú vị hơn. Ngoài ra "câu chuyện lời nguyền" thực sự là lời nguyền thật chứ không phải là do một tác động nào đó như kỳ hoa dị thảo hay phấn độc côn trùng,… Mà đã là lời nguyền thì muốn nguyền đằng nào cũng được.
Quan điểm cá nhân tôi vẫn cực kỳ thích bộ phim bởi tính mới và sự đầu tư. Tuy nhiên nếu có thể tôi vẫn mong trước khi ra rạp, các bộ phim chất lượng như thế này sẽ được góp ý nhiều hơn bởi những những có những góc nhìn khác nhau từ nội dung cho đến hình ảnh. Tôi tin bộ phim vẫn sẽ là một sự lựa chọn thú vị cho người xem trong thời gian này.
MC – Nhà văn Đặng Thiên Phong
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận