Một cảnh tiết mục “Đêm tân hôn” trong gameshow “Bí mật đêm chủ nhật” |
Gameshow nhảm chiếm sóng giờ vàng
Điểm qua loạt game show truyền hình đang chiếm sóng giờ vàng hiện nay, bên cạnh những gameshow ca nhạc, không khó để bắt gặp những gameshow hài như Đấu trường tiếu lâm, Tuyệt chiêu siêu diễn (Điền Quân Media sản xuất); Cười xuyên Việt (KMedia sản xuất); Bí mật đêm chủ nhật, Kỳ phùng địch thủ (Đông Tây Promotion sản xuất)… Nhiều chương trình ra mắt khiến sự cạnh tranh ngày một tăng. Thế nhưng, sự cạnh tranh này không làm chất lượng các chương trình tăng lên mà ngược lại, xu hướng dung tục hóa lại ngày càng lên ngôi khiến khán giả khó chấp nhận.
Trong đó, Bí mật đêm chủ nhật (phát sóng 21h chủ nhật trên kênh HTV7) và Tuyệt chiêu siêu diễn (phát sóng 21h thứ tư trên HTV7) là hai gameshow bị nhiều khán giả chỉ trích. Sự xuất hiện của các danh hài hải ngoại Vân Sơn, Quang Minh, Hồng Đào trong mùa hai của Bí mật đêm chủ nhật được nhiều người trông đợi, sẽ mang lại màu sắc mới mẻ, văn minh hơn cho chương trình. Thế nhưng, thay vào sự kỳ vọng là nỗi thất vọng lớn của người xem khi chương trình lạm dụng quá đà các ngôn ngữ, hình ảnh dung tục và có phần phản cảm trên sân khấu. Ở tập 2, trong khi Vân Sơn sờ soạng Hồng Đào trong tiểu phẩm Đêm tân hôn thì nữ diễn viên này lại có những lời nói, hành động nhạy cảm không kém như áp sát vào người các đồng nghiệp nam hay lăn lê, dạng chân trên sân khấu trong tiểu phẩm Đi coi bói.
Chúng ta đang xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Những chương trình về văn hóa thì buộc phải xem xét, đánh giá chất lượng rồi mới cấp phép để không rơi vào trạng thái thả nổi văn hóa”. NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam |
Cũng trong tập 2, khách mời Long Nhật khiến khán giả nổi da gà, ớn lạnh với những màn uốn éo, nựng nịu, ôm hôn nam diễn viên khác. Còn diễn viên Quang Minh cũng làm nhiều người “sốc” khi đòi cắt… “của quý” của bạn diễn. Dù không thốt thành tiếng, nhưng khẩu hình của Quang Minh vẫn bị khán giả nhận ra. Hay với nội dung hẹn hò dưới gốc dừa trong tập 3, Hồng Đào vô tư nói với Vân Sơn: “Mình đừng hẹn nhau ngoài vườn nữa mà về nhà hẹn nhau trên giường đi anh”. Các chi tiết, ngôn từ tục tĩu, nhạy cảm trên sân khấu cũng khiến khán giả phải đỏ mặt.
Đã một thời gian dài, các gameshow khai thác một cách kịch liệt trò giả gái để gây cười. Những tưởng trò “xưa như Diễm” này nay đã lơi lỏng thì mới đây, chương trình Tuyệt chiêu siêu diễn phát sóng trên kênh HTV7 lại khiến nhiều người hoang mang vì mức độ không thể nhảm hơn của gameshow này.
Trước khi lên sóng, Tuyệt chiêu siêu diễn được nhà sản xuất quảng cáo rầm rộ là gameshow mang tính giải trí cao, kết hợp cả âm nhạc và khả năng diễn xuất. Bên cạnh khả năng hát nhép, các thí sinh phải biết diễn sao cho hài hước, sáng tạo. Thế nhưng, sau bốn tập phát sóng, khán giả không thấy những tiết mục được đầu tư công phu về nội dung, sáng tạo… mà chỉ thấy những màn giả gái tràn lan đến lố lăng. Gần như không có tập nào không có những tiết mục giả gái. Không chỉ vậy, tên gọi Tuyệt chiêu siêu diễn nhưng nhiều tiết mục chỉ đứng hát nhép chứ không hề có sự diễn xuất nào.
Lỗi tại ai?
Đã có không ít các gameshow bị cơ quan quản lý xử phạt vì sử dụng những hình ảnh và ngôn ngữ phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục và gây ảnh hưởng xấu tới khán giả. NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho hay, tất cả gameshow bao giờ cũng gắn với văn hóa của xã hội. Gameshow có thể mang hình thức tuyên truyền văn hóa, tác động tới nhận thức của nhiều lớp công chúng. Do đó, những chương trình thiếu văn hóa sẽ tác động xấu tới khán giả và vô tình dẫn tới sự mai một văn hóa dân tộc, vi phạm đạo đức và thuần phong mỹ tục của người Việt, khiến giới trẻ không biết lựa chọn và từ đó làm nảy sinh các tệ nạn xã hội.
Ông Thọ nhìn nhận, những gameshow có nội dung nhảm nhí, tục tĩu không nên phát triển trên sóng truyền hình, bởi nó làm méo mó tính chân - thiện - mỹ, làm hỏng chất lượng nghệ thuật của một tiểu phẩm sân khấu. Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam bày tỏ sự băn khoăn khi những hình ảnh hút thuốc lên sóng truyền hình còn bị cấm, vậy tại sao những lời nói, hình ảnh dung tục, phản cảm như vậy vẫn vô tư xuất hiện trên sóng truyền hình? Phải chăng sự quản lý của các cơ quan chức năng còn quá lơi lỏng và thả nổi?
Theo đại diện Phòng Phát thanh truyền hình (Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử), theo quy định hiện nay, tất cả nội dung phát sóng của các đơn vị truyền hình đều do các đơn vị tự chịu trách nhiệm. Các cơ quan quản lý thường xuyên định hướng, nhắc nhở và xử lý vi phạm. Vừa qua, đã có nhiều chương trình game show như Chết cười, X factor, Cuộc đua kỳ thú đã bị xử phạt vì những hình ảnh, ngôn từ chưa phù hợp …
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc không bắt buộc kiểm duyệt các nội dung trước khi phát sóng đã giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ quan báo chí (trong đó có đài truyền hình) nhưng quy định này phần nào đã bị các nhà sản xuất lợi dụng để "lách luật", tìm cách “câu” khán giả bất chấp chiêu trò và đạo đức nghề nghiệp.
Về vấn đề này, NSND Lê Tiến Thọ khẳng định, sự xuống cấp về văn hóa trong các gameshow gần đây có một phần trách nhiệm của cơ quan quản lý, bởi công chúng và nghệ sĩ chỉ theo quy luật cung - cầu. Các nhà quản lý phải sát sao hơn, buộc các nhà sản xuất và nghệ sĩ phải xây dựng những tiết mục tuyên truyền văn hóa có chất lượng nghệ thuật và phải thực hiện đúng những quy định của Chính phủ về biểu diễn, phát hành, băng đĩa băng hình trên thông tin đại chúng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận