Đường bộ

Trắng đêm mở đường cứu nạn: "Mình không làm, ai vào được để giúp dân?"

"Nói không sợ thì không đúng. Nhưng lúc đó, mình không làm thì bao giờ lực lượng chức năng mới vào được để cứu người dân?", công nhân Phan Hưng Thịnh chia sẻ về việc tham gia thông quốc lộ 34, mở đường cứu nạn vào huyện Nguyên Bình, Cao Bằng.

Trắng đêm trên đường

Trời đang mưa, đường đang lở, nhưng cán bộ, công nhân giao thông vẫn nỗ lực thông vệt xe an toàn trên quốc lộ 34, giúp lực lượng chức năng sớm triển khai công tác cứu hộ cứu nạn tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

"Đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn chưa hoàn hồn. Nếu hôm đó, máy xúc không đột nhiên hỏng khi đang làm, chúng tôi cũng đến bãi đất trống đó để nghỉ. Vị trí đó trống trải, là an toàn nhất…", kỹ sư Lôi Quốc Bình (SN 1971), Hạt trưởng Hạt quản lý đường bộ số 1, Công ty CP Quản lý đường bộ Cao Bằng kể lại thời khắc đêm trước xảy ra vụ sạt lở khiến 34 người chết và mất tích ở huyện Nguyên Bình. 

Trắng đêm mở đường cứu nạn: "Mình không làm, ai vào được để giúp dân?"- Ảnh 1.

QL34 đoạn Km 180+680 nơi xảy ra vụ sạt lở đẩy 2 xe ô tô cùng nhiều xe máy xuống suối làm 34 người chết và mất tích.

Bãi đất trống mà kỹ sư Bằng nhắc tới chính là nơi chiếc xe khách và xe con, cùng nhiều xe máy gặp nạn đã dừng lại khi đường sạt.

Theo kỹ sư Bình, từ ngày 7/9, tại huyện Nguyên Bình có mưa to. Hạt số 1 quản lý từ Km 152 - Km 200 QL34. Trước khi bão vào công ty đã bố trí 1 máy xúc tại đoạn này để sẵn sàng thông đường khi xảy ra sạt lở.

Từ sáng sớm đến chiều ngày 8/9, trên đoạn tuyến có một số vị trí sạt lở, nhưng khối lượng ít nên được hốt dọn, thông đường ngay sau đó. Đến 19h tối cùng ngày, trời bắt đầu mưa xối xả, kèm theo gió lớn. Anh Bình cùng một tuần đường đang hốt dọn đoạn Km 180+300 thì máy xúc bất ngờ bị hỏng.

Đúng lúc này, đất đá từ trên núi ào ào sạt xuống, chắn cả phía trước và phía sau, khiến 2 người bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Hai người lùi máy đến một vị trí khá trống trải rồi chui vào cabin ngồi nghỉ. Đường sạt, thông tin liên lạc mất hẳn.

Đến khoảng 3h sáng ngày 9/9, một khối đất đá cùng cây cối trên núi bất ngờ đổ ập xuống, một cây thông đổ vào máy xúc. Thấy không an toàn, cả hai nhảy ra khỏi máy, đứng giữa trời mưa gió. 

"Mình không làm, ai vào cứu dân?"

"Đến khoảng 7h sáng, đoàn cán bộ xã Ca Thành đi đến, qua trao đổi, tôi mới biết sạt lở đất đã đẩy 2 xe ô tô, nhiều xe máy xuống suối. Vị trí đó cách chúng tôi không xa. Tôi cùng mấy cán bộ xã lội bùn ngập, có chỗ đến thắt lưng để đi ra. Đến Km 180+680, đập vào mắt chúng tôi là khung cảnh tan hoang. 

Trắng đêm mở đường cứu nạn: "Mình không làm, ai vào được để giúp dân?"- Ảnh 2.

Công nhân ngành đường bộ tiếp tục hốt dọn, mở rộng đường tại các điểm sạt lở trên QL34.

Xác định có thương vong lớn nên tôi vội leo lên đỉnh Ca Thành rồi dò tìm sóng điện thoại điện về báo tình hình cho công ty khẩn trương mở đường vào cứu hộ. Lúc này, ở phía dưới, đoàn cán bộ xã đã tìm thấy 1 người bị thương và 2 thi thể. Đến chiều 9/9, tuyến quốc lộ 34 hướng từ trung tâm huyện vào được thông đến vị trí các xe gặp nạn",  anh Bình kể.

Sinh ra, lớn lên rồi có 25 năm làm nghề duy tu bảo dưỡng các tuyến đường ở Cao Bằng nhưng chưa khi nào anh trải qua tình cảnh như vậy. "Khi nghe tin có xe gặp nạn trong Ca Thành, bố mẹ và vợ ở nhà khóc cạn nước mắt vì không liên lạc được", kỹ sư Bình vẫn chưa hết bàng hoàng kể.

Trong khi đó, công nhân lái máy xúc Phan Hưng Thịnh (SN 1987) - Công ty TNHH Xây dựng Trường Lộ (cũng là một đơn vị quản lý tuyến quốc lộ 34 ở tỉnh Cao Bằng) cũng thừa nhận: "Nói không sợ thì không đúng. Nhưng lúc đó, mình không làm thì bao giờ lực lượng chức năng mới vào được điểm cứu hộ cứu nạn người dân?

Cả chục nghìn khối đất đá đã no nước từ trên núi chực chờ sạt xuống. Có vị trí đang hót dọn phía dưới thì phía trên ào một cái. Rồi nhiều điểm vừa được hót dọn, bảo đảm thông đường cho xe đi qua, sau đó lại bị sạt lở, ách tắc, anh em phải quay lại để xử lý tiếp".

 Mục tiêu cao nhất: Sớm thông đường

Nhớ lại thời điểm thần tốc thông đường quốc lộ 34, để lực lượng chức năng tiếp cận, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, ông Đàm Văn Tiến, Giám đốc Công ty CP Quản lý đường bộ Cao Bằng thông tin: Trước ngày 8/9, mưa gió đã khiến quốc lộ 34 bị sạt lở nhiều điểm nhỏ, nhưng đều được công ty bố trí máy móc hót dọn.

Trắng đêm mở đường cứu nạn: "Mình không làm, ai vào được để giúp dân?"- Ảnh 3.

Một điểm sạt lở taluy dương nghiêm trọng trên QL34.

Từ đêm 8/9 đến rạng sáng 9/9, mưa lớn kéo dài khiến quốc lộ 34 sạt lở nghiêm trọng ở rất nhiều vị trí. Nhiều cán bộ, công nhân của công ty đang lúc làm nhiệm vụ, bị sạt lở đất gây chia cắt, phải trắng đêm trên đường, không thể liên lạc. Cùng với đó, tin xấu từ Nguyên Bình liên tục được truyền về.

"Trước tình thế trên, mặc dù quốc lộ 34, đoạn từ TP Cao Bằng đến thị trấn Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình không thuộc trách nhiệm quản lý của mình nhưng ngay khi nhận được điều động của Sở GTVT tỉnh Cao Bằng, chúng tôi đã huy động thêm 11 máy múc kết hợp với 5 máy múc hiện có trên tuyến cùng tham gia thông đường ngay.

Mục tiêu duy nhất lúc đó là thông các điểm sạt lở một cách nhanh nhất. Không cần biết đường do đơn vị nào quản lý, công tác xác định khối lượng, thanh toán thế nào", ông Tiến nói.

"Một phút cũng là vàng"

Là người trực tiếp chỉ huy công tác bảo đảm giao thông trên tuyến sau cơn bão số 3, ông Đàm Đức Văn, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Cao Bằng cho biết: Ngay khi nhận được thông tin xảy ra sạt lở đất, gây thiệt hại nặng nề tại các huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc và Bảo Lâm trong khi tuyến đường độc đạo quốc lộ 34 đang bị sạt lở, chia cắt, Sở đã thành lập tổ chỉ huy, trực tiếp đến hiện trường, phối hợp cùng các lực lượng quân đội, công an và chính quyền địa phương huy động tối đa máy móc đến hỗ trợ dọn đường.

Trắng đêm mở đường cứu nạn: "Mình không làm, ai vào được để giúp dân?"- Ảnh 4.

Công nhân làm việc cật lực để xử lý nhanh các điểm sạt lở.

Tuy nhiên, đường một bên là núi cao, bên còn lại là vực sâu nên công địa thi công rất hạn hẹp. Máy xúc bánh lốp tính cơ động cao nhưng khó tiếp cận điểm sạt lở, đặc biệt là khi thời tiết đang xấu. Ngược lại, máy xúc bánh xích tuy dễ trèo bùn để tiếp cận các điểm lở đất nhưng việc di chuyển trên đường lại rất chậm.

"Lúc đó, một phút cũng là vàng. Sở đã có sáng kiến dùng đầu kéo rơ-moóc vận chuyển máy múc bánh xích từ TP Cao Bằng vào hiện trường để thay thế các máy bánh lốp", ông Văn kể.

Khi đó, công tác triển khai thi công tại hiện trường gặp rất nhiều khó khăn do thiếu thốn cả nhân, vật lực, nhất là thiếu xăng dầu, toàn huyện mất điện, mất liên lạc với bên ngoài. 

"Ngoài lực lượng của ngành giao thông, các lượng lượng khác cũng được huy động hỗ trợ cảnh giới phân luồng, giải tỏa ách tắc từ xa. 

Nhờ đó, chỉ sau hơn 1 ngày, với hàng chục máy móc, nhân công làm việc cật lực, các điểm sạt lở đã được xử lý bước 1, giúp lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường, triển khai cứu nạn tại xã Ca Thành và Yên Lạc - những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất do sạt lở đất tại huyện Nguyên Bình khiến 54 người chết, 18 người bị thương", ông Văn cho hay.

Bão số 3 và hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão đã khiến quốc lộ 34 bị sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng, gây chia cắt tại 121 vị trí. Trong đó, khối lượng sạt lở taluy dương là khoảng 660.000m3 tại 620 điểm, gây tắc đường 104 vị trí. Đến nay đã khắc phục, thông xe được 100%.

Ngoài ra, mưa lũ còn gây hư hỏng khoảng 2.500m2 mặt đường, tại 24 vị trí và hư hỏng 1.500m hộ lan tôn sóng… Đến nay, các điểm sạt lở, hư hỏng đều đã cơ bản được khắc phục bước đầu, bảo đảm ATGT trên toàn tuyến, phục vụ tốt công tác hỗ trợ người dân phục hồi sau thảm họa thiên tai.

Ám ảnh hiện trường vụ sạt lở đất khiến 34 người chết và mất tích ở Cao BằngÁm ảnh hiện trường vụ sạt lở đất khiến 34 người chết và mất tích ở Cao Bằng

Cảnh tượng tan hoang cùng hình ảnh bánh kẹo, hương khói viếng những nạn nhân xấu số bên mép đường - nơi xảy ra vụ sạt lở đất khiến 34 người chết và mất tích khiến nhiều người ám ảnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.