Xã hội

Trắng đêm trên QL1 ngăn dịch tả lợn châu Phi vào Nam

15/03/2019, 17:24

Lực lượng chứ năng lập chốt kiểm dịch động vật trên QL1, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện, ngăn dịch tiến vào Nam.

img
Kiểm tra phương tiện chở lợn tại chốt Vĩnh Chấp (Quảng Trị)

Trắng đêm ở chốt kiểm dịch

0h35 ngày 14/3, xe BKS 37C- 20315 từ Bắc vào tự giác dừng xe tại khu vực kiểm tra tại chốt kiểm dịch trên QL1 xã Vĩnh Chấp (Quảng Trị, giáp tỉnh Quảng Bình). 185 con lợn thịt trên xe được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An cấp ngày 13/3, có giá trị đến ngày 16/3, nơi đi là một công ty có trụ sở tại huyện Nam Đàn (Nghệ An) và nơi đến cuối cùng tại Vũng Liêm (Vĩnh Long). Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn xác nhận số lợn này đảm bảo an toàn, đã được khử trùng tiêu độc…

Ông Bùi Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế đường sắt cho biết, việc phòng chống các loại dịch là hoạt động thường quy trong ngành. Ngay từ đầu mùa dễ xảy ra dịch bệnh như mùa xuân, mùa hè, trung tâm đã ra văn bản hướng dẫn các đơn vị vận tải khi vận chuyển thực phẩm có nguồn gốc từ động vật hoặc phục vụ hành khách trên tàu phải có giấy xác nhận đã qua kiểm dịch của các cơ quan chức năng. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch. Trung tâm cũng đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị thực hiện cho đúng quy định.
Hơn nữa, trong thể lệ vận chuyển bằng đường sắt quy định rõ, không vận chuyển động vật sống trên toa xe khách chung với hành khách. Đối với gia súc, gia cầm sống được phép vận chuyển trên tàu hàng, tàu hỗn hợp khách - hàng cũng vậy, đều phải có giấy xác nhận đã qua kiểm dịch, không mắc bệnh, an toàn, mới được vận chuyển bằng đường sắt. Vì đây là hoạt động thường quy, nên khi dịch xảy ra, thì y tế dự phòng các đơn vị trong ngành và trung tâm chủ yếu theo dõi diễn biến dịch tại các khu vực lân cận địa bàn đường sắt để có biện pháp xử lý nhanh. Nếu xảy ra tại địa bàn đường sắt, lập tức xử lý bao vây, dập dịch ngay.
“Thực ra qua theo dõi nhiều năm nay, việc vận chuyển lợn trên tàu hàng, tàu hỗn hợp rất ít. Trong khi đó, quy định của ngành đường sắt về vận chuyển động vật sống nghiêm ngặt như vậy nên khả năng lan dịch qua vận chuyển bằng đường sắt không đáng ngại. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục kiểm tra trên tàu, dưới ga và các địa bàn đường sắt khác để chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót trong phòng, chống dịch”, ông Dũng nói.

Sau khi kiểm tra thủ tục kiểm dịch, anh Phạm Quang Nguyên, cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú ý tiến hành phun khử trùng tiêu độc xe và lợn, rồi bắc thang trèo lên thùng “soi” kỹ từng con lợn. Ghi nhận của PV Báo Giao thông, tùy theo xe lớn hay nhỏ, việc kiểm tra lâm sàng và khử trùng tiêu độc mỗi xe khoảng 5 phút. Tất cả gia súc, gia cầm dừng lại kiểm tra, phun khử trùng tiêu độc tại chốt đều được ghi chép vào sổ cẩn thận.

Ông Trần Văn Kỳ, Trưởng phòng Kiểm dịch - Chi cục Chăn nuôi và Thú ý tỉnh Quảng Trị cho biết: Từ khi hoạt động ngày 9/3 đến rạng sáng 14/3, các lực lượng ứng trực 24/24h tại chốt Vĩnh Chấp dừng, kiểm tra, phun khử trùng tiêu độc trên 40 xe chở lợn từ phía Bắc vào. Xe chở nhiều nhất 185 con, xe chở ít nhất 7 con.

Trước đó, PV cũng đã có mặt tại chốt kiểm dịch trên QL1 qua xã Phong Thu (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế). Trong số 8 xe chở 1.125 con lợn được kiểm tra thủ tục thú y, khử trùng tiêu độc mà PV ghi nhận từ 17h40 đến 21h ngày 13/3, ngoài các xe tải thùng lớn chở lợn từ các tỉnh Phú Thọ, Hải Dương vào Nam, có nhiều xe tải cỡ nhỏ chở lợn từ Hà Tĩnh, Quảng Trị và các xã phía Bắc huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) vào các lò mổ tại Huế, Đà Nẵng.

Ông Trương Công Thành, Trưởng phòng Thanh tra Chi cục Chăn nuôi và Thú ý tại chốt Phong Thu cho biết: Ngày 12/3, chốt Phong Thu đã kiểm tra, khử trùng tiêu độc 17 xe, 2.400 con lợn; ngày 11/3 là 14 xe, 1.900 con lợn…

img
Phun khử trùng tiêu độc xe và lợn trên xe tại chốt Phong Thu

Chặn đường “Nam tiến” của dịch

Công tác phòng, chống xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn đang được các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế tập trung triển khai rốt ráo như tinh thần “chống giặc”, đồng thời tuyên truyền để không gây hoang mang, bán tháo lợn hay quay lưng với thịt lợn sạch… đã được Thủ tướng nhấn mạnh ngày 4/3.

Tỉnh Quảng Trị đã lập hai chốt kiểm dịch trên QL1 và đường HCM thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Thừa Thiên - Huế, bố trí lực lượng liên ngành kiểm tra 24/24h tại chốt kiểm dịch trên QL1 tại Phong Thu và Lộc Thủy (huyện Phú Lộc).

Đến ngày 14/3, lực lượng chức năng Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế chưa phát hiện trường hợp xe vận chuyển lợn không có giấy kiểm dịch và cũng chưa phát hiện dịch trên địa bàn… Tuy nhiên, lãnh đạo hai tỉnh vẫn liên tục có văn bản hướng dẫn, đôn đốc các lực lượng chức năng triển khai các giải pháp ngăn ngừa dịch trên địa bàn, đồng thời góp phần “chặn đường” Nam tiến của dịch.

Theo ông Trương Công Thành, trường hợp xe vận chuyển lợn có giấy kiểm dịch nhưng phát hiện có lợn trên xe chết, những con chết sẽ tiến hành chôn hủy ngay, trường hợp xe vận chuyển lợn không có thủ tục kiểm dịch sẽ tiến hành tiêu độc, lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời xe đó bị xử lý vi phạm hành chính và cách ly trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm mẫu để xử lý.

Hoang mang không biết nguồn lây dịch tả lợn châu Phi

Chiều 14/3, Bộ NN&PTNT họp khẩn về giải pháp khống chế ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan. Tính tới thời điểm hiện tại, dịch bệnh nguy hiểm này đã xuất hiện tại 52 huyện của 17 tỉnh, thành phố với số lợn mắc dịch phải tiêu hủy lên tới 23.442 con. Đáng chú ý, tới nay vẫn chưa có ổ dịch nào qua được 30 ngày (thời hạn được cho là an toàn tạm chấm dứt dịch). Trong đó, nóng nhất vẫn là hai địa phương bị dịch đổ bộ đầu tiên là Thái Bình và Hưng Yên.
Cụ thể, ông Nguyễn Minh Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho hay, con số công bố điểm có dịch chính thức tại 37 xã của 7 huyện với tổng số lợn phải tiêu hủy hơn 4.200 con, tuy nhiên tới nay các huyện còn lại cũng đang báo tin có lợn chết với cùng triệu chứng dịch tả châu Phi. Tương tự, ông Phạm Văn Xuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng thừa nhận dịch đang lây nhanh theo chiều hướng xấu. “Tới nay, dịch có mặt tại 86 xã, 5 huyện, tổng số lợn phải tiêu hủy 10.778 con. Đáng chú ý, sau vài ngày ngưng nghỉ, liên tiếp 3 ngày vừa qua dịch bùng phát mạnh trở lại, trung bình mỗi ngày chúng tôi phải tiêu hủy khoảng 1.200 con lợn”, ông Xuyên nói.
Diễn biến dịch phức tạp, có điểm lây lan rộng, có nơi lại “nhảy” theo kiểu xôi đỗ song đại diện các tỉnh tới nay hầu hết đều tỏ ra hoang mang khi không rõ cơ chế lây lan từ đâu. Tiêu biểu, tại Bắc Kạn, nơi dịch vừa xảy ra tại một xã thuộc huyện Ngân Sơn. “Điểm phát hiện dịch rất cách biệt đường quốc lộ, không có đường lớn vào thôn. Chỉ có một con lợn mắc dịch. Tới giờ chúng tôi cũng chưa biết nguyên nhân lây ở đâu ra”, bà Đỗ Thị Minh Hoa - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn phân trần…
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Xuân Tiến đặt vấn đề: Tại sao dịch chỉ xảy ra ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chứ chưa có ở các trang trại chăn nuôi quy mô lớn? “Nếu không giải quyết cặn kẽ giải pháp an toàn sinh học thì rất khó kiểm soát. Ngoài vôi bột, ở các trang trại lớn người ta còn phun thuốc sát trùng. Vừa rồi, tỉnh nào ra quân đồng bộ, chặt chẽ thì dịch được khống chế tốt, chẳng hạn như Hà Nội hay Nam Định”, ông Tiến phân tích.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, mặc dù đã có sự chuẩn bị ứng phó từ trước song với con đường lan truyền rất phức tạp, có những trường hợp chưa rõ nguyên nhân, nên tới nay dịch tả lợn châu Phi vẫn khó kiểm soát triệt để. Trong khi đó, diễn biến tình hình thời tiết tại miền Bắc lại đang rất phù hợp cho virus dịch này phát triển và lây lan. Nhấn mạnh hai điểm nóng là Đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc rất có thể sẽ trong tình trạng dịch phủ kín và lây lan vào miền Nam. “Nếu không giữ được để cho dịch vào miền Nam, nơi trọng điểm chăn nuôi lợn thì thiệt hại sẽ vô cùng lớn”, ông Cường nhấn mạnh.

Hoàng Ngân

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.