Nhiều người dân làng O Gia (Ia Pếch, Oa Grai, Gia Lai) bày tỏ bức xúc khi 3 trang trại heo được thông qua quy hoạch và xây dựng ngay trên nguồn nước chung của làng.
Nguồn nước tự chảy (giọt nước) của ngôi làng bị bỏ hoang do nhiễm mùi hôi từ trại heo.
Dân bỏ nguồn nước chung
2 năm trở lại đây, khu vực giếng nước tự chảy (thường gọi giọt nước) ở khu vực thung lũng suối đầu làng O Gia (Ia Pếch) gần như vắng bóng người.
Điểm nước tự chảy của ngôi làng này đã bị nhiễm thứ nước bẩn màu đen và có mùi thối từ trang trại heo cách đó chừng vài trăm bước chân.
Dẫn chúng tôi tới khu vực giọt nước, ông Siu Thôn (làng O Gia) cho biết, giọt nước này được làng xây dựng từ bao đời nay.
Tại đây được đầu tư xây dựng hệ thống gom, lọc nước bằng xi măng, ống nước tự chảy, bệ giặt và thoát nước.
Hệ thống nước này lấy nước ngầm chảy ra từ bờ đất, sau đó gom lại thành vũng rồi chảy qua hệ thống hứng nước để người dân sử dụng.
"Dọc suối dài dốc, chỉ bờ đất này chọn được làm giọt nước chảy. Ngày xưa người làng chọn nơi lập làng, nơi lấy nước và nơi chôn cất là rất quan trọng.
Trước đây, mỗi buổi chiều khi đi làm về người dân thường tụ tập ở giọt nước đầu làng, nơi đây bao giờ cũng xôn xao, nhộn nhịp.
Giờ thì nước này bẩn rồi. Người dân uống đau bụng, trẻ con không dám tắm. Không còn ai sử dụng nên cỏ dại um tùm.
Trước đây, dân làng dùng nước tự chảy để tắm giặt, mang về ăn uống sinh hoạt gia đình. Nhưng giờ nước này bẩn rồi. Nó nhiễm phân trên trại heo xả xuống", ông Thôn nói và cho biết: "Người làng giận lắm!"
Tại điểm nước vẫn chảy, nhưng hầu như không hề thấy bất kỳ một người dân nào trong làng đến tắm gội hay lấy nước về sử dụng.
Nhiều ống nước bằng sắt đã dần hoen rỉ, cây dại mọc um tùm, bùn đất bồi lắp mảng gạch nền lót phía dưới sàn nước.
Hình ảnh này trái ngược với một biểu tượng văn hóa gắn liền với đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Khi thấy chúng tôi đến thăm khu vực giọt nước làng O Gia, nhiều người trong làng này đã đến bắt chuyện.
Chị Siu Nghe cho hay, làng nghi ngờ 3 trang trại xả chất thải màu đen xuống khu vực suối. "Sau những trận mưa lớn, nước ở con suối gần chỗ nước giọt trở nên đen kịt, mùi hôi trở nên nồng nặc hơn".
Dùng flycam bay để quan sát, chúng tôi phát hiện các hố chứa nước thải, phân heo nằm phía trên quả đồi, còn giọt nước của làng thì ở ngay phía dưới. Chỉ cách nhau chưa tới trăm mét.
Qua thiết bị ghi hình, chúng tôi phát hiện một con mương rộng gần 2 m, sâu khoảng 10 m phía dưới là dòng nước đen kịt.
Điểm cuối của con mương đen kịt này là 3 trang trại heo. Đến gần hơn, chúng tôi thấy nước từ hàng rào của khu vực chăn nuôi vẫn còn chảy.
Trang trại heo có vị trí hố nước xả thải cách nguồn nước của làng vài trăm mét.
Trang trại heo chui?
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Khôn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Ia Pếch cho biết, 3 trang trại trên thuộc hộ chăn nuôi quy mô hộ gia đình, gồm: ông Ngô Văn Tuấn, Nguyễn Hữu Hạnh và bà Trần Thị Ái Liên.
Các trang trại xây sát cạnh nhau vào thời điểm năm 2021. Đến nay, cả 3 trang trại này đã thực hiện chăn nuôi heo và đều bị người dân phản ứng về gây ô nhiễm nguồn nước và gây mùi hôi.
Cũng theo ông Tuấn, giữa tháng 5/2023, qua kiểm tra hiện trạng, xã ghi nhận có 3 khu nhà đang chăn nuôi heo với số lượng heo là 2.000 con, có 3 hồ xử lý chất thải lót bạt nhưng chỉ có 1 hồ đã che đậy bằng bạt.
Tại vị trí trang trại của 3 hộ trên các quạt thông gió từ khu chăn nuôi đã khuếch tán mùi hôi ra môi trường (thổi hướng về khu dân cư làng O Gia).
Do đó, UBND xã đã yêu cầu chủ trang trại thực hiện đúng các cam kết bảo vệ môi trường, đồng thời thực hiện thêm các biện pháp che đậy toàn bộ các hồ chứa chất thải, dùng các vật liệu che các quạt thông gió, trồng thêm cây phân tán để tránh việc rò rỉ chất thải và phát tán mùi hôi ra môi trường xung quanh.
Mới đây, người dân lại báo lên xã về trang trại heo xả thải về phía nguồn nước làng O Gia. Hiện xã đã cử cán bộ phối hợp với thôn làng để kiểm tra, đi tìm điểm xả thải.
"Có thể trang trại heo lợi dụng mưa to, ban đêm để xả nước chảy", ông Tuấn nói.
Đặt câu hỏi về việc cấp phép xây dựng trại heo trên nguồn nước ở làng O Gia, ông Tuấn cho biết đã lấy ý kiến của làng, của người dân.
Liên quan đến vụ việc trên, ông Đỗ Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết: "Cả 3 trang trại heo đều chưa được phép chăn nuôi do chưa hoàn thiện thủ tục giấy phép về môi trường trong chăn nuôi. Xã cũng như người dân đã phản ánh với đoàn đại biểu HĐND tỉnh tại buổi tiếp xúc cử tri mới đây".
“Đối với 3 hộ kinh doanh này, dù đã thực hiện đăng ký kinh doanh nhưng muốn kinh doanh thì phải được cấp phép về môi trường mới được phép triển khai hoạt động chăn nuôi.
Tuy vậy, thời gian qua, các trang trại này chưa cấp phép đảm bảo môi trường những vẫn ngang nhiên triển khai các hoạt động chăn nuôi làm ảnh hưởng đến môi trường.
Tất cả các hoạt động chăn nuôi đều phải thực hiện đúng quy định, đặt biệt là vấn đề đảm bảo về môi trường càng phải thực hiện nghiêm ngặt hơn”, Phó chủ tịch UBND huyện Ia Grai nói.
Đối với nguồn nước làng O Gia bị ô nhiễm như phản ánh, ông Đông cho biết sẽ kiểm tra và tìm hiểu việc này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận