Đưa bệnh nhân máu khó đông về với nhịp sống
Từ cuối năm 2023, cậu con trai của chị T.T.G (Thanh Hóa) vốn mắc bệnh máu khó đông (hemophilia) đã được điều trị dự phòng bằng tác nhân đông máu mới, nhờ đó mà sức khỏe ổn định hơn. Cậu bé hầu như không còn chảy máu và không phải chịu những cơn đau.
Nhớ lại thời gian trước đó, chị G cho hay, khi chưa đầy 4 tuổi, con đã 2 lần xuất huyết não và rất nhiều lần phải nhập viện cấp cứu vì căn bệnh máu khó đông này. Điều trị ở bệnh viện nhi không hiệu quả, con trai chị G được chuyển về Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học – Truyền máu trung ương. Lúc này gia đình mới biết con có chất ức chế yếu tố VIII (bị kháng thuốc) và đó cũng là nguyên nhân khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn hơn. Sau 8 tháng điều trị giải trừ ức chế yếu tố VIII, cậu bé chính thức được điều trị dự phòng.
Xót xa hơn là gia đình chị N.T.T (Hòa Bình) khi cả hai cậu con trai của chị đều mắc bệnh máu khó đông. Khó khăn, vất vả tăng bội lần khi hầu như tuần nào cũng phải nhập viện truyền thuốc điều trị. Căn bệnh khiến tuổi thơ của 2 cậu bé chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường, mọi sinh hoạt cá nhân đều cần sự hỗ trợ từ bố mẹ.
"Rất may mắn khi gia đình đưa con đến Viện Huyết học và truyền máu trung ương khám, các con được điều trị dự phòng, số lần chảy máu giảm hẳn. Các con không còn phải chịu đau đớn, được đi học đều đặn và chơi đùa cùng các bạn. Nhờ khoa học tiến bộ và các bác sĩ tại Trung tâm Hemophilia hỗ trợ, cuộc sống của con đã có hy vọng và gia đình cũng đỡ áp lực hơn", chị T chia sẻ.
Viện Huyết học – Truyền máu TW là cơ sở đầu tiên trên cả nước triển khai điều trị dự phòng liều thấp, áp dụng cho một số nhóm người bệnh.
Kết quả cho thấy, tần suất chảy máu ở người bệnh đã giảm từ 36,6 lần/năm xuống còn 10,6 lần/năm khi được điều trị dự phòng liều thấp bằng yếu tố đông máu tiêu chuẩn; còn 5,9 lần/ năm khi điều trị dự phòng bằng yếu tố đông máu có tác dụng kéo dài.
Giải pháp hiệu quả giúp giảm chảy máu
TS.BS Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học – Truyền máu TW chia sẻ: Khi bị chảy máu trong cơ khớp tái phát nhiều lần mà không được điều trị kịp thời, người bệnh hemophilia sẽ phải chịu đau đớn, bị biến dạng cơ khớp, không thể đi lại bình thường. Nếu người bệnh bị chảy máu ở những cơ quan quan trọng như xuất huyết tiêu hoá, xuất huyết não… sẽ để lại những di chứng nặng nề, thậm chí là tử vong sớm.
Điều trị dự phòng chảy máu là phương pháp điều trị thiết yếu đối với người bệnh hemophilia. Đó chính là việc sử dụng thường xuyên, định kỳ tác nhân đông máu nhằm ngăn ngừa chảy máu, giúp người bệnh có cuộc sống gần như người bình thường.
Với người bệnh hemophilia mức độ nặng, một năm có thể chảy máu 40 – 50 lần, còn người bệnh mức độ trung bình chảy máu từ 3-5 lần/ 1 năm. Nếu bệnh nhân được bổ sung định kỳ các tác nhân đông máu, sẽ giúp chuyển một người bệnh mức độ nặng sang mức độ trung bình thì sẽ giảm được rất nhiều các đợt chảy máu.
Được biết, bệnh máu khó đông là rối loạn đông máu di truyền do thiếu hụt yếu tố VIII, yếu tố IX là những yếu tố cần thiết cho quá trình tạo cục máu đông. Gen sản xuất yếu tố VIII/yếu tố IX nằm trên nhiễm sắc thể giới tính, di truyền lặn vì vậy người bệnh thường là nam giới và người phụ nữ là người mang gen bệnh. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 30.000 người mang gen hemophilia.
Các triệu chứng của thiếu hụt yếu tố VIII (thể hemophilia A) và yếu tố IX (thể hemophilia B) là giống nhau, người bệnh thường xuất hiện:
– Các mảng bầm tím lớn;
– Chảy máu trong cơ và khớp (cảm giác ngứa ran, nóng, đau, cứng khớp), nhất là các khớp gối, khớp khuỷu tay và khớp cổ chân;
– Các chảy máu bên trong cơ thể không rõ nguyên nhân;
– Chảy máu kéo dài sau một vết cắt, sau nhổ răng hoặc sau phẫu thuật;
– Chảy máu kéo dài sau khi bị tai nạn, nhất là sau chấn thương vùng đầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận