Cơ quan Giao thông London không gia hạn giấy phép hoạt động cho Uber từ ngày 1/10 tới |
Cuối tuần qua, Cơ quan Giao thông Thủ đô London, Anh ra quyết định không gia hạn giấy phép hoạt động đối với công ty dịch vụ đặt xe qua ứng dụng điện thoại Uber, gây bất ngờ cho hàng chục nghìn tài xế hợp tác và hàng triệu người sử dụng dịch vụ tại London.
Không gia hạn giấy phép hoạt động từ 1/10
Cơ quan Giao thông London thông báo không gia hạn giấy phép hoạt động của Uber vì lý do công ty này “không đáp ứng đủ và không phù hợp” để hoạt động trong thành phố thủ phủ của xứ sở sương mù. Giấy phép của Uber sẽ hết hạn vào ngày 30/9 tới.
Theo nhà chức trách London, cách tiếp cận của Uber đối với các báo cáo từ khách hàng về vi phạm nghiêm trọng của tài xế và cách họ giải thích khi sử dụng phần mềm để ngăn các nhà làm luật, giới thực thi pháp luật giám sát ứng dụng là không phù hợp.
Mặc dù Uber xuất thân từ Mỹ nhưng có 2 bang tại nước này là Austin và Alaska không cho phép dịch vụ đặt xe này hoạt động. Còn tại khu vực châu Á, dịch vụ Uber đang thua lỗ nặng trên thị trường lớn nhất thế giới - Trung Quốc và buộc phải bán cổ phần cho đối thủ Didi Chuxing. Ở Đài Loan, dịch vụ này bị đình chỉ sau khi Uber đối mặt với mức phạt lên tới hàng triệu USD từ chính quyền. Tuy nhiên, Uber đã đạt được thỏa thuận để sử dụng các công ty cho thuê ô tô dưới nhãn hiệu Uber nhưng dịch vụ này vẫn bị hạn chế. Tại Australia, khu vực Northern Territory hoàn toàn cấm Uber sau tuyên bố không thay đổi luật pháp để hợp pháp hóa Uber. Họ sẽ đánh giá lại Uber trong một ngày gần đây nhưng hiện tại dịch vụ đặt xe vẫn “bị lạnh nhạt” tại lãnh thổ này. |
Là người “hoàn toàn ủng hộ” quyết định trên của Cơ quan Giao thông London, Thị trưởng London Sadiq Khan cho biết: “Tất cả các công ty tại London đều phải hoạt động theo luật pháp, tuân thủ các tiêu chuẩn cao để đem lại an toàn cho hành khách. Cung cấp một dịch vụ sáng tạo không đồng nghĩa phải hy sinh sự an toàn và an ninh của người tiêu dùng”, ông Khan nói.
Phóng viên công nghệ của BBC Rory Cellan-Jones nhận định: “Dù mới chỉ hoạt động trong thời gian ngắn nhưng Uber đi đến đâu, gần như cũng đụng độ với giới chức. Chiến lược của Uber thường là vào một thành phố nào đó, tìm cách lách hoặc phá một số luật sau đó xin lỗi. Dù giới chức một số nước yêu cầu chấn chỉnh nhưng vẫn ủng hộ, tuy nhiên một số khác yêu cầu công ty này ra khỏi địa phương họ”.
Sự việc lần này đánh dấu một mâu thuẫn khác giữa Uber và giới chức địa phương khi hoạt động tại các thành phố trên thế giới. Hiện nay, Uber đang bị cấm tại không ít đất nước, thành phố trên quy mô toàn cầu. Cụ thể, tại Châu Âu, có 4 nước là Bulgaria, Đan Mạch, Italia, Hungary đã và chuẩn bị cấm Uber. Đáng chú ý tại Đan Mạch, nước này bắt buộc phải lắp công-tơ-mét trên taxi, đồng nghĩa Uber không phù hợp và buộc phải rút khỏi thị trường này trong năm 2017. Italia sớm hoàn tất quy định để cấm dịch vụ đặt xe qua ứng dụng điện thoại sau khi xem xét và đánh giá hoạt động của doanh nghiệp này đã vi phạm cạnh tranh không công bằng.
600.000 người ký bản kiến nghị ủng hộ Uber
Dù vậy, xét ở khía cạnh khác, Uber mang đến công việc cho hơn 40.000 tài xế hợp tác và dịch vụ nhanh gọn, thuận tiện cho khoảng 3,5 triệu người tại London. Quyết định cấm hoạt động của Uber, đồng nghĩa hàng chục nghìn tài xế bỗng chốc mất việc hoặc không có thêm nguồn thu để cải thiện cuộc sống. Như câu chuyện của cô Giuliana Ingegneri có bố là ông Adriano đang là tài xế hợp tác với Uber.
Ông Adriano kết hợp công việc hợp tác với Uber và một số công việc kinh doanh làm sạch thảm của gia đình từ tháng 12 năm ngoái. “Bố tôi mắc bệnh béo phì nên ông muốn một công việc linh động để vừa kiếm tiền, vừa dành thời gian tham gia các buổi điều trị y tế. Đôi khi ông làm 20 giờ/ngày, kiếm khoảng 300 bảng Anh, có những hôm ông chỉ kiếm được 8 bảng/ngày.
Với quyết định trên của chính quyền địa phương, gia đình Giuliana cũng như bao tài xế hợp tác với Uber khác rất lo lắng về tài chính trong tương lai. “Quyết định này đẩy hàng nghìn tài xế mất việc, kéo họ vào cuộc chạy đua tìm việc mới”, cô Ingegneri chia sẻ.
Về phần mình, công ty Uber tuyên bố sẽ kháng cáo ngay lập tức. Họ có 21 ngày để thực hiện thủ tục và có thể tiếp tục hoạt động trong thời gian tiến hành thủ tục kháng cáo. Song song với đó, Uber cũng khởi tạo một đơn kiến nghị trực tuyến kêu gọi người dân London phản đối quyết định của Cơ quan Giao thông London.
Bản kiến nghị viết: “Nếu quyết định này được thi hành, nó sẽ đặt hơn 40.000 tài xế có giấy phép vào cảnh mất việc, bỏ lỡ hình thức giao thông thuận tiện, vừa túi tiền của hàng triệu con người. 3,5 triệu người London đang dựa vào Uber để có một chuyến đi an toàn, đáng tin cậy vòng quanh thành phố này sẽ rất sửng sốt vì quyết định cấm Uber hoạt động tại Thủ đô London”.
Chỉ trong thời gian ngắn khoảng 2 ngày, đã có ít nhất 600.000 người ký vào bản kiến nghị. Giám đốc tại Anh của tổ chức Change.org, bà Kajal Odedra nhận định, đây là đơn kiến nghị trực tuyến có tốc độ thu thập chữ ký nhanh nhất từng thấy tại Anh trong năm nay. “Tốc độ này thể hiện chiến dịch trực tuyến có sức mạnh như thế nào? Và cũng thể hiện tiếng nói của cư dân mạng đã trở thành một phần trong cuộc tranh luận giữa Chính phủ và doanh nghiệp ra sao”, bà Odedra nói.
Theo BBC, anh Glenn Gathercole, đến từ London, là một trong hàng trăm người ký vào đơn kiến nghị chia sẻ, mục đích anh ký vào đơn này vì: “Uber đã cung cấp một phương tiện thiết thực thay thế cho xe taxi sang trọng và xe taxi loại nhỏ vốn có bảng giá rất cao. Hình thức giao thông này hoạt động hiệu quả, an toàn và tiết kiệm hơn các hình thức khác”.
Về phía Chính phủ, phản ứng trước đơn kiến nghị với lượng chữ ký tăng nhanh chóng mặt, Thị trưởng Khan cho biết: “Tôi hiểu, Uber đã trở thành một dịch vụ ưa dùng với nhiều người London. Nhưng nếu Cơ quan Giao thông London vẫn cấp phép cho Uber khi công ty này tiềm ẩn những mối đe doạ tới an toàn và an ninh của người dân London, thì đó là sai lầm rất lớn”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận