Bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" gây tranh cãi xôn xao trên các diễn đàn
Bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” nằm trong chùm thơ 3 bài của tác giả Tòng Văn Hân vừa đoạt giải B (không có giải A) của cuộc thi thơ báo Văn Nghệ (2019-2021) trở thành tâm điểm tranh cãi trên mạng xã hội 2 ngày qua. Có người khen bài thơ nhân vân, cũng có người nhận định đây là “bài thơ dở nhất nước”, hoặc “không phải thơ”.
Nhà văn Khuất Quang Thụy, Tổng biên tập Báo Văn nghệ, Trưởng BTC cuộc thi đã có những trao đổi với Báo Giao thông xoay quanh những ồn ào này.
Bài thơ của tác giả Tòng Văn Hân gây tranh cãi “nảy lửa” những ngày qua khi được trao giải thưởng. Báo Văn nghệ có tiêu chí gì cho giải thưởng này, thưa ông?
Cuộc thi nào cũng có những tiêu chí chấm giải riêng. Ở cuộc thi này, bài thơ đoạt giải nhất phải đáp ứng được tiêu chí tạo được ấn tượng lớn, mạnh mẽ trong dư luận và có cống hiến về những mặt khác. Các giải thưởng thấp hơn cũng đến từng mặt, từng khía cạnh chứ không phải toàn bích.
Chùm thơ của anh Tòng Văn Hân và Nguyễn Văn Song (đồng giải B - PV) đoạt giải đến từ từng mặt chứ không phải những tác phẩm hoàn hảo, và đây là đánh giá của Hội đồng Chung khảo. Với tư cách là Nhà tổ chức, chúng tôi ủng hộ quyết định của Hội đồng Chung khảo. Họ là những nhà thơ uy tín, có kinh nghiệm nên họ trao giải như vậy, chúng tôi không có băn khoăn hay thắc mắc gì.
Nhà văn Khuất Quang Thụy, Tổng biên tập báo Văn nghệ
Cụ thể bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” của tác giả Tòng Văn Hân có đáp ứng được những tiêu chí đó không, thưa ông?
Với tôi, đây là bài thơ có ý tưởng nhân văn và có lối diễn đạt khá độc đáo theo quan niệm của người miền núi, có cái nhìn riêng về hiện tượng tiêu cực của xã hội. Trộm cắp là một tội lỗi trong xã hội, có một phần nguyên nhân là do nghèo đói và để giải quyết chuyện đó, người mẹ trong bài thơ chỉ mong muốn kẻ trộm làm ăn khá lên, sẽ triệt được thói hư tật xấu không đi ăn trộm nữa. Đó là cách suy nghĩ rất dễ hiểu và nhân văn.
Các anh trong Hội đồng Chung khảo như nhà thơ Trần Đăng Khoa, Hữu Thỉnh, Nguyễn Bình Phương hay anh Nguyễn Đức Mậu đều đánh giá cao ý tưởng này. Tuy nhiên, đó không phải bài thơ toàn bích nên mới chỉ được giải nhì.
Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ bài thơ này đạo tứ của điển tích “Tưới dưa cho người”?
Không thể nói vu vơ như thế được. Xưa nay, việc trùng ý tứ trong thơ rất nhiều. Những nhà thơ lớn như Tố Hữu, cũng có nhiều người sáng tác hay chạm đến ý tứ bài thơ của ông. Trùng lặp ý tứ là bình thường, cái chính là cách thể hiện khác.
Để chứng minh một tác giả nào đó đạo văn, đạo thơ cũng rất khó. Đạo của ai và đạo như thế nào? Cuộc thi nào cũng có những câu chuyện như thế.
Trong phạm vi một cuộc thi, tác giả nào chứng minh được bất cứ ai dự thi, được giải hoặc không được giải, đạo thơ của mình thì phải chứng minh. Hoặc ai chứng minh được người nào đạo văn, đạo thơ thì ngay cả khi đã có quyết định trao giải rồi, Hội đồng chung khảo cũng sẽ xem xét và loại tác giả đó ngay.
Tuy nhiên, việc chứng minh là phải trước các cơ quan có thẩm quyền về bản quyền, chứ không phải nói vu vơ trên mạng xã hội. Như thế là vu khống.
Còn nói bài thơ đó hay hay không là việc của Hội đồng chung khảo. Mỗi người có cách nhìn, cách đọc khác nhau. Thơ có thể thuyết phục được tất cả mọi người thì hiếm vô cùng, nếu thế thì đạt giải nhất rồi.
Tác giả Tòng Văn Hân (bên trái) và Nguyễn Văn Song nhận giải B của cuộc thi thơ báo Văn nghệ (ảnh: TL)
Theo ông, bài thơ của tác giả Tòng Văn Hân có phải là một bài thơ hay?
Tòng Văn Hân là một phát hiện. Cuộc thi nhằm tìm kiếm những tác giả trẻ cho làng thơ Việt Nam. Tòng Văn Hân hay Nguyễn Văn Song có tuổi đời không trẻ nhưng mới xuất hiện trên văn đàn nên có thể coi là phát hiện ở cuộc thi. Nhưng là phát hiện ở từng khía cạnh.
Nói về Tòng Văn Hân, ngày xưa, Cầm Giang có bài thơ “Nhớ vợ” rất được yêu thích. Bài thơ của anh Hân có cách nói giản dị như thế và cũng lâu lắm, mới có giọng thơ như thế xuất hiện nên ban giám khảo rất quý. Đó là phát hiện ở khía cạnh đó, chứ không phải tài năng thơ.
Còn anh Song là giọng lục bát tương đối giản dị. Những điều anh viết về cái được cái mất của nông thôn, trên báo chí đã nói nhiều nhưng để nói bằng thơ không phải dễ dàng. Đó là điều chúng tôi đánh giá cao. Có những bài thơ khác nhuần nhuyễn hơn nhiều nhưng không có gì mới.
Thành công ở cuộc thi là có phát hiện, nhưng chưa toàn diện. Chỉ là phát hiện từng mặt và đánh giá khiêm nhường.
Dĩ nhiên, sân chơi nào cũng có sự tiếp nhận riêng của nó nên tôi không thấy lạ khi có những ý kiến trái chiều.
Chỉ có điều, mọi người phát ngôn có thiện ý hay không. Với một cây bút trẻ người dân tộc có ý tưởng mới mẻ như vậy, mà phát ngôn mang tính vùi dập thì tôi nghĩ không nên. Lâu nay, người ta quen thơ nhịp nhàng, mượt mà rồi nên có một tác giả làm bài thơ lạ như thế, người khen kẻ chê là bình thường. Đó là cảm nhận cá nhân của mỗi người và họ có quyền như thế.
Theo ông, cuộc thi năm nay đã thành công so với nguyện vọng của Ban tổ chức?
Cuộc thi không được như nguyện vọng vì chất lượng có hạn chế nên không tìm được người đứng đầu, tạo ra ấn tượng mạnh nhất. Tôi nghĩ, đó là một cách đánh giá nghiêm khắc của Hội đồng chung khảo rồi. Đứng ra tổ chức cuộc thi, ai cũng mong muốn cuộc thi có giải nhất, giải nhì nhưng tôi nghĩ Hội đồng chung khảo đã công tâm, sáng suốt. Cuộc thi chỉ thành công ở mức độ nhất định chứ không phải mỹ mãn.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận