Những người sống sót và thân nhân của gần 3.000 nạn nhân vụ khủng bố 11/9 đang đứng trước cơ hội khởi kiện đòi bồi thường |
Thượng viện Mỹ chính thức thông qua dự luật cho phép gia đình và các nạn nhân vụ khủng bố 11/9/2001 được phép kiện Saudi Arabia, theo CNN ngày 18/5. Tuy nhiên, xung quanh dự luật này vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi.
“Ngọn nến hi vọng” của các nạn nhân
Dự luật JASTA (tạm gọi là Đạo luật Chống tài trợ khủng bố) từng bị Nhà Trắng “gạt đi” và đình trệ trong nhiều tháng liền cuối cùng đã được Thượng viện Mỹ thông qua. Động thái giống như một lời khiển trách đối với Nhà Trắng, CNN bình luận.
Bằng các nỗ lực vận động, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John Cornyn (bang Texas) và Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Chuck Schumer (bang New York) - tác giả của dự luật đã tìm kiếm được các sự ủng hộ từ Thượng viện sau cuộc bỏ phiếu trực tiếp hôm 18/5 (theo giờ VN).
“Dự luật đã thắp lên ngọn nến hi vọng cho gia đình các nạn nhân. Đó không chỉ đem lại công lý chính nghĩa mà còn gửi một thông điệp lớn tới Chính phủ Saudi Arabia cũng như các quốc gia khác, rằng nếu họ có ý định nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố trên đất Mỹ, họ sẽ được đưa ra pháp luật”, Thượng nghị sĩ Schumer nói tại một cuộc họp báo. Ông Schumer ra sức đứng về phía các nạn nhân vụ 11/9, bất chấp những chỉ trích rằng, ông và Thượng nghị sĩ Cornyn sẽ phải “trả giá” vì đã đối đầu với Saudi Arabia: “Nếu Saudi Arabia không tham gia vụ khủng bố này, họ chẳng có gì đáng sợ khi phải ra tòa. Còn nếu họ làm, họ phải chịu trách nhiệm”, ông Schumer nói.
Terry Strada, một phụ nữ Mỹ có chồng là Tom - thiệt mạng trong vụ khủng bố 11/9, khi ông và con gái Caitlin đang trên hành trình du lịch từ New Jersey tới Washington, nói với CNN ngay sau khi được tin Thượng viện thông qua JASTA: “Chúng tôi đã chờ đợi 15 năm. Chúng tôi không cần phải chờ đợi lâu hơn nữa. Đó là chính sách tốt nhất của Chính phủ thể hiện trách nhiệm của họ đối với công dân thiệt mạng trong một vụ khủng bố ngay trên đất Mỹ. Chúng tôi vui mừng vì cuối cùng nó đã được thông qua”.
Luật sư James Kreindler, người bảo vệ cho gia đình các nạn nhân vụ 11/9 cho rằng, sẽ thật “điên rồ” nếu ai đó phủ quyết nỗ lực của lưỡng đảng nhằm đòi quyền lợi cho các nạn nhân vụ tấn công tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Vẫn còn nhiều tranh cãi
Sắp tới, JASTA sẽ được chuyển tới Hạ viện xem xét. Trước đó, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, từng bày tỏ lo ngại về việc thông qua JASTA. Song, khả năng Hạ viện, với Đảng Cộng hòa chiếm đa số, thông qua dự luật rất cao và điều này có thể làm xấu đi quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Saudi Arabia vốn vẫn được xem là đồng minh quan trọng trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực.
Theo Reuters, nếu trở thành luật, JASTA sẽ dỡ bỏ quyền miễn trừ quốc gia vốn ngăn cản các vụ kiện nhằm vào các Chính phủ và các nước bị cho là dính líu tới các vụ khủng bố trên đất Mỹ. Ví dụ, JASTA cho phép những người sống sót và thân nhân gần 3.000 người thiệt mạng trong vụ khủng bố 11/9 kiện Saudi Arabia cũng như một số nước liên quan để đòi bồi thường thiệt hại.Trong trường hợp này, các vụ kiện sẽ do Tòa án liên bang ở New York phân xử. Bên nguyên sẽ phải chứng minh Saudi Arabia đã tham gia các vụ tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) và Lầu Năm Góc.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest cho rằng: “Chúng tôi rất khó tưởng tượng Tổng thống sẽ đặt bút ký dự luật này và cho thực thi. Dự luật nếu được thông qua sẽ tạo ra một tiền lệ khiến Mỹ trở nên dễ bị tấn công hơn ở các hệ thống tư pháp khác trên toàn thế giới”. Còn Bộ Ngoại giao lo ngại dự luật có thể tác động lớn tới các công dân Mỹ đang sống ở Saudi Arabia và nước khác liên quan tới vụ kiện có thể bị trả đũa.
Hiện, Saudi Arabia phủ nhận các cáo buộc liên quan tới vụ khủng bố 11/9 và dọa sẽ bán khoảng 750 tỷ USD trái phiếu kho bạc và các tài sản trên đất Mỹ nếu dự luật trở thành luật. Ông Adel bin Ahmed al-Jubeir - Ngoại trưởng Saudi Arabia hôm 17/5 phản đối gay gắt: “Điều mà Mỹ đang làm là tước đi nguyên tắc miễn trừ chủ quyền, biến luật pháp quốc tế thành luật rừng”.
Trước đó, một báo cáo mật của Quốc hội Mỹ hé lộ, trong số 15/19 tên không tặc tấn công vào các địa điểm quan trọng của Mỹ ngày 11/9/2001 là công dân Saudi Arabia, đồng thời cáo buộc Chính phủ Saudi Arabia “đứng sau” vụ tấn công này. Trước đó, gia đình Hoàng tử Bandar bin Sultan - Đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ năm 2001 từng bị cáo buộc tài trợ 130.000 USD cho một kẻ huấn luyện của 2 tên không tặc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận