Suốt năm qua, Bộ Công thương được giao xây dựng nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu hiện nay. Tuy nhiên, nhiều đề xuất mới từ dự thảo nghị định không nhận được đồng thuận từ phía bộ ngành, chuyên gia và cả doanh nghiệp.
Đặc biệt là quy định mới "thương nhân phân phối chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, không được mua bán xăng dầu lẫn nhau".
Báo Giao thông đã có bài viết "Tranh cãi "nảy lửa" chuyện sửa nghị định xăng dầu" để thuật lại một phần "sức nóng" từ những góp ý cho dự thảo nghị định này.
Trước những băn khoăn của dư luận, Vụ Thị trường trong nước (TTTN), Bộ Công thương vừa phát thông báo liên quan đến vấn đề này.
Sẽ trình phương án để thương nhân phân phối xăng dầu được mua bán lẫn nhau
Về quyền mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu, cơ quan soạn thảo giữ quan điểm ở cả 4 dự thảo rằng "thương nhân phân phối chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, không được mua bán xăng dầu lẫn nhau".
Vụ TTTN cho hay, thực hiện ý kiến kết luận của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra về việc giảm tầng nấc trung gian trong khâu phân phối xăng dầu, dự thảo nghị định thiết kế theo hướng "Bỏ quy định mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau, loại bỏ số liệu "ảo" về lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường".
Điều này sẽ giúp cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tính toán chính xác được lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước để mua từ các nhà sản xuất trong nước, nước ngoài phục vụ cho tiêu thụ trong nước; cơ quan quản lý Nhà nước xác định được chính xác nhu cầu tiêu thụ trong nước để thực hiện phân giao tổng nguồn hàng năm…
Tuy nhiên, Vụ này cũng cho biết, qua quá trình lấy ý kiến, nhiều thương nhân phân phối cho rằng: Bỏ quy định mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau là hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ, là phân biệt đối xử, tạo lợi thế kinh doanh cho các doanh nghiệp có vị thế độc quyền…
Do đó, các thương nhân phân phối xăng dầu đề nghị tiếp tục quy định thương nhân phân phối xăng dầu được quyền mua bán xăng dầu với nhau như hiện tại. Bởi quy định này sẽ tạo thêm nguồn hàng cung ứng cho các thương nhân phân phối xăng dầu khác và thương nhân bán lẻ trong trường hợp nguồn cung xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu gặp sự cố đột ngột, trong khi lượng xăng dầu của thương nhân phân phối đã mua còn tồn nhiều, ngoài ra còn tạo điều kiện đa dạng hóa hệ thống phân phối, đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường.
Tiếp thu ý kiến từ thương nhân, theo Vụ TTTN, ở dự thảo mới, Bộ Công thương trình Chính phủ hai phương án:
Phương án 1: Dự thảo Nghị định quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu với nhau, chỉ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Dù đúng với tinh thần của các cơ quan thanh tra, điều tra, song, Vụ TTTN thừa nhận, nhược điểm là thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu với nhau có thể có yếu tố hạn chế cạnh tranh trên thị trường hơn, thương nhân phân phối xăng dầu cho rằng bị phân biệt đối xử.
Phương án 2: Dự thảo Nghị định tiếp tục quy định thương nhân phân phối xăng dầu được quyền mua bán xăng dầu với nhau như hiện tại.
Quy định này, theo Vụ TTTN, nhược điểm là không xác định chính xác được lượng xăng dầu tiêu thụ thực tế trên thị trường khi các thương nhân mua bán qua lại lẫn nhau tạo số liệu "ảo" về lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường. Có nguy cơ dẫn tới chiết khấu tại khâu bán lẻ chỉ ở mức thấp khiến cho các doanh nghiệp bán lẻ hạn chế bán hàng ra thị trường do bị lỗ.
Đề xuất hai phương án điều hành giá xăng dầu
Trong báo cáo, Vụ TTTN cũng thông tin về cơ chế điều hành giá xăng dầu. Theo đó, dự thảo nghị định mới sẽ đề xuất hai phương án. Trong đó có phương án đề xuất từ Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, thay vì chỉ một phương án ban soạn thảo đưa ra.
Phương án 1: Nhà nước công bố công thức tính, giá sản phẩm xăng dầu thế giới bình quân 7 ngày/lần và chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, các chi phí về thuế, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố đầu vào do nhà nước công bố tự tính toán và công bố giá bán xăng dầu trên thị trường.
Giá bán lẻ xăng dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trên thị trường không được vượt quá giá được tính toán theo công thức quy định.
Phương án 2 - Phương án từ Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam: Nhà nước công bố công thức tính giá, mức giá tham chiếu quốc tế và premium bình quân; không công bố chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức.
Căn cứ công thức tính giá và mức giá tham chiếu nhà nước công bố, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định giá bán buôn, giá bán lẻ và thời điểm điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường. Thương nhân kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm làm thủ tục kê khai và công bố giá do mình quyết định theo quy định của pháp luật.
Trường hợp thị trường xăng dầu diễn biến bất ổn, có quyết định bình ổn giá thì thực hiện theo nguyên tắc điều chỉnh giá xăng dầu như quy định tại dự thảo Nghị định.
Số liệu "ảo" về lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường đã được giải quyết?
Trao đổi với PV Báo Giao thông về 2 nội dung trên, ông Nguyễn Tiến Thỏa , Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng, về cơ chế điều hành giá xăng dầu, ông đồng tình với phương án 2 - Phương án từ Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam.
Còn về quyền mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu, ông cho rằng, cần để thương nhân phân phối được mua bán với nhau như quy định hiện hành. Bởi lẽ, số liệu "ảo" về lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường đã được giải quyết từ một số quy định mới trong dự thảo lần này.
Tại dự thảo, Ban soạn thảo đề xuất quy định mới là "việc kết nối dữ liệu về tổng nguồn xăng dầu, tiêu thụ, tồn kho xăng dầu… là điều kiện bắt buộc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải thực hiện".
Theo đó, thương nhân đề nghị cấp mới Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải thực hiện ngay quy định về kết nối dữ liệu này. Thương nhân đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cần có lộ trình để xử lý, thời gian 24 tháng kể từ ngày nghị định có hiệu lực thi hành.
"Đây là quy định mới mà các nghị định trước đây không có. Với điểm mới này, đã giải quyết được những lo lắng từ Bộ Công thương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an", ông Thoả nói.
Vị chuyên gia cũng nói thêm, đây là căn cứ tin cậy để Bộ nắm chắc được lượng cung xăng dầu thực tế từ "đầu nguồn". Các thương nhân phân phối dù có mua bán lẫn nhau thì cũng không thể làm cho lượng cung tăng lên hay giảm đi một cách ảo được.
Ngược lại, các thương nhân phân phối thiết lập hệ thống tại các vùng được mua bán hàng của nhau sẽ có lực lượng bổ sung cho nhau, chủ động điều hòa cung cầu cho phạm vi vùng mình phụ trách, bảo đảm tính linh hoạt và ứng phó kịp thời với tình trạng thiếu hụt xăng dầu, ngăn ngừa rủi ro tiềm ẩn về đứt gãy nguồn cung cục bộ xảy ra.
Khi có giá thị trường hình thành từ cung cầu, cạnh tranh đúng nghĩa điều tiết kinh doanh thì tự thị trường sẽ hình thành mức giá hợp lý, các doanh nghiệp không dễ muốn cộng chi phí nào, bao nhiêu vào giá cũng được…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận