Thời sự

Tranh luận trái chiều phong tướng công an

07/11/2018, 06:25

Với những cải tổ trong ngành Công an hiện nay, việc GĐ Công an tỉnh có trần quân hàm Thiếu tướng là hợp lý...

5

ĐB Nguyễn Hữu Cầu phát biểu thảo luận tại hội trường

Ổn định về ANTT, có cần nhiều tướng?

Chiều 6/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Hai vấn đề được các ĐBQH quan tâm nhiều nhất là quy định trần cấp hàm Thiếu tướng với Giám đốc Công an các tỉnh loại 1 và việc chính quy hóa lực lượng công an xã.

ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) đánh giá rất cao về việc Bộ Công an tinh giản bộ máy, tinh gọn đầu mối, đi liền với tinh giản biên chế, giảm số lượng cấp tướng. Song với việc dự luật này lại đề nghị tăng số lượng cấp tướng thì ông Hà cho rằng phải xem xét thận trọng.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhận định, số lượng cấp hàm tướng như quy định là nhiều. Ông Hoà cho rằng, phải tính sao cho hợp lý trong điều kiện nước ta đang ở thời bình, được các nước ca ngợi là ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. “Hàm tướng có cần số lượng nhiều như thế hay không? Cấp tướng phải có quân số nhất định để chỉ huy chứ không thể mang hàm tướng mà quân số chẳng là bao nhiêu”, ông Hoà nêu quan điểm.

Với việc quy định hàm Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an 11 tỉnh loại 1, ông Hòa cho rằng, sẽ bất cập khi so với các tỉnh, thành phố khác. Bởi, có tỉnh, thành phố đang là loại 2 nhưng tiệm cận loại 1, sau này lên loại 1 thì sẽ thế nào, có phong hàm Thiếu tướng hay không vì đã đủ số lượng rồi? Hơn nữa, người mang hàm Thiếu tướng của tỉnh này chưa chắc đã có chuyên môn, thời gian trong ngành cao hơn người mang hàm Đại tá của tỉnh, thành khác. Như vậy sẽ không hợp lý. Cùng là giám đốc công an tỉnh, thành như nhau nhưng lại có người mang hàm cấp tướng, người mang cấp tá cũng không hợp lý.

Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (Hà Nội) nhấn mạnh quan điểm “phong tướng để cầm gậy chỉ huy quân” nên không nhất thiết cứ tỉnh nào loại 1 phải phong tướng cho giám đốc công an, mà địa bàn nào trật tự trị an phức tạp, ma túy nhiều, phản động nhiều... thì mới phong.

Nhắc đến mối tương quan giữa công an, quân đội, ông Được cho rằng, Quốc hội cần cân nhắc vì hai lực lượng này đều là lực lượng vũ trang. “Việc phong hàm cho các đồng chí công an cũng là đáng mừng, nhưng nếu hai bên không công bằng thì sẽ thấy “tủi thân”. Giờ ngồi họp như nhau, 1 bên tướng, 1 bên tá thì cũng không vui lắm. Lực lượng vũ trang là một thể chế thống nhất của Nhà nước, không thể công an thế này, quân đội thế kia.

“Giám đốc là thiếu tướng sẽ có lợi trong công tác cán bộ”?

Giám đốc Công an Nghệ Anh, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cho biết, khối lượng công việc công an địa phương, tập trung chủ yếu là công an cấp tỉnh chiếm tới 80% tổng khối lượng công việc của lực lượng CAND, phần lớn biên chế CAND bố trí công an ở các tỉnh. Vì vậy, Giám đốc công an tỉnh sẽ có quyền hạn lớn hơn và trách nhiệm nặng nề hơn. Mặt khác, trong hệ thống chức vụ sĩ quan CAND, Giám đốc Công an tỉnh được xác định chức vụ cơ bản là cấp dưới liền kề có thể quy hoạch, bổ nhiệm chức danh Thứ trưởng Bộ Công an. Vì vậy, chức vụ này cần có bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng sẽ thuận lợi trong công tác cán bộ, nếu không sẽ gây khó khăn trong luân chuyển.

Theo ông Cầu, quy định Giám đốc Công an tỉnh loại I có trần cấp hàm Thiếu tướng là phù hợp, vì những địa phương này các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT, một năm khởi tố từ 1.000 - 3.000 vụ án hình sự với số lượng bị can 1.500 - 6.000 bị can; quân số công an tỉnh từ 3.000 - 6000 cán bộ chiến sĩ và tiếp tục sẽ tăng.

ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng, với những cải tổ trong bộ máy ngành Công an hiện nay, việc Giám đốc Công an tỉnh có trần quân hàm Thiếu tướng là hợp lý, cần thiết nhằm tạo ra những vị tướng trong thời bình thực sự bản lĩnh, tài năng, có kiến thức và kinh nghiệm thực tế từ địa phương. Song, theo ông Thưởng, nếu căn cứ đơn vị hành chính loại 1 để quy định cấp bậc hàm cao nhất của giám đốc công an là chưa sát chức năng của lực lượng công an. Bởi, việc này chỉ có ý nghĩa tương đối, nhiều tỉnh không được xếp đơn vị hành chính loại 1 nhưng có vị trí chiến lược về an ninh trật tự. Mặt khác, giám đốc công an tỉnh giữ nhiều đầu mối, quân số lên tới hàng nghìn người nhưng cấp hàm chỉ là Đại tá, tương đương với cấp phòng của Bộ Công an là không hợp lý.

Ngoài ra, theo quy định hiện hành, Giám đốc Công an tỉnh có chức vụ tương đương Cục trưởng, được quy hoạch, đề bạt trực tiếp lên Thứ trưởng. Cục trưởng muốn lên Thứ trưởng phải luân chuyển về địa phương để đào tạo theo quy định. Nếu 2 cấp bậc hàm này mà vênh nhau thì rất khó luân chuyển và thực hiện chế độ chính sách. Do vậy, ĐB tỉnh Phú Thọ đề nghị giám đốc công an tại một số địa phương có vị trí chiến lược phức tạp và quan trọng về an ninh, trật tự ngoài đơn vị hành chính loại 1 có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng.

Chính quy công an xã, có ảnh hưởng quỹ lương?

Về quy định bố trí công an xã là lực lượng chính quy, Thượng tướng Nguyễn Văn Được cho rằng, phải có lộ trình, bước đi để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, đồng bộ, bảo đảm tinh gọn. Về tổ chức và con người, nếu quá ít thì không thể nói xây dựng chính quy được. Nhưng nếu nhiều quá thì phải cân nhắc vì ta đang chủ trương tinh giản biên chế. Cùng với đó, phải tính toán mua bao nhiêu phương tiện, xây bao nhiêu trụ sở và chuẩn bị các vấn đề khác cho lực lượng công an xã chính quy. Nếu không tính toán kỹ, ông Được e ngại sẽ dẫn đến tình trạng “mang con bỏ chợ”, “làm khổ công an”, bởi tổ chức ra nhiều nhưng không bảo đảm tốt thì công an khá vất vả.

ĐB Cao Đình Thưởng nhận định, tình hình an ninh nông thôn hiện nay rất phức tạp, vai trò của công an xã hết sức quan trọng, nếu có lực lượng chính quy thì các vụ việc ở cơ sở sẽ được giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, cần đánh giá đầy đủ toàn diện tất cả tác động của quy định, bởi thực tế hiện nay cả nước có hơn 9.330 xã, nếu mỗi xã có 5 cán bộ công an chính quy, Bộ Công an phải bố trí trên 4 vạn cán bộ, điều này có ảnh hưởng gì đến đề án tinh giản biên chế và quỹ lương quốc gia không?

Phân tích chủ trương chính quy công an xã, thị trấn là cần thiết và đúng đắn, ĐB Ngô Minh Châu, Phó giám đốc Công an TP HCM cho biết, trên thực tế Bộ Công an đã điều động công an chính quy về thực hiện nhiệm vụ công an xã nhiều năm qua. Hiện nay, toàn quốc đã bố trí gần 140 nghìn công an xã, đã bố trí công an chính quy ở hơn 1.200 xã, thị trấn, với tổng số công an chính quy là gần 3.700 người.

Song ông Châu cũng cho rằng, việc bố trí công an xã, thị trấn chính quy cần có lộ trình, để đảm bảo khả thi, đồng bộ, hiệu quả việc thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Chính quy công an xã không làm tăng biên chế

Giải trình trước Quốc hội về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đề cập đến nội dung chính quy công an xã và cho biết, có địa phương đã triển khai được 5 tháng, qua sơ kết đánh giá cho thấy kết quả rất tốt, không địa phương nào có ý kiến khác. Thậm chí, có nơi đánh giá số lượng vụ án, vụ việc vi phạm ở địa phương giảm 50%.

Theo ông Lâm, Bộ Công an đã cam kết với Quốc hội từ khi trình Luật này là sẽ không tăng biên chế mà chỉ duy trì biên chế hiện có. Về trang bị, sẽ tính toán, trước mắt cần trang bị 3 phương tiện như xe máy để đi tuần tra cơ động, thiết bị thông tin liên lạc và công cụ hỗ trợ. Các vấn đề này đều nằm trong kinh phí tính toán của Bộ Công an.

Lực lượng công an không có quá 200 cấp tướng

Dự thảo Luật lần này quy định Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I có cấp hàm cao nhất là Thiếu tướng (trừ Giám đốc Công an TP Hà Nội và TP HCM là Trung tướng), song số lượng không quá 11. Hàm Đại tướng chỉ có một với chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an. Hàm Thượng tướng với chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an, số lượng không quá 6. Hàm Trung tướng số lượng không quá 35, Thiếu tướng số lượng không quá 159. Như vậy, lực lượng công an sẽ không có quá 201 cán bộ mang cấp hàm tướng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.