Gout cấp vì không "đừng" được với tiệc tùng
Dù biết mình mắc bệnh gout đã 4 năm nay, nhưng hầu như năm nào đến thời điểm cuối năm, anh Hoàng Văn Hạnh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng không tránh khỏi đợt gout cấp gây đau khớp ngón chân, đi lại rất khó khăn.
Gout là một trong những bệnh lý có liên quan chặt chẽ tới chế độ ăn uống, luyện tập
Anh Hạnh cho hay: “Cả năm "giữ mồm, giữ miệng" nhưng cứ cuối năm tiệc tùng liên miên, chưa xong tổng kết lại sang tất niên, lúc với bạn bè khi với gia đình nội, ngoại… khiến anh không “đừng” được. Chả nhẽ đi tiệc lại “một mình ăn một kiểu” làm mọi người mất vui. Thế nhưng lần nào cơn đau gout cũng khiến mình khập khiễng đi lại mất chục ngày, phải đi khám và dùng thuốc điều trị mới đỡ”.
Anh Hạnh nói thêm, “chắc năm nay mạnh dạn từ chối thôi, chứ đau đớn, khó chịu lắm”.
Không riêng anh Hạnh, cứ mỗi dịp cuối năm, lễ tết, tiệc tùng là nỗi kinh hoàng của những người vốn mắc bệnh gout mạn tính. Và vào những thời điểm này, số bệnh nhân đến khám do đột ngột hoặc xuất hiện nhiều đợt đau khớp gối, bàn ngón chân do gout khiến khó khăn vận động, sinh hoạt tại các phòng khám cơ xương khớp lại tăng.
Theo ThS. BSNT Trịnh Thị Nga, BVĐK Medlatec, gout là một trong những bệnh lý có liên quan chặt chẽ tới chế độ ăn uống, luyện tập, do đó,nếu duy trì được chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát một phần uric máu, giữ cân nặng hợp lý, hạn chế những đợt gout cấp tính.
Mắc gout nên lưu ý điều gì?
Để phòng đợt gout cấp tính, người bệnh mắc gout cần lưu ý các thực phẩm cần hạn chế: Cá cơm, cá mòi, cá ngừ, động vật nhuyễn thể (sò, hàu…); Thịt chó, thịt bò…; Nội tạng động vật; Nấm, đậu khô, đậu Hà Lan; hạn chế tối đa rượu, bia. Bởi những thực phẩm này chứa nhiều nhân purin, từ đó chuyển hóa thành acid uric nên khi hạn chế ăn uống những thực phẩm này sẽ giúp acid uric máu ổn định.
Bệnh nhân bị gout nên bổ sung đạm qua các loại thịt trắng như thịt gà, các loại cá ít purin với lượng vừa phải (110-170gr/ngày).
Bên cạnh đó, thừa cân, béo phì đã là nguyên nhân làm tăng nguy cơ phát triển bệnh gout.
Tập thể dục thường xuyên, điều này giúp ổn định acid uric, giảm cân, duy trì sức khỏe tim mạch nên cần thiết với tất cả mọi người để dự phòng và giảm nguy cơ gout. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đang trong cơn gout cấp, sưng nóng đau khớp, cần hạn chế tập thể dục mạnh, không vận động gắng sức để tránh cơn gout cấp dữ dội hơn.
Gout là bệnh lý diễn ra do nồng độ acid uric máu vượt quá ngưỡng bão hòa của cơ thể, uric đi ra các cơ quan (thường gặp nhất là khớp, da, thân...) gây triệu chứng sưng đau khớp, sỏi thận, hạt tophi. Vì vậy, kiểm soát uric máu là điều cần thiết với tất cả mọi người, đặc biệt là người bị gout.
Theo khuyến cáo của BS Nga, người khỏe mạnh nên kiểm tra uric máu định kỳ mỗi 6-12 tháng. Người bị gout nên kiểm tra mỗi 3-6 tháng và tuân thủ phát đồ điều trị, cũng như thực hiện chế độ ăn uống, tập luyện của bác sĩ. Riêng người bị gout mạn tính khó kiểm soát, nhiều đợt diễn biến cấp tính cần làm xét nghiệm uric máu hàng tháng.
Mọi người không nên chủ quan vì bệnh gout có sức tàn phá ghê gớm khi xuất hiện các biến chứng về sự nhiễm trùng của các hạt tophi bị vỡ, từ đó gây dính khớp dẫn tới tàn phế. Khi không được điều trị kịp thời, bệnh gây suy thận và thiếu máu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận