Traphaco là doanh nghiệp dẫn đầu về hệ thống phân phốivới gần 25.000 nhà thuốc |
Kiểm soát tốt giá bán đến tay khách hàng
Tại Đại hội đồng cổ đông ngày 30/3 vừa qua, Tổng giám đốc Công ty CP Traphaco Trần Túc Mã cho biết, ngoài những sản phẩm truyền thống như: Hoạt huyết dưỡng não, Cebraton, Boganic, Tottri... năm 2017, công ty sẽ cho ra thị trường 8 sản phẩm mới. So với năm 2016, doanh thu dự kiến đạt 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng 15,2% lên 242 tỷ đồng; chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 30% và thưởng cổ phiếu 20%.
Đại hội đồng cổ đông cũng thông qua Chiến lược Phát triển bền vững giai đoạn 2017-2020 với mục tiêu vốn hóa thị trường đạt 10 nghìn tỷ đồng, tổng doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng và tổng lợi nhuận 500 tỷ đồng vào năm 2020.
Trong bối cảnh cạnh tranh thị trường dược ngày càng gay gắt, mục tiêu của Traphaco có táo bạo? Trả lời câu hỏi này của PV Báo Giao thông, ông Mã cho biết, chiến lược mới của Traphaco được xây dựng trên cơ sở nhìn thẳng điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp trong những cơ hội, thách thức của tình hình mới, từ đó xác định rõ giải pháp tổng thể để về đích.
Chẳng hạn, có thời điểm, Traphaco không quan tâm nhiều đến bán hàng, thu hồi công nợ khiến hàng tồn kho cao, nợ nhiều. Từ năm 2014, công ty quyết định thay đổi chính sách bán hàng OTC mới dựa trên nguyên tắc đồng lợi. Thời gian đầu rất áp lực vì giải phóng hàng tồn kho phải giảm sản xuất, nên thiếu việc làm. Nhưng rồi cách làm đó đã được chứng minh là đúng và tạo hiệu quả cao trong kết quả kinh doanh nên công ty quyết định tập trung đầu tư cho hệ thống phân phối, đưa trực tiếp sản phẩm đến tay khách hàng.
Đến nay, Traphaco đã thiết lập kênh phân phối với gần 25 nghìn nhà thuốc trên toàn quốc. Trong đó, điểm mạnh nhất của Traphaco là có thể kiểm soát tốt giá bán ra cho khách hàng.
Khai thác “kho báu” y học cổ truyền
Sự chuyển động tích cực khác của Traphaco, đó là áp dụng công nghệ cao trong quản trị hệ thống. Trong đó, phải kể đến hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp ERP được triển khai thành công từ năm 2016, cho phép doanh nghiệp nắm bắt số liệu nhanh, chính xác, phân tích lợi nhuận dựa trên các thông số như chi phí, doanh thu, sản lượng hàng bán, khách hàng mục tiêu, khuynh hướng của thị trường… Doanh nghiệp cũng dễ dàng quản trị được hàng tồn kho, nợ xấu, loại bỏ được các công việc, quy trình thừa.
Trước thềm khai mạc Hội nghị về phát triển dược liệu, sáng 12/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thị sát quy trình sản xuất, chế biến cao Atiso tại Công ty TNHH MTV Traphaco Sapa tại Lào Cai, cơ sở sản xuất cao Actiso Sapa, nguyên liệu chính sản xuất thuốc bổ gan Boganic, sản phẩm được người tiêu dùng tin cậy. Người trồng Atiso tại đây có thu nhập cao gấp 3 - 5 lần so với các cây lương thực khác. |
“Có thể nói, cách mạng khoa học kỹ thuật vừa là động lực vừa là áp lực buộc doanh nghiệp cũng như mỗi cán bộ, nhân viên phải thay đổi. Đó là cơ sở để Traphaco tin tưởng sẽ thực hiện thành công chiến lược mới”, ông Mã nhấn mạnh.
Nền tảng khác giúp Traphaco tin tưởng vào mục tiêu vươn lên vị trí số 1 ngành Dược của mình đó chính là chuỗi giá trị xanh từ: Nguyên liệu - Công nghệ - Sản phẩm - Dịch vụ phân phối.
Để có thể sử dụng đến 90% nguồn dược liệu trong nước, Traphaco đã tiên phong xây dựng vùng trồng theo chuẩn GACP-WHO và đã xây dựng được trên 800 ha vùng trồng dược liệu cho hơn 10 loại dược liệu chủ lực tại 28 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Hiện tại, Traphaco đã ký hợp đồng trực tiếp với gần 500 hộ dân, tạo ra hàng nghìn việc làm thường xuyên. Trên nguồn dược liệu bền vững đó, Traphaco lựa chọn công nghệ của châu Âu, Mỹ để sản xuất, bào chế thuốc theo quy trình khép kín nhằm tăng năng suất lao động, đảm bảo sản xuất ra các sản phẩm chất lượng tốt.
Hướng đi này phù hợp với “Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tại Hội nghị trực tuyến lần đầu tiên về phát triển ngành dược liệu với sự tham dự của lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố tại Lào Cai ngày 12/4 vừa qua, hướng đi này một lần nữa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khi khẳng định, y học cổ truyền là một “kho báu” để khai thác, đồng thời góp phần xóa đói giảm nghèo cho một bộ phận người dân. Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh các biện pháp phát triển dược liệu Việt Nam; Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu; đồng thời đề xuất chính sách, cơ chế thu hút đầu tư, nhất là các doanh nghiệp tham gia nuôi trồng, chế biến dược liệu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận