Sốt, ho bệnh thường gặp ở trẻ ngày hè |
Tiêu chảy cả tuần vì cái… cối xay
Hơn tuần nay, cậu con trai mới 8 tháng tuổi của chị Nguyễn Mai Hương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cứ xì xoẹt tiêu chảy. Có ngày, cậu bé tiêu chảy 5 - 7 lần. Điều đáng nói, mới tuần trước, cậu bé cũng mắc tiêu chảy, đi khám điều trị dứt được ít ngày, giờ lại tái bệnh. Nhìn con xọp đi trông thấy khiến chị xót ruột đưa đi khám lần nữa. “Thấy con tiêu chảy suốt, mình đã dặn rất kỹ chị giúp việc chế độ ăn, rồi cách chăm sóc cho thằng bé, mà không hiểu sao vẫn mắc tiêu chảy. Đến khi đi khám, bác sĩ lần ra mới hay nguyên nhân xuất phát từ cái cối xay thực phẩm cho con”, chị Hương cho biết.
PGS. BS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai xác nhận: “Thời tiết nóng bức, tạo cơ hội cho nhiều loại vi khuẩn phát triển. Vì vậy, ngày hè nhiều trẻ mắc bệnh tiêu chảy do nhiễm khuẩn. Căn bệnh này dễ chẩn đoán nhưng khó chữa trị vì phải tìm được đúng nguyên nhân mới chữa dứt điểm. Với trẻ nhỏ, nguồn thực phẩm, cách chế biến thực phẩm… có tác động rất lớn đến hệ tiêu hóa. Có những nguyên nhân mà nhiều phụ huynh hay bỏ qua khiến trẻ cứ triền miên tiêu chảy lại do chính cối xay… rửa không sạch”.
Theo ông Dũng, cối xay thực phẩm thường rất khó làm vệ sinh. Do vậy, nếu người chế biến thức ăn cho trẻ lại cẩu thả, cùng với thời tiết hè nóng ẩm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây tiêu chảy phát triển.
Chia sẻ về cách chăm sóc khi trẻ mắc tiêu chảy, TS. BS. Trương Hồng Sơn, Chuyên gia của phòng khám dinh dưỡng Viam Clinic, cho hay: Khi trẻ tiêu chảy, việc đầu tiên là cần bổ sung nước điện giải và thay đổi chế độ dinh dưỡng. Khi tiêu chảy, cơ thể trẻ giảm hấp thụ chất béo, cần bổ sung, bù chất béo bằng cách đưa vào thức ăn giàu chất béo như đậu, thịt… Với sữa mẹ, nhiều người e dè giảm hoặc ngừng. Tuy nhiên, điều đó không cần thiết, mẹ cần duy trì cho con bú bình thường. Trong giai đoạn bệnh, một số vi chất cần bổ sung như vitamin A giúp tăng cường miễn dịch cho trẻ, kẽm, kali… Một số thức ăn cần giảm như thức ăn có vị chua, lên men, chế biến sẵn, ít năng lượng… Khi tiêu chảy, trẻ thường mệt, cần đẩy mạnh thức ăn giàu calo, chia nhỏ bữa ăn. Bên cạnh đó, các mẹ lưu ý giữ vệ sinh, cho trẻ rửa tay đúng cách bằng xà phòng… hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn. Đồng thời, tái khám sau hết tiêu chảy, để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt cho trẻ.
Trẻ ho, sốt, khi nào cần nhập viện?
Thấy cô con gái 15 tháng tuổi sốt 380 đến ngày thứ 2, vợ chồng anh Nguyễn Mạnh Hùng (Hoàng Mai, Hà Nội) quáng quàng đưa con đi khám. Bác sĩ chẩn đoán con anh sốt virus thông thường, cho điều trị ngoại trú với lời căn dặn, nếu trẻ sốt trên 38,50 thì cho uống hạ sốt, còn nếu trẻ sốt quá 3 ngày cho tái nhập viện. Tuy nhiên, chỉ sau đó một ngày, con anh Hùng hết hẳn sốt, ăn uống lại bình thường.
Sau một ngày thấy con ho, sốt và bỏ bú, anh Nguyễn Thành Trung (Gia Lâm, Hà Nội) vội đưa con nhập viện. Tại bệnh viện, con anh được chẩn đoán chớm viêm phổi. Anh Trung rất ngỡ ngàng vì con anh mới sốt, ho có một ngày, sao lại chớm vào phổi nhanh vậy.
Trao đổi về việc làm sao để nhận biết khi nào trẻ sốt, ho cần đi khám, BS. Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, không phải trẻ cứ sốt là đến viện, nếu sốt thông thường đó là phản ứng tốt của cơ thể, vận động cơ chế miễn dịch chống lại virus… không cần can thiệp. Tuy nhiên, trẻ con dễ sốt co giật, do vậy khi trẻ sốt đến 38,50 cần cho dùng thuốc hạ sốt… Trong trường hợp trẻ sốt dưới 38,50, cha mẹ nên để trẻ ở phòng mát, uống nước và theo dõi. Nếu trẻ vẫn chạy nhảy sau sốt, trong 3 ngày đầu không phải đưa trẻ đi khám. Nếu trẻ sốt đến ngày thứ 4 hoặc có thêm dấu hiệu khác như ho nhiều, khó thở, không ăn uống… thì nên cho trẻ đi khám. “Sốt cũng có nhiều nguyên nhân như virus, vi khuẩn. Nhưng có đến 3/4 trẻ sốt do virus. Do vậy, khuyến cáo cha mẹ không tự ý dùng kháng sinh cho con. Như vậy là hại trẻ…”, BS. Dũng cảnh báo.
BS. Dũng cũng lưu ý, với trẻ ho là phản xạ tốt, tống virus ra ngoài nên không nhất thiết phải can thiệp giảm ho ở trẻ. Tuy nhiên, khi trẻ ho, sốt cộng với khó thở, thở nhanh hoặc rút lõm lồng ngực cần nghi ngờ trẻ viêm phổi, phải đưa đến bệnh viện ngay lập tức, tránh nguy hiểm cho trẻ. “Bởi, trên thực tế, nhiều cha mẹ thấy con giảm ho lại tưởng con khỏe lại, không ngờ trẻ thở rút lõm ngực, lúc này trẻ không có sức để ho, đã chuyển sang viêm phổi”, BS. Dũng nói.
BS. Sơn lưu ý, khi nhiệt độ cơ thể trẻ tăng, quan trọng nhất là bù nước bằng oresol pha đúng liều lượng. Chia nhỏ bữa với số lượng ít mỗi bữa, chọn thực phẩm bé thích ăn hàng ngày, dễ tiêu hóa, mềm, nhạt. “Chế độ dinh dưỡng này cũng áp dụng khi trẻ ho. Tuy nhiên, cha mẹ nên ưu tiên cho trẻ thực phẩm loãng như cháo, súp; hạn chế đồ lạnh như kem, nước đá; tránh ăn đồ tanh. Lưu ý, trước khi cho trẻ ăn nên cho trẻ uống vài thìa nước, úp ngược trẻ, vỗ lưng để trẻ loãng đờm ở cổ, tránh nôn trớ khi ăn”, BS. Sơn căn dặn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận