Báo Giao thông trao đổi với TS. Đào Mạnh Hoàn, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nghiên cứu quản lý cán bộ, công chức, viên chức (Viện Khoa học tổ chức Nhà nước, Bộ Nội vụ), Thư ký Tổ biên tập soạn thảo Nghị định xung quanh những nội dung này.
Ông Đào Mạnh Hoàn
Đề cao sự liêm chính
Vì sao thời điểm này, Bộ Nội vụ lại tham mưu xây dựng, ban hành Dự thảo về Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ, thưa ông?
Thời gian vừa qua, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn bộc lộ yếu kém trong đạo đức, lối sống, giao tiếp, ứng xử với người dân và doanh nghiệp, có những hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự gây ảnh hưởng đến uy tín của Bộ, ngành, địa phương và hình ảnh của cán bộ, công chức, viên chức.
Hiện nay nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã ban hành quy tắc, quy định về văn hóa ứng xử nơi công sở, quy định về chuẩn mực đạo đức khi giao tiếp với nhân dân.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện không ít nơi thực hiện chưa được tốt khiến người dân không khỏi bức xúc. Chính vì thế, việc ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ ở thời điểm hiện nay là rất cần thiết.
Khi có Bộ Quy tắc này, các cơ quan công quyền, cán bộ, công chức viên chức cần phải tuân thủ nghiêm những quy định. Cần thiết thì phải có thông tư để cụ thể hóa những hành vi vi phạm, cụ thể hóa những việc buộc phải làm, những việc không được làm, từ đó Bộ Quy tắc mới có thể thực sự đi vào cuộc sống, tránh hiện tượng “chỉ để cho có".
ĐBQH Phạm Văn Hòa
Để hạn chế, khắc phục tình trạng trên và thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, Bộ Nội vụ đã tham mưu, xây dựng dự thảo Nghị định ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ làm căn cứ để các Bộ và địa phương thực hiện nghiêm túc, thống nhất trong cả nước.
Mục đích xây dựng và ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ nhằm đảm bảo sự liêm chính, văn minh, chuyên nghiệp, phù hợp với nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức.
Đây sẽ là cơ sở để cán bộ, công chức, viên chức tu dưỡng, rèn luyện bản thân, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực khác.
Bộ Quy tắc sẽ chú trọng đến những nội dung gì và các quy tắc nêu ra hướng tới điều gì, thưa ông?
Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ sẽ chú trọng đến 3 nội dung: Chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức; Chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; Kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Dự thảo Bộ Quy tắc nhấn mạnh đến việc giao tiếp, ứng xử với tổ chức và công dân của cán bộ, công chức, viên chức. Cán bộ, công chức, viên chức phải có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, đúng mực; không có hành vi, lời nói hạch sách, nhũng nhiễu, gây căng thẳng, bức xúc, gợi ý nhằm trục lợi cá nhân.
Hiện ngoài các quy định pháp luật phải tuân theo, nhiều Bộ, ngành và địa phương cũng có Bộ Quy tắc ứng xử riêng cho cán bộ, viên chức, công chức với người dân. Vậy Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ này có điểm gì mới so với các quy tắc ứng xử hiện hành không, thưa ông?
Qua rà soát văn bản quy phạm pháp luật cho thấy, hiện nay, Chính phủ chưa ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ, các Bộ, ngành và địa phương mới chỉ ban hành Bộ Quy tắc ứng xử cho ngành, lĩnh vực cụ thể.
Vì vậy, Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ có điểm mới so với các Bộ Quy tắc ứng xử hiện hành là tập trung quy định về chuẩn mực đạo đức công vụ như: Tính chính trực, liêm chính; tính khách quan, công bằng, bình đẳng; sự đúng mực, tính thận trọng; sự tận tụy và kịp thời; năng lực, sự chuyên cần; trách nhiệm giải trình và kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Người dân có thể ghi âm, ghi hình
Theo Bộ Nội vụ, việc ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ nhằm đảm bảo sự liêm chính, văn minh, chuyên nghiệp, phù hợp với nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức
Dự thảo quy định rất nhiều hành vi bị cấm như: Không được chửi thề, không nói tiếng lóng, quát, dọa nạt nhân dân… Vậy cách nào xác định vi phạm trong thực tế và ai sẽ là người giám sát?
Cán bộ, công chức, viên chức là người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, “là công bộc của nhân dân, phụng sự Tổ quốc” và thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình theo luật định. Do vậy, trước hết phải tự ý thức và tự giám sát bản thân để không vi phạm đạo đức công vụ.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phải giám sát cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện bộ quy tắc này trong quá trình làm việc.
Ngoài ra, người dân, doanh nghiệp theo quy định có quyền tham gia quản lý Nhà nước cũng như giám sát việc thực hiện đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
“Nghị định ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ là văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ ban hành, chỉ dưới luật, tính pháp lý là rất cao. Đã là văn bản pháp luật thì buộc những người có liên quan phải thực hiện.
Đây là cơ sở để cán bộ, công chức, viên chức tu dưỡng, rèn luyện bản thân, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực khác.
Thông qua Bộ Quy tắc này, các cơ quan, đơn vị sẽ kiểm tra giám sát để khi đánh giá, phân loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, đưa ra những quyết định chính xác. Một cán bộ công chức hách dịch, có thái độ không chuẩn mực khi giao tiếp với dân thì không thể coi là hoàn thành tốt nhiệm vụ được”.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ
Trong quá trình làm việc, tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp, nếu cán bộ, công chức, viên chức, chửi thề, nói tiếng lóng, quát, dọa nạt nhân dân, có những cách xác định vi phạm như: Người dân và doanh nghiệp có quyền ghi âm, ghi hình và sử dụng các biện pháp khác để ghi lại chứng cứ, phản ánh với lãnh đạo cơ quan, đơn vị nơi cán bộ, công chức, viên chức làm việc để xử lý theo quy định.
Đồng thời, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý.
Căn cứ để khen thưởng, kỷ luật
Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ này có mang tính chất bắt buộc phải thực hiện, hay cũng chỉ mang tính chất khuyến khích như nhiều bộ quy tắc khác mà các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành, thưa ông?
Một trong những tiêu chí để xét đánh giá, xếp loại, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức là đạo đức lối sống và ý thức tổ chức kỷ luật.
Bộ Quy tắc là cơ sở để thực hiện việc giám sát, đánh giá về đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức. Đây cũng là một trong những căn cứ để cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền xem xét, quyết định việc đánh giá, xếp loại, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
Có ý kiến cho rằng, đạo đức công vụ không dễ để cụ thể hóa, do đó quy định, quy tắc chấn chỉnh chỉ mang tính răn đe, khuyến khích. Vậy theo ông, để những quy định trong Bộ Quy tắc này đi vào thực tiễn, cần phải tổ chức thực hiện thế nào để mang tính khả thi?
Trước tiên phải nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của người đứng đầu của mỗi cơ quan công quyền về Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ đối với nền công vụ.
Kết hợp với tuyên truyền sâu rộng để người dân và doanh nghiệp biết và tham gia giám sát việc thực hiện Bộ Quy tắc đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Một trong những nội dung cũng rất quan trọng là tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát kịp thời để phát hiện và chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đạo đức công vụ.
Một giải pháp quan trọng khác là sớm thực hiện cải cách chế độ tiền lương và thu nhập để cán bộ, công chức, viên chức không dám và không muốn vi phạm đạo đức công vụ.
Cảm ơn ông!
5 chuẩn mực đạo đức, 10 chuẩn mực ứng xử
Dự thảo Nghị định ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ gồm 5 chương, 25 điều. Trong đó, quy tắc đạo đức chung là cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của mình theo quy định của Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Tiếp công dân, các văn bản pháp luật khác có liên quan và quy định của ngành.
Chương II, quy định về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức gồm 5 điều với các chuẩn mực: Tính chính trực, liêm chính; Tính khách quan, công bằng, bình đẳng; Sự đúng mực, tính thận trọng; Sự tận tụy và kịp thời; Năng lực và sự chuyên cần.
Tại Chương III, dự thảo quy định Chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức gồm 10 điều, quy định về: Giao tiếp, ứng xử với tổ chức và công dân; Giao tiếp ứng xử với đồng nghiệp; Giao tiếp, ứng xử với cấp trên; Giao tiếp, ứng xử với cấp dưới; Giao tiếp, ứng xử với tổ chức, cá nhân nước ngoài khi đi học tập, làm việc ở nước ngoài; Chuẩn mực giao tiếp, ứng xử với cơ quan thông tấn, báo chí; Ứng xử trong gia đình; Ứng xử nơi cư trú; Ứng xử nơi công cộng; Ứng xử giao tiếp qua điện thoại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận