Đường bộ

Hơn 1.600 tỷ đồng làm đường Hồ Chí Minh qua Thái Nguyên, Tuyên Quang

07/06/2024, 10:24

29km đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn chính thức khởi động thi công với tổng mức đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng. Khi dự án hoàn thành cuối năm 2025, sẽ là thời điểm đường Hồ Chí Minh nối thông từ Pác Bó (Cao Bằng) đến đất mũi Cà Mau.

Đủ điều kiện triển khai thi công

Sáng nay (7/6), Bộ GTVT tổ chức lễ triển khai thi công dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn qua tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang. Đây là dự án đặc biệt có ý nghĩa bởi tuyến đường đi qua di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia an toàn khu Định Hoá, Yên Sơn - nơi là đầu não kháng chiến trong những năm 1947-1954.

Hơn 1.600 tỷ đồng làm đường Hồ Chí Minh qua Thái Nguyên, Tuyên Quang- Ảnh 1.

Lãnh đạo Bộ GTVT, các địa phương và đại diện các ban, ngành nhấn nút triển khai thi công dự án.

Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (Chủ đầu tư) cho biết, dưới sự chỉ đạo của Bộ GTVT, với sự khẩn trương, nghiêm túc từ công tác khảo sát, thiết kế, lựa chọn nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công, đến nay, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn đã đủ điều kiện triển khai thi công.

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn có tổng chiều dài gần 29km.

Điểm đầu dự án tại Chợ Chu (điểm cuối đoạn Chợ Mới - Chợ Chu), huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Điểm cuối dự án tại ngã ba Trung Sơn (giao cắt với QL2C), huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Tuyến đường được đầu tư quy mô đường cấp III miền núi, bề rộng nền đường 9m, bề rộng mặt đường 6m, vận tốc thiết kế 60km/h, có châm chước những vị trí khó khăn.

Riêng đoạn tuyến đi qua trung tâm xã Trung Sơn (chiều dài khoảng 532m) sẽ được đầu tư quy mô đường đô thị, bề rộng nền đường 14m, bề rộng mặt đường 10m.

Với phương án trên, tổng mức đầu tư dự án là 1.665 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

"Với vai trò là chủ đầu tư dự án, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, nhà thầu tổ chức triển khai khoa học, hoàn thành dự án đúng tiến độ vào năm 2025, đảm bảo tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật.

Quá trình thi công dự án, chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền, các địa phương có dự án đi qua

Nhà thầu xây lắp, nhà thầu tư vấn cũng cần phát huy trách nhiệm, nội lực ngay từ những ngày đầu tiên để hoàn thành dự án theo đúng yêu cầu", ông Quý đề nghị.

Bày tỏ sự vinh dự khi là nhà thầu xây lắp được tin tưởng lựa chọn thi công nhiều dự án trên tuyến đường mang tên Bác, đồng thời, xác định đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn là mảnh ghép quan trọng góp phần nối thông đường Hồ Chí Minh, đại diện liên danh nhà thầu xây lắp, ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải cam kết sẽ dồn lực thi công, hoàn thành dự án vào cuối năm 2025 theo yêu cầu của Bộ GTVT, chủ đầu tư.

"Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương, người dân và chủ đầu tư sẽ sớm bàn giao mặt bằng để đạt được mục tiêu đề ra", ông Hải nói.

Hơn 1.600 tỷ đồng làm đường Hồ Chí Minh qua Thái Nguyên, Tuyên Quang- Ảnh 2.

Ông Đặng Xuân Trường, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên.

Ông Đặng Xuân Trường, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên đánh giá, việc khởi dự án Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn là sự kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với chính quyền, nhân dân các dân tộc hai tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang.

"Việc đầu tư tuyến đường nhằm từng bước hoàn thiện đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch; tăng cường kết nối, nâng cao năng lực khai thác vùng trung du, miền núi phía Bắc và trên các hành lang vận tải từ Thái Nguyên và Tuyên Quang đến các các địa phương vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; Mang đến cơ hội kết nối thuận lợi khu di tích quốc gia tại hai địa phương với các tỉnh, thành lân cận, thúc đẩy du lịch phát triển", ông Trường nói.

Để dự án triển khai đúng tiến độ, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên cam kết, thời gian tới, hai tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, Ban QLDA sớm hoàn thành công tác GPMB, tái định cư, thực hiện tốt đảm bảo an ninh trật tư, tuyên truyền để nhân dân hiểu được tầm quan trọng của dự án, tạo điều kiện thuận lợi để nhà thầu tổ chức thi công.

"Tôi tin tưởng rằng với kinh nghiệm, năng lực chuyên môn, sự phối hợp chặt chẽ, sự ủng hộ của chính quyền, nhân dân vùng dự án, dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ, phát huy hiệu quả", ông Trường nói.

Hơn 1.600 tỷ đồng làm đường Hồ Chí Minh qua Thái Nguyên, Tuyên Quang- Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm phát biểu tại buổi lễ.

Góp phần làm nên những "kỳ tích" mới

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, dự án Đường Hồ Chí Minh là công trình quan trọng quốc gia đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng.

Đây là Công trình to lớn, mang theo ý nguyện của Đảng, sự mong mỏi của nhân dân; trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, con đường Trường Sơn huyền thoại giữ vai trò, sứ mệnh lịch sử chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, phục vụ đắc lực cho kháng chiến, cho ngày toàn thắng, độc lập của dân tộc.

Trong thời kỳ đổi mới, con đường được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; vừa là con đường chiến lược về quốc phòng, an ninh, vừa là con đường quan trọng để phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nâng cao đời sống của nhân dân.

Dự án có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng) điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau) dài 3.183km (tuyến chính dài 2.499km, nhánh phía Tây dài 684km). Đến nay, đã hoàn thành 2.488/2.744km và khoảng 258km tuyến nhánh, còn lại 256km đang triển khai.

Trong đó, đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn là dự án thành phần cuối cùng được đầu tư xây dựng để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh vào năm 2025.

"Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng 13, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hết sức quan tâm, quyết liệt chỉ đạo xây dựng quy hoạch, kế hoạch, các cơ chế chính sách có tính đột phá, ưu tiên bố trí mọi nguồn lực nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của khu vực.

Hơn 1.600 tỷ đồng làm đường Hồ Chí Minh qua Thái Nguyên, Tuyên Quang- Ảnh 4.

Nhà thầu tập kết máy móc, thiết bị sẵn sàng thi công dự án.

Trong đó, tiếp tục đầu tư hoàn thành khoảng 352km đường bộ cao tốc, gồm: Hữu Nghị - Chi Lăng; Đồng Đăng - Trà Lĩnh; Tuyên Quang - Hà Giang; Hòa Bình - Mộc Châu, Chợ Mới - Bắc Kạn và một số tuyến cao tốc khác; đang chuẩn bị đầu tư cảng hàng không Sa Pa; tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng; ưu tiên đầu tư nâng cấp tuyến vận tải thủy Việt Trì - Yên Bái - Lào Cai (sông Hồng)...

Trong những năm tới, khi chúng ta hoàn thành được các công trình hạ tầng giao thông quan trọng nêu trên trong đó có tuyến đường Hồ Chí Minh, sẽ càng đóng góp to lớn hơn, làm nên những "kỳ tích" mới trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và sự phát triển chung của tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Tuyên Quang và của khu vực", Thứ trưởng nhận định.

Để dự án Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn được triển khai xây dựng đảm bảo tiến độ, chất lượng, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, các đơn vị tư vấn, nhà thầu phát huy tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", xây dựng kế hoạch cụ thể, phương án tổ chức thi công phù hợp, huy động đầy đủ nhân lực, máy móc, thiết bị để tập trung triển khai thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn và vệ sinh môi trường.

"Bộ GTVT cũng đề nghị 2 tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang tiếp tục quan tâm chỉ đạo sớm hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các khu tái định cư và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật; bố trí bãi đổ thải, ưu tiên cung cấp đủ nguồn nguyên vật liệu cho dự án.

Với trách nhiệm của mình, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND các địa phương, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc; quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện, đảm bảo chất lượng, tiến độ đã đề ra", Thứ trưởng khẳng định.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.