Quản lý

Trình Chính phủ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam trong tháng 1/2019

14/01/2019, 20:03

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án lần cuối để trình Chính phủ trong tháng 1/2019.

img
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Chiều nay (14/1), tại cuộc họp của Bộ GTVT về tình hình triển khai nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể giao Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì, chỉ đạo liên danh tư vấn, các đơn vị chức năng của Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện báo cáo để trình Chính phủ trong tháng 1/2019.

“Đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt của đất nước, có nhiều vấn đề lớn được đặt ra. Thời gian qua, tư vấn đã có sự chuẩn bị tích cực nhưng chưa đáp ứng đầy đủ được yêu cầu về nội dung, tiến độ. Trong tháng 1/2019, Bộ GTVT phải trình Chính phủ nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư; vì vậy thời gian này, tư vấn phải khẩn trương hoàn thiện nghiên cứu dự án”, Bộ trưởng yêu cầu.

Trong báo cáo trình Chính phủ, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, cần làm rõ 2 phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao: theo mô hình “cắt ngang”, trong đó ưu tiên đầu tư trước chặng Vinh - Hà Nội, Nha Trang - TP.HCM như đề xuất của tư vấn (Liên danh Tedi-Tricc- Tedisouth) trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu của tư vấn nước ngoài hơn chục năm gần đây; phương án đầu tư “bổ dọc”, theo đề xuất của GS. Lã Ngọc Khuê, với việc đầu tư trước hạ tầng toàn tuyến Bắc - Nam, khai thác trước bằng đầu máy diesel rồi từng bước hiện đại hóa thành đường sắt tốc độ cao.

“Cả hai phương án đều phải căn cứ trên những thống kê, số liệu khách quan, trung thực của các đơn vị nghiên cứu, tổ chức, chuyên gia khoa học để đưa ra kết luận, đề xuất. Nội dung báo cáo phải đầy đủ các dữ liệu, phụ lục để chứng minh, giải trình”, Bộ trưởng nói thêm.

Một số vấn đề cụ thể cũng được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lưu ý với tư vấn khi hoàn thiện nghiên cứu tiền khả thi như: công nghệ, thời gian, biểu đồ vận hành toàn tuyến, kinh phí đầu tư giai đoạn 1, khả năng làm chủ công nghệ, hạng mục xã hội hóa đầu tư, sự tác động của nền kinh tế qua các lĩnh vực cụ thể, suất đầu tư “phần cứng” hạ tầng tuyến và suất đầu tư “phần mềm” để vận hành được tuyến đường sắt tốc độ cao, những số liệu mà nghiên cứu tiền khả thi chỉ có thể ước tính… Các nhà ga được xác định trở thành trung tâm của các đô thị mới, nên có thể bóc tách thành hạng mục đầu tư kêu gọi xã hội hóa, thay vì gộp chung vào phần vốn nhà nước đầu tư.

“Về vấn đề làm chủ công nghệ, báo cáo phải chứng minh được Việt Nam có làm được không, làm được những gì, phải nhập khẩu những gì? Cần chứng minh để Chính phủ, Quốc hội thấy được những phần nào, công nghệ nào mà doanh nghiệp trong nước làm được, làm chủ được công nghệ. Phần phải nhập từ nước ngoài thì cần cơ chế đấu thầu quốc tế thế nào?”, Bộ trưởng gợi ý và cho biết, đây là lần thứ hai nghiên cứu dự án để trình Chính phủ, Quốc hội để xin chủ trương đầu tư dư án nên cần sự chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng, khoa học để đảm bảo tính thuyết phục cao nhất.

img
Đường sắt tốc độ cao tại Nhật Bản dùng công nghệ đoàn tàu động lực phân tán

Trước đó, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tedi trình bày nghiên cứu tiền khả thi dự án, trong đó nội dung cập nhật, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, nhà khoa học và Hội đồng thẩm định nội bộ của Bộ GTVT. Tại cuộc họp, một số ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện nghiên cứu tiền khả thi dự án đối với cả hai phương án đầu tư.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, điểm đặc biệt của dự án đường sắt tốc độ cao là khi trình Quốc hội chưa phải triển khai ngay, song cần được quyết sách ngay từ khâu chấp thuận chủ trương về công nghệ dự án, vì đây là yếu tố quyết định đến các phần khác khác của dự án.

Được biết, tư vấn đề xuất xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nối Hà Nội - TP.HCM, chiều dài 1.500km, đi qua 20 địa phương với 23 nhà ga. Dự án dùng công nghệ đoàn tàu, vận tốc thiết kế 350km/h. Phương án đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang giai đoạn 2020-2030 và hoàn thành đoạn giữa giai đoạn sau 2030-2040. Nội dung hoàn thiện sau báo cáo cuối kỳ cũng đưa ra các kết quả nghiên cứu theo phương án đầu tư trước toàn bộ hạ tầng tuyến Bắc - Nam, sau đó khai thác trước bằng tàu đầu kéo diesel, sức kéo hơn 100km/h và từng bước nâng cấp lên tốc độ cao.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.