Xã hội

Trở lại làng tỷ phú đồng nát sau vụ nổ kho đạn kinh hoàng

16/06/2019, 14:00

Nỗi đau đã nguôi ngoai nhưng chính quyền, người dân ở làng Quan Độ (Bắc Ninh) vẫn nơm nớp nỗi lo cháy nổ, ô nhiễm môi trường nước, không khí...

img
Không khí làng Quan Độ luôn ngột ngạt, đặc quánh, bụi bẩn và mùi khét

Một năm rưỡi từ ngày xảy ra vụ nổ kho đầu đạn kinh hoàng làm 2 trẻ em tử vong, 8 người bị thương ở làng Quan Độ (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh), nỗi đau đã phần nào nguôi ngoai, nhịp sống lại diễn ra hối hả. Nhưng nỗi lo cháy nổ, ô nhiễm không khí vẫn cận kề ở ngôi làng “tỷ phú đồng nát”.

Gượng dậy sau nỗi đau

Những ngày giữa tháng 6, nắng nóng đỉnh điểm với nhiệt độ trung bình toàn miền Bắc lên tới gần 40 độ C, không khí ở thôn Quan Độ càng như đặc quánh, ngột ngạt hơn bởi từng cột khói do đốt rác và cô đúc nhôm kim loại màu bốc lên nghi ngút, bụi bay như sương mù, mùi khét toả khắp nơi.

Thế nhưng, tại con ngõ dẫn vào tâm vụ nổ sáng 3/1/2018, nơi đã san phẳng 4 ngôi nhà, làm 2 trẻ em tử vong và 8 người lớn bị thương, không khí như dịu bớt bởi con ngõ này không còn các hộ lớn kinh doanh phế liệu. Chỉ tay vào những vạt thóc phơi dọc ngõ, bà Nghiêm Thị Thoa, nhà gần kề tâm vụ nổ cho hay, sau vụ nổ, địa phương và người thân của ông Nguyễn Văn Tiến - chủ kho đạn phát nổ đã thực hiện việc đền bù, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng.

Khoảng 4h30 sáng 3/1/2018, tại nhà ông Nguyễn Văn Tiến (53 tuổi, ở thôn Quan Độ) xảy ra vụ nổ kinh hoàng. Khi nổ, các đầu kim loại bắn ra xung quanh khu vực làm 2 trẻ em tử vong và 8 người bị thương. 4 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hơn 200 ngôi nhà bị ảnh hưởng do vụ nổ.

Sau vụ nổ, khoảng 6,8 tấn đầu đạn, mảnh kim loại thu gom tại làng Quan Độ, xã Văn Môn đã được bàn giao cho Trường bắn quốc gia khu vực 1, đóng ở tỉnh Bắc Giang xử lý.

Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Tiến. Làm việc với công an, ông Tiến khai đã mua 7 tấn đạn cũ 12 ly 7 và 14 ly 5 từ một cán bộ của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn quốc gia, để tháo dỡ lấy phế liệu.

“Những hộ dân ở ngõ này hầu hết bị đổ nhà, sập tường, bay mái... thì sau khi bị hỏng hóc, đã tự bỏ thêm tiền, cùng số tiền hỗ trợ, đền bù để khắc phục, sửa sang lại nhà cửa. Như nhà tôi trước bay vỡ mái, vỡ tường, giờ cũng đã xây lại tường mới, lợp mái và thay cửa mới”, bà Thoa cho hay.

Ngay tại tâm vụ nổ, nơi 4 ngôi nhà bị san phẳng đến độ không còn nhìn thấy móng, tạo thành một hố sâu 3-4m rộng như một cái ao, giờ cũng đã có một căn nhà thờ được xây mới lại trên nền đổ vỡ cũ. Ngôi nhà đổ nát của anh Đặng Đình Tiến và chị Sen - cặp vợ chồng mất đi cô con gái duy nhất có được sau gần 10 năm chữa trị, giờ đã được dựng lại thành nhà cấp 4 lợp mái tôn. Duy chỉ có căn nhà của ông Nguyễn Văn Tiến - chủ kho đạn phát nổ, người đã bị giam giữ về hành vi tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng thì vẫn còn nguyên mảnh đất hoang sơ, cây cỏ dại mọc đầy.

Những người hàng xóm ở đây cho hay, sau vụ nổ, hai hộ thiệt hại lớn nhất là hai hộ gia đình mất đi hai đứa trẻ là anh Nguyễn Văn Lợi (bố bé Nguyễn Tiến Nam, 2 tuổi) và anh Đặng Đình Tiến (bố bé Đặng Thuỳ Dương, 4 tuổi) không thấy quay trở lại đây, có lẽ bởi họ sợ khơi gợi lại nỗi đau quá lớn.

“Anh Lợi là cháu của ông Tiến. Do nhà nghèo nên anh mới mượn ngôi nhà mà ông Tiến chứa cả kho đầu đạn để ở nhờ. Sau vụ nổ, mất con, mất một số tài sản, vợ chồng anh đã chuyển về ngôi nhà rách nát của họ ở mé sông. Còn nhà anh Tiến - chị Sen trước làm thợ mộc, mới vay mượn xây được nhà 3 tầng khang trang, ai ngờ vụ nổ làm mất sạch nhà cửa, tài sản, đau đớn nhất là bé Dương mà 2 vợ chồng chạy chữa chục năm mới có cũng mất trong vụ nổ, nên chưa thấy quay lại đây sinh sống”, bà Thoa cho hay.

Trao đổi với PV Báo Giao thông qua điện thoại, anh Đặng Đình Tăng, anh trai anh Tiến chia sẻ, sau vụ nổ, mất con, mất sạch cửa nhà, anh Tiến - chị Sen về nhà ngoại - nội ở một thời gian dài, gần đây mới thuê nhà trọ ở riêng. “Hai vợ chồng Tiến - Sen lấy nhau gần 10 năm chữa chạy mới có bé Dương, con bé ra đi, họ quá đau đớn nên không muốn quay về nơi cũ, không muốn nhắc chuyện cũ. Gần đây, vợ chồng Tiến mới sinh được bé gái, nên nỗi đau tạm nguôi ngoai. Tiến quay về dựng tạm căn nhà cấp 4 ở chỗ nhà bị vụ nổ làm sập đổ. Dự tính sắp tới, Tiến quay trở lại với nghề mộc để nuôi vợ con”.

Phó chủ tịch UBND xã Văn Môn Nguyễn Hoàng Gia cho biết, sau vụ nổ có 217 hộ gia đình bị thiệt hại. UBND huyện Yên Phong đã ra quyết định hỗ trợ với số tiền khoảng 420 triệu đồng. Riêng hộ anh Nguyễn Văn Lợi và Đặng Đình Tiến, xã đã lập hồ sơ xác nhận hộ nghèo. Gia đình chủ kho đầu đạn phát nổ cũng hỗ trợ các hộ bị thiệt hại.

img
Ngôi nhà chứa kho đầu đạn phát nổ giờ vẫn hoang vu, cỏ dại mọc đầy

Phập phồng nỗi lo

Theo ông Gia, vụ nổ kinh hoàng khiến 2 người tử vong, nhiều người bị thương, 217 hộ dân bị ảnh hưởng cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho làng nghề Quan Độ. Sau vụ nổ, lực lượng chức năng đã rà soát toàn bộ các hộ gia đình kinh doanh phế liệu ở đây để tìm kiếm vật liệu nổ còn sót lại. Bản thân người dân cũng tự rà soát, ý thức về nguy cơ cháy nổ từ những vật liệu mình mua về, lưu giữ, nên tháng đầu sau vụ nổ, thi thoảng lực lượng chức năng xã đi kiểm tra thực tế, vẫn phát hiện một số túi đầu đạn, vật liệu nổ được người dân lén vứt ra rìa đường, hội trường thôn.

Tuy nhiên, trong số 3.000 hộ dân ở Văn Môn, có tới 80% hộ kinh doanh, buôn bán. Cả xã có trên 500 hộ làm nghề thu gom buôn bán phế liệu và cô đúc nhôm. Nghề kinh doanh phế liệu đã đem lại thu nhập tốt cho người dân nơi đây, rất nhiều nhà xây như biệt thự, có ô tô con, xe tải hàng ngày ra vào Văn Môn nườm nượp để xuất, nhập hàng. Do đó, việc kiểm soát vật liệu nổ trong hàng trăm hàng nghìn xe hàng hoá nhập vào, xuất ra ở Văn Môn thật không hề dễ dàng.

img
Ngôi nhà anh Tiến chị Sen đã được dựng lại, dù chỉ là cấp 4 và ngôi nhà 3 tầng trước đây của họ đã bị vụ nổ phá hủy

“Từ sau vụ nổ, lực lượng PCCC cùng chính quyền xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, vận động bà con trong quá trình buôn bán đề cao cảnh giác, đặc biệt chú ý công tác phòng chống cháy nổ, tuyệt đối không mua bán, cất giữ hàng quân sự. Xã cũng thành lập đội PCCC tại chỗ, trang bị nhiều bình cứu hoả, kiến thức và kỹ năng phòng cháy chữa cháy cho lực lượng công an xã và hướng dẫn người dân thường xuyên. Tuy nhiên, Quan Độ vẫn như “quả bom” phập phồng nỗi lo cháy nổ vì các hộ làm nghề nằm chung trong khu dân cư, làm tại nhà. Công an xã được trang bị dụng cụ và phương tiện PCCC tại chỗ là những bình bọt, nhưng sẽ không ăn thua khi có cháy nổ xảy ra”, ông Gia phân tích.

Ngoài nỗi lo cháy nổ, ô nhiễm môi trường nước, không khí cũng là điều vị Phó chủ tịch xã lo lắng. Nhiệt độ ở Quan Độ bao giờ cũng chênh so với nhiệt độ của dự báo thời tiết tới 4-5 độ, bởi các lò đốt, máy cán... hoạt động đêm ngày. Từ không khí, nguồn nước ở đây đều ô nhiễm nghiêm trọng và đây cũng là lý do khiến Văn Môn chưa thể về đích nông thôn mới.

“Để hạn chế ô nhiễm môi trường, trước mắt, xã cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất việc để hàng hóa phế liệu bừa bãi. Về lâu dài, Văn Môn đã làm xong quy hoạch Cụm công nghiệp làng nghề thôn Mật Xá rộng 29,7ha, hiện đang giải phóng mặt bằng, đã bàn giao được khoảng 26,4ha. Cố gắng năm 2019, sau khi làng nghề hoàn thành, sẽ di chuyển toàn bộ các hộ làng nghề.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.