Đại tá Nguyễn Văn Tiến |
Sau hơn 40 năm ngày thống nhất đất nước, Củ Chi từng là vùng đất thép bị bom đạn cày xới, bây giờ trở thành vùng đất “vàng” với sự phát triển vượt bậc do biết phát huy những lợi thế KT-XH gắn truyền thống với lịch sử…
Bom rơi như mưa
Trưa một ngày tháng Tư, men theo con đường mang tên Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Rành, chúng tôi tìm về xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, trung tâm của địa đạo Củ Chi với hệ thống đường hầm trong lòng đất chằng chịt, cũng là nơi ngày xưa địch đánh phá ác liệt nhất.
Tiếp chúng tôi là vị Đại tá già Nguyễn Văn Tiến, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phú Mỹ Hưng. Ông cũng là người đã sống và chiến đấu hai thời kỳ trên vùng “đất thép” (sau nhà ông Tiến là khu địa đạo). Ông cho biết, tai của ông đã “nghễnh ngãng” vì bom đạn chiến tranh và những vết thương trên người. Nhưng khi nhắc đến những ngày tháng hào hùng của lịch sử, đôi mắt già nua chợt ánh lên niềm tự hào.
Ông kể: “Cái tên Phú Mỹ Hưng đã có từ rất lâu đời. Nó được ghép lại từ hai làng Phú Thạnh và Mỹ Hưng. Ông bà đặt tên xã như vậy với mong muốn mọi người dân sống trên vùng đất này làm ăn đều giàu có, hưng thịnh. Ở đây còn có những địa danh nổi tiếng đã đi vào lịch sử như Hố Bò, Bến Dược (bến nước gần sông Sài Gòn), có nhiều cây mọc um tùm. Bây giờ thì có Đền tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ Bến Dược, tưởng niệm và tri ân những chiến sĩ cách mạng trung kiên đã từng sống, chiến đấu và hy sinh tại đây trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ…”.
Đưa mấy ngón tay lên tính toán rồi ông Tiến kể tiếp, ngày ấy, địa đạo Củ Chi là tên gọi thường dùng của báo chí Mỹ. Bộ đội, dân quân, du kích ta gọi là “thành đồng, vách sắt”, còn quân đội Việt Nam Cộng Hòa thì gọi là mật khu Hố Bò.
Theo lời ông Tiến thì ngày xưa đây là vùng rừng rú, nhiều trảng cỏ xanh nên có nhiều bò rừng xuống uống nước ở ngoài suối nên dân gọi là Hố Bò, suối Hố Bò. Đây chính là căn cứ cuối cùng, căn cứ khu V thời kỳ chống Pháp, có tên là mật khu Hố Bò. “Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tại khu vực nhà tôi có một đơn vị quân báo trú đóng nhưng bị địch phát hiện, nên chúng huy động máy bay ném bom bất kể ngày đêm. Bom đạn rơi quá nhiều khiến bà con đã bỏ đi nơi khác sinh sống. Chỉ còn những người trung kiên là đảng viên, xã đội, du kích mới đủ bản lĩnh bám trụ, mỗi ấp chỉ còn vài người”, ông Tiến kể.
Du kích, bộ đội ban ngày đều phải sống dưới địa đạo. Ban đêm mới lên mặt đất lấy nước, nhận tiếp tế lương thực, thực phẩm, móc nối cơ sở, tổ chức binh vận ở ấp chiến lược. Ngoài những ngày chiến đấu, du kích cũng phải tự lo phần lớn lương thực, thực phẩm. Anh em phải trồng mì, săn bắt tôm cá, thu lượm phế liệu đổi lương thực, thực phẩm... Mặc dù khó khăn chồng chất, du kích Phú Mỹ Hưng vẫn kiên cường bám trụ, phối hợp với bộ đội đóng trên địa bàn, tích cực sản xuất mìn, xây dựng trận địa, tổ chức đánh giặc... “Bây giờ giải phóng rồi, mừng ghê lắm! Đất nước đổi thay nhiều, Củ Chi nói chung và Phú Mỹ Hưng nói riêng cũng đổi thay rất nhiều!”, nói đến đây nét mặt ông Tiến lộ rõ nét vui mừng.
Nghề nuôi bò sữa giúp nhiều hộ dân Củ Chi thoát nghèo |
Đất thép hồi sinh
Về vùng đất thép hôm nay, ấn tượng với chúng tôi là những con đường giao thông nông thôn được tráng nhựa phẳng lì, chạy len lỏi dưới những hàng cây xanh. Hơn 15 năm trước khi còn ngồi trên giảng đường đại học, chúng tôi có về đây vài lần trong chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh. Hồi ấy, vùng này còn cơ cực nhưng bây giờ thì đổi thay nhiều, nhà tranh, vách lá… được thay thế bởi những căn nhà cao tầng, kiên cố, khang trang, đẹp mắt…
Ông Nguyễn Văn Bu, Bí thư Huyện ủy huyện Củ Chi cho biết: “Sau giải phóng, Củ Chi được Đảng và Nhà nước đầu tư nhiều để phát triển. Với vị trí chiến lược là cửa ngõ Tây Bắc của TP HCM, tiếp giáp với ba tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Củ Chi có trục đường Xuyên Á đi ngang thông thương với các nước trong khu vực, đặc biệt là cách cửa khẩu quốc tế Mộc Bài chỉ có 40 km. Củ Chi có diện tích tự nhiên là 434.50 km2, dân số khoảng hơn 350 nghìn người, nằm trên địa thế đất tốt, cao ráo sát cạnh hai vùng kinh tế trọng điểm của Bình Dương và Long An đang phát triển mạnh mẽ. Theo tiêu chí mới, hiện nay, số hộ nghèo của toàn huyện chỉ còn hơn 4 nghìn hộ, chiếm khoảng 4% so với tổng số hộ dân.
“Cụm đô thị Tây Bắc lớn mạnh thành một khu đô thị vệ tinh kiểu mẫu vào bậc nhất TP HCM. Hệ thống giao thông nông thôn đã được bê tông hóa, đường sá đi lại rất thuận lợi để Củ Chi có thể phát triển hơn về kinh tế và du lịch”, ông Bu nói.
Một huyện có 1.277 Mẹ Việt Nam anh hùng
Trong kháng chiến, quân dân Củ Chi đã trực tiếp đương đầu với Sư đoàn 25 của Mỹ được mệnh danh là “Tia chớp nhiệt đới” và Quân khu 3 chế độ Sài Gòn. Trong chiến tranh, giặc đã ném xuống vùng đất này khoảng 240 nghìn tấn bom đạn các loại. Nếu tính bình quân mỗi người dân Củ Chi phải “gánh” tới 1,5 tấn bom. Sức tàn phá ghê gớm như thế nhưng không lay chuyển được ý chí người dân Củ Chi. Chiến tranh đã hủy diệt gần như toàn bộ hệ sinh thái, cơ sở hạ tầng của Củ Chi, biến nơi đây thành vành đai trắng. Chiến tranh đã trôi qua nhưng vẫn để lại trên mảnh đất này đầy rẫy những hố bom, bãi mìn, hàng rào kẽm gai và hàng nghìn hecta đất hoang hóa mà người ta ước tính cứ mỗi hecta đất ở Củ Chi có trên 1 nghìn hố bom, pháo các loại… Toàn huyện Củ Chi có 33 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 1.277 Mẹ Việt Nam anh hùng, 10.488 liệt sỹ, 8.650 gia đình liệt sỹ, 1.656 thương bệnh binh, 4.330 người có công với cách mạng. Đặc biệt là Mẹ Việt Nam anh hùng - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Rành là một trong những biểu tượng của phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, Mẹ Rành đã cống hiến cho Tổ quốc 8 người con trai và hai người cháu nội - ngoại. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận