Đây không phải dự án "viện trợ hay từ thiện"
Theo hãng tin Reuters, ngày 26/6, theo giờ Đức, lãnh đạo Nhóm 7 nền Công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã cam kết sẽ huy động 600 tỷ USD trong các quỹ công và tư trong vòng 5 năm tới để tài trợ cho các cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các quốc gia đang phát triển.
Dự án được khởi động lại trong khuôn khổ hội nghị thường niên năm nay của G7 tổ chức tại Schloss Elmau (miền Nam nước Đức), với cái tên mới “Hiệp định Đối tác Cơ sở Hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu”. Đây được xem là đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trị giá hàng nghìn tỷ USD của Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo G7 thông báo dự án “Hiệp định Đối tác Cơ sở Hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu” được cho là đối trọng với Sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc. Ảnh - AFP
Trong 600 tỷ USD kể trên, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ sẽ huy động 200 tỷ USD trong các khoản trợ cấp, quỹ liên bang và đầu tư trong lĩnh vực tư trong vòng 5 năm tới để tạo điều kiện cho các dự án tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình - những nước đang hỗ trợ việc đối phó với biến đổi khí hậu cũng như cải thiện y tế toàn cầu, sự bình đẳng giới và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
400 tỷ USD sẽ do các nước còn lại trong nhóm G7 huy động.
Theo hãng tin AFP, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định: "Đây không phải là ‘viện trợ hay từ thiện’”.
Ông Biden nhấn mạnh tư duy địa chiến lược đằng sau kế hoạch này và cho biết các dự án như vậy sẽ "mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, bao gồm cả người dân Mỹ và người dân của tất cả các quốc gia".
Đây chỉ là bước khởi đầu và có thể sẽ có thêm hàng trăm tỷ USD từ các ngân hàng phát triển đa phương, các thể chế tài chính phát triển, các quỹ đầu tư có chủ quyền và những nơi khác - lãnh đạo Mỹ cho biết.
Đối trọng với Trung Quốc
Các nhà lãnh đạo G7 lần đầu tiên đưa ra kế hoạch cho dự án này vào năm ngoái với cái tên “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) và nay chính thức khởi động lại dưới cái tên mới "Hiệp định Đối tác về Cơ sở Hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu".
Theo AFP, mặc dù các nước không nêu cụ thể tên Trung Quốc, nhưng sự cạnh tranh với quốc gia này vẫn thể hiện rõ nét qua bài thuyết trình của các nhà lãnh đạo.
Tuy nhiên, AFP đánh giá, khác với BRI Trung Quốc do nhà nước điều hành, quỹ tài trợ mà G7 đề xuất sẽ phụ thuộc phần lớn vào các công ty tư nhân sẵn sàng cam kết đầu tư lớn, do đó không được đảm bảo.
Tuy nhiên, theo các quan chức Mỹ, đây vẫn là một điều tích cực vì các nước tiếp nhận có thể tránh được bẫy nợ và các chiến thuật khác mà phương Tây cho là Trung Quốc đang áp dụng với các nước nhận hỗ trợ từ BRI.
Phản ứng của Trung Quốc:
Ngày 27/6, trước các thông tin trên, trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên bảo vệ những thành tựu BRI đã đạt được.
Ông Triệu Lập Kiên nói: “Trung Quốc sẽ tiếp tục chào đón tất cả các sáng kiến để thúc đẩy phát triển hạ tầng toàn cầu”.
“Chúng tôi tin rằng, chắc chắn các sáng kiến liên quan tới nhau có thể thay thế lẫn nhau. Nhưng chúng tôi phản đối hành động thúc đẩy tính toán địa chính trị dưới cái cớ xây dựng hạ tầng hoặc bôi nhọ Sáng kiến Vành đai và Con đường” – ông Triệu nói.
Sáng kiến Vành đai và Con đường mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng vào năm 2013 bao gồm các sáng kiến đầu tư vào hơn 100 quốc gia với hàng loạt dự án bao gồm đường sắt, bến cảng và đường cao tốc.
Tuy nhiên, Reuters dẫn nguồn tin từ các quan chức Nhà Trắng cho rằng kế hoạch này không mang lại những lợi ích hữu hình cho nhiều quốc gia phát triển bởi phần lớn các công việc quan trọng trong các dự án này đều thuộc về nhân công Trung Quốc, trong khi tỉ lệ lao động bị cưỡng ép hoặc lao động trẻ em ngày càng gia tăng.
Hãng tin AFP dẫn lời 1 quan chức giấu tên khác cũng có nhận định tương tự.
Tuy quan chức này thừa nhận, vì các mục tiêu đầu tư mà G7 đặt ra hầu như đều rất tham vọng nên phương Tây hiện vẫn chỉ đứng thứ hai sau Trung Quốc về mặt này.
BRI đã hiện diện trong nhiều năm qua và mang lại rất nhiều khoản chi và đầu tư bằng tiền mặt; G7 có thể phải mất nhiều năm đầu tư mới đạt được mức đó.
Nhưng người này cho rằng hiện tại chưa phải là quá muộn bởi “nhiều quốc gia” hợp tác với Trung Quốc đang hối hận và cho rằng Bắc Kinh đang quan tâm đến việc thiết lập chỗ đứng về kinh tế và địa chiến lược cho bản thân họ nhiều hơn là đem lại lợi ích cho các địa phương.
Nói về phạm vi các nước có thể tham gia vào sáng kiến này, quan chức giấu tên cho biết, mục tiêu rõ ràng là nằm ở châu Phi, khu vực Nam Mỹ nhưng phần lớn quốc gia ở khu vực châu Á cũng đang nằm trong diện nghiên cứu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận